Đóng dấu mật văn bản tăng giá điện để tránh tác động tới lạm phát kỳ vọng
Đóng dấu mật văn bản tăng giá điện để tránh tác động tới lạm phát kỳ vọng
Về dự thảo Danh mục Bí mật Nhà nước của ngành, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục có 2 mặt hàng điện và xăng dầu.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, liên quan đến đề xuất sửa giá điện bậc thang, bất cứ quy định nào đưa ra mà không hợp lý thì dù mới đưa ra, nếu cần thiết sửa thì vẫn phải sửa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp thực tiễn của Việt Nam.
Ông Hải cũng cho biết, về dự thảo Danh mục Bí mật Nhà nước của ngành, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục có 2 mặt hàng điện và xăng dầu. Tuy nhiên, đây không phải là giá mặt hàng này mà là phương án tính toán để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố. Hiện nay giá xăng đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, dễ tác động tới lạm phát kỳ vọng ảnh hưởng đến đời sống. Tương tự như vậy với giá điện. Vì thế, Bộ muốn đưa 2 nhóm hàng này vào Danh mục Bí mật Nhà nước trước khi công bố giá chính thức.
Cũng tại buổi họp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời với báo giới, nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường. Do đó, không thể bao cấp và bù lỗ từ ngân sách mãi được. Việc điều chỉnh giá điện là phải tính toán đến các yếu tố và cả chỉ số CPI.
Mặt khác, ông Dũng cũng nhận định việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải có căn cứ, có khoa học, có minh bạch đánh giá tác động đầu vào hợp lý để công khai. Về vấn đề công khai giá, theo lời ông Dũng văn bản ban hành ra là không mật, nhưng trong quá trình soạn thảo văn bản đó thì được quản lý theo như văn bản mật.
Vị Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2019 toàn bộ kết quả liên quan đến phương án tính toán, xác định như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, khách quan.
“Chúng ta cũng phải thấy rằng, chúng ta tăng trưởng GDP 6.5-7%, trong khi nhu cầu sử dụng điện luôn luôn tăng trưởng 2 con số. Đây là vấn đề quan tâm đặc biệt của Thủ tướng liên quan đến điện năng cho sản xuất, phát triển kinh tế, an sinh xã hội…”, ông Dũng nói.
FILI