Giữ vững nhịp độ sản xuất than
Giữ vững nhịp độ sản xuất than
Vừa qua, các đơn vị sản xuất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tập trung sản xuất với nhịp độ cao, sản lượng than khai thác đạt gần bốn triệu tấn. Ðây là tháng thứ hai liên tiếp, TKV đạt sản lượng “chạm ngưỡng” bốn triệu tấn.
Công ty tuyển than Hòn Gai (TKV) đẩy mạnh sàng tuyển, chế biến than tiêu thụ.
|
Trên đà thắng lợi này, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị huy động cao nhất năng lực, giữ vững nhịp độ sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng ít nhất 3,6 triệu tấn than trong tháng 5 này, không để thiếu than cho các hộ tiêu thụ.
Gia tăng tối đa sản lượng than
Theo Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải, áp lực về nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đặt ra cho TKV trong năm nay rất lớn cho nên ngay từ đầu năm, TKV đã chủ động điều hành sản xuất với nhịp độ cao, thúc đẩy gia tăng tối đa sản lượng than. Ðiều này thể hiện nỗ lực của TKV trong việc cam kết cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ. Lãnh đạo TKV thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác chế biến, tiêu thụ than; yêu cầu các đơn vị khai thác tập trung đẩy mạnh sản xuất, chủ động chuẩn bị nguồn than; phát huy cơ sở hạ tầng và hệ thống kho bãi, sàng tuyển, chế biến than và đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường quản trị chi phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhờ đó, trong quý I, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của TKV đều đạt và vượt kế hoạch. TKV đã khai thác gần 10,8 triệu tấn than, mức cao nhất từ năm 2014 trở lại đây, bằng 27% kế hoạch năm và 112% so cùng kỳ. Trong đó, vùng Cẩm Phả đạt 25%, vùng Hòn Gai đạt 30% và vùng Uông Bí đạt 27% kế hoạch năm. Nhiều đơn vị đã tận dụng nhân lực, thiết bị, máy móc, tập trung bóc đất đào lò, chuẩn bị tốt mọi điều kiện, lấy than khi thời tiết thuận lợi, nhất là các đơn vị khối sản xuất lộ thiên như Cao Sơn, Ðèo Nai, Cọc Sáu, Tây Nam Ðá Mài,... đáp ứng yêu cầu than cho các hộ tiêu thụ, không để khách hàng nào đã ký hợp đồng với TKV bị thiếu than sản xuất.
Các đơn vị cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TKV về chế biến các sản phẩm ngoài than, tăng nguồn huy động, tập trung pha trộn than giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước nhằm bảo đảm đủ nguồn than cấp cho các hộ điện của EVN đã ký hợp đồng sử dụng than pha trộn nhập khẩu với TKV; sắp xếp lại các kho cảng, đáp ứng nhiệm vụ kinh doanh của TKV,...
Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Anh Tuấn nhận định, theo dự báo cũng như tình hình thực tế, nhu cầu tiêu thụ than đang tiếp tục tăng cao. Việc gia tăng sản lượng than để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, nhất là cho sản xuất điện được lãnh đạo Tập đoàn xác định là yêu cầu cấp bách, được chú trọng hàng đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện các mỏ than hiện tại của TKV đã đưa vào huy động tối đa, một số dự án mỏ mới chưa triển khai được do vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính từ các năm trước, than dự trữ tồn kho ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, cho nên TKV cũng gặp nhiều khó khăn trong cung ứng than.
Thay đổi tư duy sản xuất
Ðối với sản xuất than, quý I và quý II là thời điểm thời tiết thuận lợi, có ý nghĩa quyết định, giúp các mỏ khai thác tối đa sản lượng, sớm hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm. Quý II này, TKV đặt mục tiêu sản xuất hơn 10,8 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ hơn 12,2 triệu tấn; trong đó, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện 10 triệu tấn. Trong sáu tháng đầu năm nay, TKV phấn đấu các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt từ 54 đến 55% kế hoạch năm. Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải nhấn mạnh: Thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án trọng điểm như mỏ Khe Chàm II-IV; mỏ Núi Béo; mỏ Mạo Khê (độ sâu dưới 150 m),… Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị rà soát, triển khai phương án sản xuất bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão sắp tới.
Năm nay là năm TKV có bước chuyển mạnh, thay đổi tư duy từ “sản xuất tiêu thụ” sang “sản xuất kinh doanh”. Nói như vậy, không có nghĩa từ trước đến nay, lãnh đạo TKV chỉ chú trọng sản xuất, chế biến và tiêu thụ mà không quan tâm đến sản xuất, kinh doanh. Nhưng xét về thực chất, một số doanh nghiệp sản xuất than, khoáng sản vẫn còn chưa thay đổi nhận thức, có tư duy triệt để trong vấn đề kinh doanh.
Ðại diện lãnh đạo TKV cho rằng, thực tế nhiều đơn vị vẫn còn nặng về tư duy sản xuất tiêu thụ theo kế hoạch do ảnh hưởng rơi rớt lại từ thời kỳ bao cấp. Khác với sản xuất, tiêu thụ theo kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh có đặc điểm doanh nghiệp gắn với thị trường. Các doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau, với các bạn hàng, với khách hàng, thậm chí cả với đối thủ cạnh tranh,... Các mối quan hệ này giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, đưa doanh nghiệp của mình ngày càng phát triển. Và quan trọng hơn cả, mục tiêu chủ yếu của hoạt động kinh doanh là lợi nhuận. Do vậy, đã đến lúc cần thay đổi, phải lấy lợi nhuận của doanh nghiệp làm vị trí trung tâm trong điều hành, nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống người lao động, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, có tích lũy, đầu tư cho sản xuất.
Vậy thay đổi như thế nào? Trước hết, để điều hành doanh nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất tiêu thụ sang sản xuất kinh doanh, các cán bộ chủ chốt đơn vị phải là người có tư duy kinh doanh và thị trường. Thị trường luôn vận động và biến đổi không ngừng, cho nên trong điều hành sản xuất rất cần sự linh hoạt, phù hợp theo từng thời điểm. Một thí dụ rõ nét nhất là trong giai đoạn than tiêu thụ chậm vào nửa đầu năm trước, lãnh đạo TKV đã điều chỉnh việc ra than tại các vùng phù hợp theo chất lượng để vừa duy trì bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa đáp ứng các loại than thị trường cần.
Nửa cuối năm 2018, khi thị trường đảo chiều ngược lại, từ chỗ đang dư thừa, tồn kho cao, đến việc nguồn cung từ nhập khẩu sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thiếu than. Lãnh đạo TKV đã tổ chức phát động chiến dịch thi đua 90 ngày đêm liên tục sản xuất than. Công tác vận chuyển than giữa các vùng để pha trộn, chế biến các chủng loại than theo thị trường cũng được tổ chức khá bài bản, đáp ứng nhanh nhu cầu của thị trường.
Với ý nghĩa của chủ đề thay đổi tư duy từ sản xuất tiêu thụ sang sản xuất kinh doanh, TKV đã chỉ đạo các đơn vị khai thác, phối hợp các trường đào tạo tăng cường bồi dưỡng cán bộ, cập nhật kiến thức mới về quản trị doanh nghiệp theo tư duy hiện đại. Từ cán bộ chủ chốt các đơn vị cho đến cán bộ cấp công trường, phân xưởng, phòng ban đều cần được bồi dưỡng. Ngoài việc nắm bắt các mục tiêu, kế hoạch, quy định chung của Tập đoàn và đơn vị, cán bộ các cấp còn phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới trong quản lý, điều hành. Thay đổi tư duy là một việc làm không dễ và cần có thời gian. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự quyết tâm của các đơn vị, TKV sẽ vượt qua những rào cản để đổi mới, khẳng định vị thế của một trụ cột năng lượng đất nước.
P.V