Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn ra sao sau lời đe dọa của ông Trump?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn ra sao sau lời đe dọa của ông Trump?
Lời đe dọa nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một tín hiệu cho thấy các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung “có thể chạm tới điểm khó giải quyết”, Goldman Sachs cho biết trong ngày Chủ nhật (05/05).
Ngân hàng này cho biết trong một báo cáo rằng xác suất tiến tới một thỏa thuận giờ đã thấp hơn, nhưng cho thấy hai bên vẫn có thể tránh khỏi tình trạng leo thang thuế quan – nhất là nếu như phái đoàn Trung Quốc vẫn tới Washington để đàm phán thương mại trong tuần này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải)
|
Đề cập tới canh bạc mới nhất của ông Trump, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng: “Điều này cho thấy một sự thay đổi so với những tuyên bố lạc quan của các quan chức Mỹ trong vài tuần gần đây và cho thấy xác suất tiến tới thỏa thuận trong ngắn hạn giờ đây đã thấp hơn so với trước đây”.
Trong vài tuần gần đây, các quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán thương mại vẫn diễn ra tốt đẹp và có nguồn tin nói với CNBC rằng hai bên có khả năng tiến tới thỏa thuận trước ngày thứ Sáu (10/05). Thế nhưng, những vấn đề khó nhằn vẫn còn đó, như đánh cắp sở hữu trí tuệ và bất đồng về chuyện có nên giữ lại hàng rào thuế quan như là một cách để ép Bắc Kinh tuân thủ theo các cam kết đề ra hay không.
Trong ngày Chủ nhật (05/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mức thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ nâng lên 25% vào ngày thứ Sáu tuần tới (10/05), mặc dù Mỹ liên tục ca ngợi những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại trong vài tuần gần đây.
Mức thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hiện đang áp ở mức 10%. Lúc đầu, ông Trump đã đe dọa nâng thuế đối với hàng rào thuế quan này vào đầu năm 2019, nhưng đã trì hoãn sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý đàm phán thương mại.
Bên cạnh đó, ông Trump dọa áp thuế bổ sung 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “trong thời gian ngắn”.
“Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đã nộp thuế cho Mỹ gồm mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa công nghệ cao và 10% với 200 tỷ USD hàng hóa khác. Những khoản thuế này phần nào đóng góp vào kết quả tuyệt vời cho nền kinh tế của chúng ta. Thuế suất 10% sẽ tăng lên 25% vào ngày 10/05”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter trong ngày Chủ nhật (05/05). “325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ vẫn chưa chịu thuế, nhưng sẽ chịu thuế 25% nhanh chóng thôi. Thuế trả cho Mỹ có ít tác động đến chi phí sản phẩm, chủ yếu do Trung Quốc gánh chịu. Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục nhưng quá chậm, bởi họ muốn tái thương lượng. Không!”.
Dù vậy, Goldman Sachs cho rằng họ tin hai bên vẫn có thể tiến tới một thỏa thuận, đồng thời nói thêm kịch bản có thỏa thuận vẫn “nhỉnh” hơn so với kịch bản nâng thuế. Họ đặt mức xác suất diễn ra tình trạng leo thang thuế quan vào cuối tuần này là 40%.
Goldman Sachs nói thêm, nhà đầu tư sẽ có một tín hiệu rất rõ ràng để giám sát.
“Chỉ báo ngắn hạn quan trọng nhất để theo dõi sẽ là việc phái đoàn lớn từ Trung Quốc có đến Washington vào ngày 08/05 như dự kiến hay không. Nếu có, đây sẽ là một tín hiệu cho thấy họ tin cả hai bên vẫn có thể tiến tới một thỏa thuận”, Goldman Sachs cho biết.
Nếu cả hai bên chấm dứt đàm phán thì Mỹ sẽ nâng thuế chỉ khi họ không thể tiến tới một thỏa thuận trước ngày thứ Năm (09/05) – trước khi lời đe dọa thuế quan trở thành sự thật trong ngày thứ Sáu (10/05), họ nói thêm.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến tới Washington vào ngày thứ Tư (08/05) cùng với một phái đoàn 100 người để tham gia vào vòng đàm phán kế tiếp – có khả năng là vòng đàm phán cuối cùng. Thay vào đó, các nguồn tin thân cận cho biết phía Trung Quốc đang cân nhắc lại việc tới Mỹ để đàm phán thương mại. Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã viếng thăm Bắc Kinh trong tuần trước và họ cho biết các cuộc đàm phán là khá hiệu quả.
Goldman Sachs cảnh báo đây có thể là một tín hiệu của một cuộc chiến thương mại kéo dài: “Nếu chuyến viếng thăm sắp tới bị hủy bỏ, việc tiến tới thỏa thuận vào tuần tới có vẻ khó mà xảy ra. Trong kịch bản như thế, việc nâng thuế lên 25% sẽ trở thành kịch bản cơ sở”.
Mỹ nhập khẩu tổng cộng 539.5 tỷ USD từ Trung Quốc và thâm hụt thương mại ở mức 419.2 tỷ USD trong năm 2018, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Nếu ông Trump làm theo lời đe dọa này, gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đều bị áp thuế.
Dù vậy, vẫn còn có hy vọng nếu cuộc đàm phán tiến triển thuận lợi trong tuần này, Goldman Sachs cho biết.
FiLi