Giá cổ phiếu thủy sản có còn tăng nóng?
Giá cổ phiếu thủy sản có còn tăng nóng?
Kết quả kinh doanh tích cực cùng với kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã giúp giá cổ phiếu thủy sản, dệt may tăng mạnh trong năm 2018, mặc cho VN-Index giảm từ mức đỉnh lịch sử 1,204 điểm kéo theo giá nhiều cổ phiếu giảm sâu.
Năm 2019, ngành thủy sản, dệt may tiếp tục được dự báo triển vọng lạc quan do hưởng lợi từ việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 và Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) sắp được ký kết (có thể vào tháng 6 hoặc tháng 7/2019), mặc dù bên cạnh vẫn có những thách thức.
Trên thực tế, giá cổ phiếu thủy sản, dệt may diễn biến như thế nào trong quý 1/2019?
Giá cổ phiếu thủy sản tiếp tục tăng
Năm 2018, giá nhiều cổ phiếu thủy sản đã tăng bằng lần. Ấn tượng nhất là cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL), tăng giá trên 275%. Tiếp theo là cổ phiếu của CTCP Camimex Group (HOSE: CMX), tăng hơn 243%. Một doanh nghiệp nữa có mức tăng giá cổ phiếu bằng lần là CTCP Nam Việt (HOSE: ANV), với giá cổ phiếu tăng gần 175%.
Mặc dù không tăng bằng lần nhưng nhiều cổ phiếu thủy sản khác cũng có mức tăng giá khá cao trong năm 2018. Chẳng hạn như, cổ phiếu CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) tăng hơn 86%, CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) tăng gần 72%,…
Các doanh nghiệp nói trên có hoạt động kinh doanh khởi sắc trong năm qua. Năm 2018, ACL thu về lợi nhuận sau thuế (LNST) hơn 230 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2017. Trong khi đó, CMX báo LNST gần 81 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so năm 2017. ANV ghi nhận LNST hơn 600 tỷ đồng, tăng hơn 4.2 lần so năm 2017.
Sang quý 1/2019, giá một số cổ phiếu thủy sản tiếp tục tăng. Trong đó, cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX: SJ1) có mức tăng mạnh nhất, gần 46%. Trong quý 1/2019 (tức quý 2 niên độ tài chính 2019), mặc dù doanh thu không tăng nhưng LNST của SJ1 lại tăng 21% so với cùng kỳ niên độ 2018 do cơ cấu hàng bán khác nhau, theo giải trình của công ty.
Tiếp theo là cổ phiếu CMX, tăng hơn 43% trong quý 1/2019. Trong quý 1/2019, CMX ghi nhận doanh thu gần 185 tỷ đồng và LNST hơn 24.33 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 8% và hơn 479% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, CMX đặt kế hoạch LNST gần 199 tỷ đồng, tăng hơn 146% so với năm 2018. Cổ phiếu ngành tôm này nhận được cú hích từ thông tin thuế chống bán phá giá tôm tại Mỹ về 0%, được công bố ngày 10/04 vừa qua.
Sau khi tăng mạnh trong năm 2018, giá cổ phiếu ACL tiếp tục tăng hơn 20% trong quý 1/2019, trong khi giá cổ phiếu VHC chỉ tăng 1.58%. Trong quý 1/2019, ACL ghi nhận doanh thu hơn 445 tỷ đồng và LNST gần 55 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 34% và gần 825% so cùng kỳ năm 2018. Doanh thu của VHC không tăng, nhưng LNST lại tăng gần 214% so cùng kỳ năm 2018.
Kết quả kinh doanh của ACL trong quý 1/2019
Đáng chú ý, trong quý 1/2019, giá cổ phiếu CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) bất ngờ tăng gần 37%, trong khi năm 2018 giảm hơn 39%. Tuy nhiên, trong tháng vừa qua tính đến hết ngày 03/05, giá cổ phiếu HVG lại giảm hơn 25%. Ngày 26/04/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 01/08/2016 đến 31/07/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018. Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với HVG là 3.87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
Nằm trong số các cổ phiếu tăng giá mạnh trong năm vừa qua nhưng cổ phiếu ANV lại giảm hơn 4% trong quý 1/2019, mặc dù doanh thu và LNST đều tăng so cùng kỳ. Trong quý 1/2019, ANV ghi nhận doanh thu hơn 910 tỷ đồng và LNST hơn 200 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 164% so cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của ANV trong quý 1/2019
Tuy không còn ‘phong độ đỉnh cao’ nhưng vẫn nhiều hy vọng
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2019 của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán SSI cho biết, hai năm 2017 và 2018 có thể coi là giai đoạn "vàng son" của ngành thủy sản khi đạt được tăng trưởng cao cả về sản lượng lẫn giá cả nhờ mở rộng được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình không còn thuận lợi khi tăng trưởng xuất khẩu thủy sản quý 1/2019 chuyển sang -1.4% (quý 1/2017 và quý 1/2018 tăng 7.4% và 18.2%). Hàng loạt thị trường quan trọng giảm nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan; trong khi Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm, trái ngược hoàn toàn với tăng trưởng tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc là +43.6%. Giá nhân công lao động cao khiến sản lượng thủy sản của Trung Quốc tăng chậm, thậm chí giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc với hải sản liên tục tăng là cơ hội cho thủy sản nhập khẩu. Như vậy, rất có thể do Trung Quốc đã áp dụng rào cản chính sách với thủy sản Việt Nam, tương tự như gạo.
Với thị trường EU, câu chuyện rõ ràng hơn khi EU cảnh cáo "thẻ vàng" với thủy sản của Việt Nam từ tháng 10/2017 và liên tiếp 2 lần gia hạn "thẻ vàng" trong năm 2018. Đây có thể coi là một áp lực tích cực để ngành thủy sản Việt Nam phải thay đổi theo các chuẩn mực khai thác quốc tế. Luật Thủy sản được thông qua năm 2017 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2019 hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi lớn trong khai thác thủy sản, nhờ vậy không chỉ có thể gỡ được "thẻ vàng" mà hình ảnh và chất lượng thủy sản Việt Nam sẽ lên một nấc mới, hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý 1/2019 chỉ đạt 3.9%. Một nguyên nhân được nhắc đến là do Mỹ đã tăng nhập khẩu vào cuối năm 2018 nên hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm bớt nhập khẩu vào đầu năm 2019. Dẫu vậy, theo nhóm phân tích, hiện tại, thuế nhập khẩu vào Mỹ đang có chiều hướng thuận lợi cho cả tôm và cá tra nên nhiều khả năng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này sẽ khởi sắc hơn trong những quý tới, qua đó mang lại hy vọng cho xuất khẩu thủy sản nói chung.
Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đề ra mục tiêu tổng sản lượng thủy sản 7.98 triệu tấn (sản lượng khai thác 3.68 triệu tấn; nuôi trồng 4.3 triệu tấn - trong đó sản lượng cá tra 1.46 triệu tấn, tăng 3%; sản lượng tôm các loại 852 ngàn tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD, tăng 11.1%.
Đón đọc kỳ 2: Giá cổ phiếu dệt may có còn tăng nóng?
FILI