Góc nhìn 08/05: Thận trọng trong các phiên tới
Góc nhìn 08/05: Thận trọng trong các phiên tới
Các công ty chứng khoán (CTCK) ra đưa nhận định tương đối thận trọng cho phiên sắp tới. Nhìn chung, các khuyến nghị đưa ra là nhà đầu tư hạn chế mua đuổi và không giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao.
Hạn chế mua vào
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Tâm lý nhà đầu tư có vẻ đã ổn định dần trong phiên 07/05 sau khi thị trường chứng khoán Mỹ chỉ giảm nhẹ trong phiên 06/05. Chính điều này đã giúp VN-Index chỉ giảm nhẹ trong phiên sau khi lực cầu ở quanh hỗ trợ 955 điểm (MA200) đã hỗ trợ tốt cho chỉ số. Nhịp hồi phục kỹ thuật trong phiên sáng cũng không giúp VN-Index đi được xa hơn khi mà lực cung quanh ngưỡng kháng cự 965 điểm (đường viền cổ) vẫn tỏ ra khá mạnh. Góc giữa đường MACD và tín hiệu tiếp tục mở rộng trong phiên nay cũng như việc chỉ báo động lượng RSI tiếp tục lao dốc cho thấy hiện tại thị trường vẫn đang trong pha giảm và những phiên hồi phục (nếu có) vẫn chỉ mang tính kỹ thuật và sẽ sớm kết thúc.
Dòng tiền tiếp tục đứng ngoài đã khiến cho thanh khoản suy giảm và đây sẽ là điều cần cải thiện trong các phiên tiếp theo để cải thiện xu hướng của thị trường.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 08/05, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm để kiểm định lại hỗ trợ gần nhất tại 955 điểm (MA200), kháng cự gần nhất tại 965 điểm (đường viền cổ).
SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua vào và có thể tận dụng những nhịp hồi phục để bán giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp
CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường dự báo sẽ hồi phục tăng điểm trong phiên kế tiếp. Sau hai phiên biến động mạnh, thị trường sẽ biến động theo hướng ổn định hơn và có thể sẽ hướng đến thử thách vùng 966-972 điểm trong những phiên còn lại của tuần.
Tuy vậy, BVS cũng lưu ý rằng, VN-Index vẫn có khả năng giảm về vùng hỗ trợ 940-950 điểm trước khi phát đi tín hiệu hồi phục một cách rõ nét hơn. Mặc dù thị trường được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật trong những phiên tới nhưng rủi ro tiếp tục giảm điểm của thị trường trong ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Trên cơ sở đó, BVS cho rằng nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình thấp 20-30% cổ phiếu trong giai đoạn này. Các nhịp tăng điểm của thị trường tiếp tục là cơ hội bán giảm tỷ trọng đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Các hoạt động trading T+ chỉ nên ưu tiên các vị thế có sẵn và nên lựa chọn các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu về các vùng hỗ trợ hoặc đang có tín hiệu hồi phục ngắn hạn như dệt may, thủy sản, dầu khí và một vài cổ phiếu thuộc nhóm bluechips trong rổ VN30 như MBB, MSN, FPT, VNM…
Tránh mua đuổi giá cao
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Trong phiên 07/05, làn sóng phân hoá phát triển mạnh trở lại khiến thị trường giao dịch giằng co với thanh khoản thấp. Các cổ phiếu nhạy cảm với thị trường như tài chính, bất động sản... tiếp tục chịu áp lực bán lớn. Trạng thái kỹ thuật của thị trường chưa có thay đổi đáng kể nào.
Theo quan sát của KBSV, các cổ phiếu đã xác lập và vẫn đang giữ được xu hướng tăng giá từ đầu năm, vẫn đang duy trì ưu thế của mình trong nhịp điều chỉnh phân hoá hiện tại. Tuy nhiên, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường khiến rủi ro giảm giá bất ngờ của thị trường vẫn còn hiện hữu. Nhà đầu tư đã mở các vị thế trading ngắn hạn được khuyến nghị khống chế tỷ trọng ở mức thấp và tránh mua đuổi giá cao.
Tâm lý dần ổn định lại
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Chỉ số VN-Index trong phiên sáng 07/05 hồi phục nhẹ so với phiên 06/05, kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 0.33 điểm tương đương 0.03%. Các cổ phiếu kéo thị trường giảm mạnh nhất gồm VCB, VHM, HDB, VJC. Trong phiên chiều tiếp tục đà giảm so với phiên sáng do những cổ phiếu như VCB, VHM tiếp tục giảm sâu cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên cả hai sàn.
Thị trường có một phiên giảm nhẹ trong khi thị trường trong khu vực đang có những dấu hiệu tích cực, đà lao dốc có dấu hiệu chững lại nhờ tin tức về việc phái đoàn Trung Quốc tiếp tục sang Washington để đàm phán. Theo BSI, diễn biến không còn quá tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới đã giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước dần ổn định trở lại.
FILI