Đâu là kịch bản tồi tệ nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại?
Đâu là kịch bản tồi tệ nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại?
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể tụt dốc, nợ tăng vọt và các công ty nước ngoài tháo chạy tán loạn trong cuộc chiến thương mại ngày cành leo thang. Đây là lời cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế khi sự leo thang căng thẳng thương mại trong tuần trước buộc họ phải suy ngẫm tới các kịch bản tồi tệ nhất.
Bank of America Corp, Morgan Stanley và UBS Group AG cho biết, trong kịch bản tồi tệ nhất, Trung Quốc có thể tăng trưởng dưới 6% lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ qua. Mức tăng trưởng 5.8% từ dự báo của Helen Qiao – Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc đại lục tại Bank of America – sẽ tạo ra “môi trường tăng trưởng thảm khốc hơn là những gì con số thể hiện”.
Các chuyên viên phân tích đang đánh giá những ảnh hưởng của hàng rào thuế quan tới vai trò trung tâm cung ứng của Trung Quốc khi các công ty sản xuất tháo chạy khỏi nước này vì thuế quna. Họ cũng cảnh báo về vòng xoáy nợ nần – vốn đã lên đến mức 300% sản lượng quốc gia vì Chính phủ Trung Quốc làm giảm bớt tác động từ hàng rào thuế quan bằng cách tăng chi tiêu. Mới đây, Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ, một động thái dọn đường để cấm cửa Huawei. Việc hạn chế Huawei tiếp cận tới thị trường Mỹ và các nhà cung ứng Mỹ càng làm gia tăng tác động kinh tế tới Trung Quốc.
“Những chi phí tiềm ẩn trong dài hạn là khổng lồ”, Larry Hu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities ở Hồng Kông, cho hay. “Họ phải biết Nhật Bản đã rơi vào thập kỷ mất mát, một phần là vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kích thích nền kinh tế quá mức vì Hiệp định Plaza”.
Sự leo thang xung đột với Mỹ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, trong đó dữ liệu ngày thứ Tư (15/05) cho thấy tăng trưởng đã mất đà trong tháng 4/2019 ngay trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế đối với 200 tỷ USD từ 10% lên 25%. Sự suy yếu về kinh tế làm gia tăng khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn chấm dứt cuộc xung đột kinh tế kéo dài tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới.
Nền kinh tế sắp phải trải qua con đường khá gập gềnh trong ngắn hạn, trong đó việc áp nâng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc làm giảm bớt 0.3 điểm phần trăm trong năm nay, theo các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg News. Và nếu Mỹ áp hàng rào thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì GDP nước này có thể giảm thêm 0.6 điểm phần trăm, dựa trên kết quả từ cuộc thăm dò.
“Triển vọng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn vô cùng nặng nề nếu Mỹ tiến hành áp thêm thuế quan. Việc nâng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ gia tăng tác động lên 0.9 điểm phần trăm trong năm tới. Việc tăng thuế lên phần hàng hóa còn lại chưa bị áp thuế của Trung Quốc – như Tổng thống Trump đã đe dọa – sẽ làm GDP giảm 1.5 điểm phần trăm”, Chang Shu, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Bloomberg Economics, nhận định.
Việc leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện với hàng rào thuế quan 25% áp lên tất cả hàng hóa của hai bên sẽ làm tăng trưởng GDP ở dưới phạm vi mục tiêu 6-6.5% của Trung Quốc và giảm xuống 5.5% vào năm tới, theo Morgan Stanley.
Citigroup dự báo tác động tổng thể của hàng rào thuế quan Mỹ sẽ loại bỏ tới 4.4 triệu việc làm ngay cả trước khi ông Trump áp hàng rào thuế quan lên phần hàng hóa còn lại chưa bị áp thuế của Trung Quốc (khoảng 300 tỷ USD).
“Triển vọng là khá ảm đạm”, Chen Long, Chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, cho biết trong báo cáo ngày 14/05. “Thị trường cổ phiếu có khả năng điều chỉnh thêm, thậm chí có thể ‘thổi bay’ phần lớn thành quả của thị trường trong năm 2019. Lợi suất trái phiếu sẽ lại rớt, sau khi trên đà tăng trong thời gian gần đây. Và đồng Nhân dân tệ có thể suy yếu”, ông cho biết.
Ông Tập được cho là sắp đưa ra các gói kích thích cần thiết để ngăn chặn tăng trưởng giảm sâu hơn, từ đó có khả năng khiến nợ tăng mạnh hơn sau gần 2 năm kìm hãm. Hàng rào thuế quan bao trùm lên tất cả hàng hóa Trung Quốc khiến họ không thể giữ vững sự cân bằng giữa tăng trưởng ngắn hạn và tính bền vững của nợ, theo Societe Generale SA. Khi nợ leo thang, điều này có thể làm nảy sinh lo ngại về những rủi ro tài chính có khả năng lan truyền.
Ngoài ra, hàng rào thuế quan còn có khả năng tác động tới mô hình kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn – một điều các chuyên gia kinh tế lo lắng khôn nguôi nếu ông Tập bị kéo vào cuộc chiến kinh tế kéo dài.
Việc Mỹ áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc đã gây ra sự chuyển dịch đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu – một điều mà khó có thể bị đảo ngược. Nếu căng thẳng ngày càng leo thang, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển của các nhà sản xuất – vốn đã “đau đầu” vì chi phí lao động và các chi phí khác ngày càng leo dốc.
“Cả các công ty đa quốc gia nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc ngày càng chủ động trong việc tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế”, Klaus Baader, Trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại Societe Generale, cho hay. “Sự suy giảm của tăng trưởng đầu tư, cùng với sự giới hạn tiếp cận tới bí quyết của nước ngoài sẽ gây ra thiệt hại lâu dài tới tăng trưởng năng suất lao động dài hạn”.
Việc giới hạn Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, nhất là những lĩnh vực có liên quan tới công nghệ, có nguy cơ làm chững lại việc chuyển giao công nghệ và bí quyết nước ngoài, làm chậm lại bước tiến của Trung Quốc trong chuỗi giá trị, Zhuang Bo, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc ở Bắc Kinh tại công ty nghiên cứu TS Lombard, nhận định.
Thậm chí, điều tồi tệ hơn có thể xuất hiện nếu ông Trump áp thêm thuế lên các hàng hóa khác hoặc cấm xuất khẩu những linh kiện công nghệ quan trọng tới Trung Quốc, nhất là thiết bị bán dẫn, Alicia Garcia Herrero, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis SA ở Hồng Kông, nhận định. Điều này sẽ làm chao đảo nền kinh tế Trung Quốc, bà Alicia Garcia Herrero cho biết.
FiLi