Dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam
Dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam
Trung Quốc trở thành nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất sang Việt Nam từ đầu năm đến nay, đẩy mạnh góp vốn, mua cổ phần của các công ty trong nước
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1.31 tỉ USD (tăng gần 5,6 lần so cùng kỳ năm ngoái) và 116 triệu USD vốn điều chỉnh tăng thêm. Nếu tính cả lượng vốn góp, mua cổ phần, có tới khoảng 6.44 tỉ USD đã được các nhà đầu tư Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đăng ký vào Việt Nam.
Điểm đến hàng đầu trong khu vực
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, vốn FDI tăng nhanh thời gian qua nhờ hoạt động góp vốn, mua cổ phần và đầu tư từ Trung Quốc. Đặc biệt, những tác động của thương chiến Mỹ - Trung gần đây, trong đó có việc Mỹ liên tục tăng thuế đối với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, càng góp phần đẩy mạnh xu hướng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, phân tích: Đã và đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam là ưu tiên số 1. Những triển vọng của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế khá cao, chính trị ổn định, chi phí và kỹ năng lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng... đã thu hút dòng vốn FDI từ doanh nghiệp (DN)Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, gần đây có rất nhiều DN Trung Quốc, cả những DN quy mô rất lớn, sang tìm hiểu thủ tục, môi trường đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào các tỉnh phía Bắc nhiều hơn; họ mua, thuê đất đai, nhà máy để sản xuất nông nghiệp và công nghệ chế biến sau thu hoạch rồi xuất "ngược" trở lại Trung Quốc hoặc xuất sang các thị trường khác. Một số nhà sản xuất đào, táo sấy khô từ Trung Quốc cũng chuyển sang Việt Nam.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhận xét xu hướng DN Trung Quốc đổ sang Việt Nam qua góp vốn, mua cổ phần ngày càng phổ biến, bởi đây là con đường nhanh nhất gia nhập thị trường Việt Nam. "Nhà đầu tư không tốn thời gian thương lượng, chỉ cần giao dịch mua bán, sáp nhập trên sàn chứng khoán. Do đó, vấn đề còn lại lúc này tùy thuộc vào DN Việt trong lựa chọn được dự án tốt để hợp tác, nhà đầu tư tốt để làm ăn chung. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chiến lược của Việt Nam là ưu tiên dự án có năng suất, hàm lượng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh…" - ông Mại lưu ý.
Chú thích: Khu vui chơi có thưởng Crown International Club ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng do người Trung Quốc góp vốn đầu tư Ảnh: Bích Vân
|
Ráo riết góp vốn, mua lại
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, nhận xét các DN Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hơn một năm nay, thông qua việc thâu tóm, mua lại những DN trong nước hoặc mua đất mở trang trại canh tác, tổ chức thu mua nông sản rồi xuất khẩu. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc xuất khẩu nông sản sang Mỹ khá nhiều, giờ Mỹ đánh thuế cao nên họ phải sang Việt Nam xây nhà máy sản xuất, lấy giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất đi Mỹ. Hàng hóa Mỹ xuất qua Trung Quốc cũng phải đi đường vòng như vậy. Ngoài ra, sản phẩm mang C/O Việt Nam xuất đi nhiều thị trường đang được hưởng thuế rất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
"Trước mắt, DN Việt bán công ty được giá, bán đất đai và bán hàng cho DN Trung Quốc thu được lợi nhuận tương đối. Nhưng sau này, khi Trung Quốc đã xây dựng xong cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm chủ thị trường thì câu chuyện sẽ rất khác" - ông Viên cảnh báo.
Tổng giám đốc một DN xuất khẩu thực phẩm chế biến cho biết thêm vừa qua, ông sang Trung Quốc và thấy rất nhiều nhà đầu tư các nước như Nhật, Mỹ đã chuyển hướng tìm kiếm nhà cung cấp khác (thay vì Trung Quốc) để né chiến tranh thương mại, cũng như giảm chi phí kinh doanh trong bối cảnh chi phí hoạt động sản xuất ở Trung Quốc tăng lên. Lúc này, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là điểm đến được lựa chọn. Ông lo ngại: "Dưới góc nhìn của DN Việt, vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng kỷ lục là tốt nhưng áp lực lớn nhất là cạnh tranh về nguồn lao động. Có DN Trung Quốc vừa vào Việt Nam mở công ty đã rao tuyển 10.000 lao động, nếu họ sẵn sàng trả chi phí cao hơn, làm sao DN trong nước cạnh tranh được?".
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng vốn FDI đổ vào nhiều và tương lai sẽ là nhà sản xuất, cung ứng cho thế giới. Nhưng vấn đề là DN Việt Nam có tham gia được vào các chuỗi cung ứng đó không hay đứng ngoài cuộc? Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng khả năng cao là DN Việt sẽ khó tham gia vào sản xuất lớn mà sẽ khai thác lợi thế từ sản xuất nhỏ, phục vụ phân khúc cao cấp. Lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp hiện khoảng 10% nhưng tương lai có thể lên đến 30%. Do đó, chính sách phát triển lĩnh vực nông nghiệp lúc này cần làm sao để các DN nông nghiệp tồn tại, phát triển được trong hội nhập. Bởi nếu DN dù có tâm huyết đến đâu mà không đủ nội lực và sự hỗ trợ, định hướng kịp thời thì cũng rất khó cạnh tranh.
Kiểm soát chặt, tránh làm ăn gian dối Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài cho rằng trong xu hướng vốn FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý các dự án đổ vào chỉ để lấy C/O rồi xuất sang Mỹ. Phải kiểm soát chặt, tránh làm ăn gian dối, mượn nhãn mác của Việt Nam cho mục đích xuất khẩu. Nếu chỉ lấy C/O để né thuế thì DN sẽ làm ăn rất gian dối. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. |
Thái Phương - Thanh Nhân