“Ghế nóng” ngân hàng: Chuyện chưa bao giờ hạ nhiệt!
“Ghế nóng” ngân hàng: Chuyện chưa bao giờ hạ nhiệt!
Mùa ĐHĐCĐ ngân hàng có thể nói đã kết thúc, ngoài chuyện kế hoạch lãi lỗ thì vấn đề nhân sự cấp cao tại các ngân hàng là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong mùa Đại hội năm nay.
Có nhiều vấn đề đáng quan tâm tại ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay, tuy nhiên chuyện lãi/lỗ đã không còn nóng so với vấn đề lãnh đạo cấp cao, cổ tức, niêm yết, khi mà thời hạn của các lộ trình đang dần đến hạn vô hình trung tạo nên một áp lực đè lên vai các ngân hàng.
Rõ ràng, mùa Đại hội ngân hàng năm nay, đã chứng kiến sự thay đổi hoặc bổ sung thành viên trong HĐQT ngân hàng.
Là nhà băng mở màn mùa Đại hội năm nay, các cổ đông VIB đã thông qua kết quả bầu HĐQT nhiệm kỳ VIII (2019 – 2023) với 7 thành viên vào HĐQT gồm ông Đặng Khắc Vỹ, ông Đặng Văn Sơn, ông Đỗ Xuân Hoàng, ông Hàn Ngọc Vũ, ông Micheal John Murphy, ông Timothy Ian Oldham và ông Nguyễn Việt Cường (TV độc lập).
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua, 2 thành viên được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 của SCB là bà Mai Thị Thanh Thủy và bà Nguyễn Phương Hồng. Trước đó, hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 là ông Chiêm Minh Dũng, ông Tạ Chiêu Trung xin miễn nhiệm vì lý do cá nhân. 2 thành viên BKS cũng được bầu bổ sung.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra vào ngày 13/04/2019 vừa rồi, các cổ đông Techcombank (TCB) đã nhất trí bầu chọn 8 thành viên mới của HĐQT và 3 thành viên mới của Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Hồ Hùng Anh tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch HĐQT ABBank đã chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2019, việc một năm thay đổi nhân sự cấp cao đến 3 lần đã có những ảnh hưởng đến hệ thống của ABBank. Việc bầu bổ sung TV HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 chưa được NHNN cho phép, khi được thông qua sẽ tổ chức bầu bổ sung, do đó ĐHĐCĐ 2019 của ABBank không thực hiện bầu bổ sung TV HĐQT.
VietinBank cũng bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 với 8 thành viên gồm ông Lê Đức Thọ, ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Hiroshi Yamaguchi và ông Hideaki Takase. Trước đó nhân sự ngân hàng này có nhiều biến động khi ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT, về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông Lê Đức Thọ, vốn trước đó là Tổng giám đốc ngân hàng, đã thay ông Thắng giữ chức vụ chủ tịch HĐQT VietinBank.
Và nhà băng là tâm điểm trong vấn đề nhân sự cấp cao mùa này có lẽ là Eximbank. Mọi chuyện xoay quanh vị trí Chủ tịch HĐQT của Eximbank (EIB) và các nhà đầu tư đều đang mong đợi câu trả lời có được ngã ngũ vào ngày tổ chức ĐHĐCĐ hay không.
Bắt đầu từ việc HĐQT đã quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/03/2019 đồng thời thông qua bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quốc. Sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có Đơn yêu cầu và được Toà án quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm Chủ tịch.
Thế nhưng Eximbank ra thông báo khẳng định việc HĐQT Ngân hàng đã tổ chức phiên họp ngày 22/03/2019 để bầu Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank là tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Eximbank. Và trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng mới đây, Eximbank khẳng định việc Tòa án nhân dân TPHCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Tuy vấn đề này đang được quan tâm nhưng trong các tờ trình Eximbank công bố trong tài liệu ĐHĐCĐ 2019 ngày 12/04/2019 lại không đề cập vấn đề này.
Tuy nhiên, ĐHĐCĐ của Eximbank vào ngày 26/04/2019 vừa qua đã không thể thực hiện do không đủ tỷ lệ cổ đông tham gia. Và câu hỏi về “ghế nóng” của Eximbank vẫn còn bỏ ngỏ, trông chờ vào ĐHĐCĐ lần 2 sắp tới.
Nói về biến động nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng, PGS.TS Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng ngành ngân hàng thực sự không thiếu những người giỏi, nhưng khá nhiều nhà băng đã và đang "đau đầu" với vấn đề nhân sự cấp cao. Cái mà chúng ta đáng quan tâm nhất là những vấn đề sở hữu chéo, vấn đề "sân sau" vẫn đâu đó "lảng vảng" trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chúng ta nói đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng ít khi chúng ta suy nghĩ liệu nó có liên quan hay không, hay liên quan như thế nào đến "tái cơ cấu" các doanh nghiệp có liên quan, các doanh nghiệp "sân sau" của các cổ đông ngân hàng, và từ đó, là vấn đề nhân sự cấp cao ngân hàng. Hãy cứ nhìn danh sách cổ đông của các ngân hàng cổ phần hiện nay, sẽ không khó lắm để chúng ta có thể nhận diện những mối quan hệ dù là gián tiếp giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bên ngoài.
FILI