Google nối lại hoạt động với Huawei sau động thái nới lỏng ràng buộc của Mỹ
Google nối lại hoạt động với Huawei sau động thái nới lỏng ràng buộc của Mỹ
Trong ngày thứ Ba (21/05), Google cho biết họ dự định tiếp tục hoạt động với Huawei của Trung Quốc trong 90 ngày kế tiếp, ngay sau khi Mỹ tạm thời nới lỏng một số ràng buộc thương mại đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.
Động thái trên đánh dấu sự quay ngoắt đột ngột của Tập đoàn công nghệ Mỹ này. Hôm Chủ nhật (19/05), Google cho biết họ sẽ cắt quan hệ kinh doanh với Huawei để tuân thủ theo quyết định thêm Huawei vào danh sách đen của Washington.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ cấp giấy phép 90 ngày cho các công ty điện thoại di động và nhà cung cấp mạng băng thông rộng để họ tiếp tục làm việc với Huawei. Động thái này là để duy trì mạng lưới trực tuyến hiện nay, đồng thời bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro an ninh.
* Mỹ tạm thời nới lỏng ràng buộc cho Huawei trong 90 ngày
Việc nới lỏng ràng buộc trên cho phép Google gửi bản cập nhật phần mềm cho các điện thoại Huawei, vốn sử dụng hệ điều hành Android cho tới ngày 19/08/2019.
“Việc cập nhật phiên bản và đảm bảo an ninh là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ ai và giấy phép tạm thời này cho phép chúng tôi tiếp tục cung cấp bản cập nhật phần mềm và bản vá an ninh cho các đời điện thoại hiện tại trong vòng 90 ngày tới”, phát ngôn viên Google cho biết trong một lá thư điện tử ngày thứ Ba (21/05).
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ đánh giá xem có nên kéo dài lệnh nới lỏng vượt trên 90 ngày hay không.
Trong ngày thứ Năm (16/05), Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei và 68 thực thể khác vào danh sách đen, qua đó khiến Huawei gần như không thể mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Theo Chính phủ Mỹ, việc thêm Huawei vào danh sách đen là do một vụ án đang chờ xét xử, trong đó cáo buộc Huawei có dính dáng trong một vụ gian lận ngân hàng để lấy đi hàng hóa và dịch vụ Mỹ bị cấm vận tại Iran và chuyển tiền ra khỏi quốc gia này thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Huawei không nhận tội.
Các công ty nằm trong danh sách đen được cho là có liên quan tới các hoạt động đe dọa tới an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Lệnh nới lỏng này – vốn có hiệu lực tới ngày 19/08 (tức 90 ngày) – cho thấy những thay đổi trong chuỗi cung ứng của Huawei có lẽ có những hậu quả tức thời, sâu rộng và không mong muốn tới các khách hàng.
“Mục tiêu của việc này dường như là để ngăn chặn sự gián đoạn Internet, hệ thống máy tính và điện thoại di động”, Kevin Wolf, Luật sư và từng là quan chức thuộc Bộ Thương mại Mỹ, cho hay.
Trong số 70 tỷ USD mà Huawei dành để mua linh kiện trong năm 2018, khoảng 11 tỷ USDchảy vào các công ty Mỹ như Qualcomm Inc, Intel Corp và Micron Technology Inc.
Huawei sử dụng nhiều vào các linh kiện quan trọng từ một vài nhà cung ứng khác của Mỹ để lắp ráp điện thoại thông minh cho tới thiết bị kết nối mạng. Họ phụ thuộc vào khoảng hơn 30 công ty Mỹ trong số những nhà cung ứng then chốt của họ. Một số nhà cung ứng này, bao gồm Qualcomm và Intel, đã nói với các nhân viên rằng họ sẽ không bán linh kiện cho Huawei cho đến khi có thông báo thêm, dựa trên nguồn tin của Bloomberg trong ngày thứ Hai (20/05).
Hơn 49% doanh số điện thoại thông minh của Huawei trong quý 1/2019 đến từ thị trường quốc tế bên ngoài Trung Quốc đại lục, theo Canalys. Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới theo thị phần toàn cầu trong quý 1/2019. Trước đó, Huawei đã vẽ ra tham vọng trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu trên thế giới vào năm 2020. Thế nhưng, động thái mới nhất của Google có thể là đòn đau tới tham vọng này.
FiLi