Doanh nghiệp 400 triệu USD được 4 người bạn thành lập và bán cho Apple
Doanh nghiệp 400 triệu USD được 4 người bạn thành lập và bán cho Apple
Tôi rất vui khi có dịp gặp gỡ Dhiraj Mukherjee, người đồng sáng lập của Shazam, ứng dụng có hơn 1 tỷ lượt download, giúp người dùng nhận diện bài hát. Người dùng chỉ cần nhấn nút, để nó lắng nghe và ứng dụng sẽ cho biết bạn đang nghe bài hát nào.
Công ty Apple yêu thích ứng dụng này đến nỗi vào cuối năm 2018, họ đã mua lại Shazam với số tiền khổng lồ 400 triệu USD để tích hợp nó vào trợ lý kỹ thuật số Siri của họ.
Vậy, công ty này đã được thành lập như thế nào? Shazam bắt đầu từ một ý tưởng điên rồ giữa những người bạn vào năm 1999. Vào thời điểm đó, nền tảng công nghệ giúp ứng dụng này hoạt động vẫn chưa tồn tại, thư viện nhạc số mà Shazam cần cũng chưa tồn tại và thậm chí, nếu có tồn tại đi nữa thì vẫn chưa có mô hình kinh doanh phù hợp để sinh lợi được.
Nhưng điều đó không ngăn được sự phấn khích của 4 nhà sáng lập. Ba người tốt nghiệp MBA và một Tiến sĩ khoa học máy tính đã quyết định từ bỏ những công việc thu nhập cao, bắt đầu giải quyết những thách thức này và xây dựng một doanh nghiệp giao thoa giữa âm nhạc và công nghệ. Câu chuyện đầy đủ về quá trình thành công của Shazam quả là ấn tượng và phải dùng một cuốn sách chứ không phải một bài báo mà truyền tải được. Dưới đây là bảy ý tưởng trọng yếu xuất hiện từ cuộc trò chuyện thú vị giữa tôi và Dhiraj:
1. Khi bắt đầu kinh doanh, những người đồng sáng lập nên có những kỹ năng khác nhau nhưng cùng một giá trị
Dhiraj giải thích: “Bốn người sáng lập mỗi người đóng góp những kỹ năng và phong cách tư duy độc đáo khác nhau. Chris Barton và Philip Inghelbrecht có khuynh hướng giải quyết vấn đề nhanh chóng và hoàn thành công việc rất nhanh, trong khi tôi là một chiến lược gia hoạch định quy mô của công ty. Avery Wang, người đồng sáng lập thứ tư, là một nhà khoa học máy tính. Anh ấy hiểu rất rõ và tường tận việc xử lý tín hiệu số, điều rất cần thiết trong lĩnh vực công nghệ”.
Bên dưới các bộ kỹ năng và phong cách tư duy khác nhau là sự liên kết hoàn chỉnh với một tập hợp các giá trị khiến cho công ty hoạt động trơn tru: Sự công bằng, vui vẻ và đạo đức làm việc là những giá trị hàng đầu mà Dhiraj đề cập đến.
2. Đôi khi, những ý tưởng “dại dột” là những cơ hội lớn
Không phải ai cũng nhìn thấy được tiềm năng của Shazam và trên thực tế, công nghệ thực sự làm cho ứng dụng này phát triển mãi đến 10 năm sau khi công ty thành lập mới xuất hiện. Tuy nhiên, 4 nhà đồng sáng lập đã có linh cảm đúng đắn về tiềm năng của Shazam và điều đó giúp họ duy trì sự hưng phấn. Thay vì đi theo xu hướng kiếm tiền như những người khác, họ đã làm một việc mà họ nghĩ rằng nhiều người sẽ yêu thích.
"Tôi có một bảng tính chứa tất cả những yếu tố cần thiết để ý tưởng này thành công, đi kèm với xác suất của mỗi yếu tố đó", Dhiraj nói. "Khi tôi tính toán khả năng để mọi thứ thành công, bảng tính của tôi cho biết cơ hội thành công chỉ tương đương 4%. Tuy nhiên, dù sao điều đó cũng không khiến chúng tôi nản lòng”.
3. Thuê những người giỏi hơn bạn
Khi Shazam phát triển, Dhiraj đã thuê một người tên Vijay làm cấp trên của mình, đó là một giám đốc tiếp thị âm nhạc tài năng và giàu kinh nghiệm. Một năm sau, anh ấy thuê thêm một người tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của công ty.
Dhiraj nhận xét: “Người sáng lập công ty có một khả năng duy nhất là thuê những người giỏi hơn họ mà không đe dọa đến vị trí của chính họ vì lợi ích lâu dài của công ty. Chúng tôi đang tạo ra một thứ tuyệt vời kết hợp giữa công nghệ và âm nhạc, điều đó đã giúp chúng tôi tuyển dụng được rất nhiều người thực sự tài năng, tất cả đều muốn ý tưởng này thành công”.
4. Trong mọi thử thách lớn đều có cơ hội tiềm ẩn
Ngay sau khi Shazam tiến hành gọi vốn lần đầu tiên thì bong bóng dotcom bị vỡ, chỉ số NASDAQ giảm 70% và các công ty internet khi đó đừng hy vọng sớm nhận được những khoản đầu tư lớn.
“Đây là một vấn đề to tát theo một khía cạnh nào đó nhưng nó cũng mang lại cho chúng tôi cơ hội, vì đột nhiên một số chuyên gia máy tính giỏi nhất thất nghiệp và họ đang tìm kiếm một dự án thú vị”, Dhiraj hồi tưởng lại.
Tại thời điểm đó, Shazam đã sử dụng ưu đãi quyền chọn cổ phiếu để tuyển dụng những nhân tài xuất chúng. Nguồn lực nhân tài phong phú này đã chứng minh Shazam là một khoản đầu tư đáng giá khi sau này, các quỹ đầu tư mạo hiểm bắt đầu lại hứng thú tìm kiếm các giao dịch.
5. Kết nối tất cả đối tượng
Dhiraj nói: “Trong nhận thức muộn màng, có những lúc tôi ước gì mọi người có khả năng đọc được suy nghĩ. Rất nhiều điều thú vị đã xảy ra trong công ty nhưng tôi đã không truyền đạt chúng thích đáng cho các cổ đông”.
Tại thời khắc công ty phát triển mạnh mẽ nhất, Dhiraj mô tả nó như một chuyến xe mà mọi người đang ngồi trên đó. Anh nói quan trọng là phải đảm bảo mọi người cảm thấy họ đang đi trên cùng chuyến xe đó với bạn. Dhiraj kêu gọi các nhà sáng lập và CEO dành thời gian để liên lạc với tất cả các bên liên quan, và đừng tự cho rằng mọi người đều nhận thức được tất cả những tiến bộ mà công ty gặt hái được hoặc những thách thức mà công ty đang phải đối mặt.
6. Vai trò của sự may mắn
Về thành công trong việc thành lập và bán được một doanh nghiệp, Dhiraj nhận xét: “Thực tế mà nói, chúng tôi đã gặp rất nhiều may mắn”.
Không phải thứ gì cũng có thể lên kế hoạch được và ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng có thể không thực thi được. Nhưng đôi khi, may mắn sẽ mỉm cười với bạn. Với suy nghĩ này, điều quan trọng là hãy tận hưởng mỗi bước đường của cuộc hành trình; mọi thứ có thể không diễn ra như bạn hy vọng hay bạn sẽ có thể kiếm được tiền khi làm một việc mà bắt đầu chỉ để cho vui.
7. Làm những việc ý nghĩa
Ngoài việc xử lý những công việc hàng ngày tại Shazam, Dhiraj còn tham gia tổ chức từ thiện Save the Children để hỗ trợ tạo ra các cách tiếp cận sáng tạo hơn cho việc gây quỹ. Anh sử dụng kinh nghiệm kinh doanh để mang lại những ý tưởng mới cho một tổ chức vốn đã lớn mạnh, có uy tín. Hiện tại, anh tin rằng với doanh nhân, một số cơ hội tốt nhất thường tồn tại xung quanh các vấn đề môi trường và xã hội cần được giải quyết. “Hiện tại, tôi quan tâm đến các dự án có tiềm năng tạo ra tác động tích cực hơn bất kỳ thứ gì khác”, anh nói về các khoản đầu tư của anh.
Tôi hỏi Dhiraj có cảm giác như thế nào về việc bán Shazam cho Apple. Thỏa thuận đã mất khoảng một năm để đi đến quyết định cuối cùng và theo quy định cần kéo dài thêm nhiều tháng nữa. “Một đêm nọ, điện thoại của tôi bắt đầu inh ỏi với hàng tá tin nhắn chúc mừng chúng tôi”, anh nhớ lại. Khi anh nhấp vào một đường link mà bạn anh gửi, nó dẫn anh đến một bài báo đưa tin giao dịch bán lại đã hoàn tất. Thương vụ này, theo lời của Dhiraj, là "một câu chuyện cổ tích kết thúc một chuyến đi huyền diệu”.
Tuệ Nhiên (Theo Entrepreneur.com)
fili