Gửi tiền tỉ "săn" lãi suất cao
Gửi tiền tỉ "săn" lãi suất cao
Một số ngân hàng không vay được vốn từ ngân hàng bạn buộc phải thỏa thuận lãi suất với khách hàng lớn nhằm tăng nhanh nguồn vốn ngắn hạn
Một số ngân hàng (NH) tại TP HCM sẵn sàng đàm phán lãi suất cao, lên tới 9,5%/năm.
Có thể tăng thêm 0,2% -1,2%/năm
Giữa tháng 5-2019, chúng tôi đến NH A., ngỏ ý gửi tiết kiệm 3 tỉ đồng kỳ hạn 12 tháng và đề nghị lãi suất 9%/năm. Nhân viên NH A. thông báo lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm nhưng do cần vốn nên NH có thể tăng lãi suất thêm 0,2%, lên mức 7,9%/năm đồng thời mức lãi suất này được thể hiện trên sổ tiết kiệm. "Nếu anh đồng ý thì NH sắp xếp người và xe đến tận nhà để nhận tiền, trao sổ tiết kiệm" - nhân viên NH A. nói thêm.
Tại NH N., lãi suất kỳ hạn 13 tháng được niêm yết 8,3%/năm, áp dụng với số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Thế nhưng, khi khách hàng gửi trên 1 tỉ đồng thỏa thuận lãi suất, lãnh đạo NH sẽ xét duyệt, có thể chấp nhận lãi suất 8,8%/năm.
Có tình trạng do cần vốn ngắn hạn, ngân hàng chấp nhận chi trả lãi suất cao hơn khá nhiều so với lãi suất niêm yết Ảnh: TẤN THẠNH
|
Anh L.V.P - trưởng phòng giao dịch của NH V. - kể một khách hàng đang gửi 10 tỉ đồng yêu cầu tăng lãi suất từ 7,8%/năm lên 9%/năm, nếu không đến ngày đáo hạn sẽ rút hết tiền chuyển đến NH khác. Theo anh L.V.P, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng NH V. đang công bố là 7,8%/năm. Tuy nhiên, khi khách hàng gửi kỳ hạn này vài tỉ đồng, yêu cầu tăng lãi suất thì lãnh đạo cấp cao của NH có thể xét duyệt, cho phép chi trả mức 8,8%-9%/năm.
Tại một số NH khác, thông qua chứng chỉ tiền gửi, có thể áp dụng lãi suất huy động khá cao. Ngân hàng Việt Á công bố lãi suất kỳ hạn 24 tháng lên tới 9,1%/năm. NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đưa ra lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm… "Do lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được thả nổi nên các NH thương mại có thể thỏa thuận lãi suất cao hơn so với lãi suất công bố" - một lãnh đạo NH Nhà nước cho biết.
Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) nhận định một số NH có thể không vay được vốn từ NH bạn (trong thị trường liên NH) vì đã hết hạn mức tín dụng được cấp, buộc phải thỏa thuận lãi suất với khách hàng lớn nhằm tăng nhanh nguồn vốn ngắn hạn, giảm tỉ lệ sử dụng vốn về mức 40% theo đúng quy định. Riêng các NH huy động tiền gửi với lãi suất trên 9%/năm nhằm bổ sung vốn cho vay đầu tư kinh doanh nhà đất, tiêu dùng… với lãi suất phổ biến 11%-13%/năm là đã có lãi.
Cẩn trọng trái phiếu doanh nghiệp
Chúng tôi được nhân viên NH S. chào mời trái phiếu kỳ hạn 365 ngày, mệnh giá tối thiểu 200 triệu đồng, lãi suất 9,5%/năm. Trái phiếu này do NH S. và 2 doanh nghiệp (DN) khác phối hợp triển khai. "Đơn vị nào chi trả vốn và lãi suất?" - chúng tôi đặt câu hỏi với một lãnh đạo cấp cao của NH S. Vị này cho biết đơn vị phát hành trái phiếu là Công ty V.T.P (chuyên kinh doanh bất động sản), Công ty Chứng khoán T.V tổ chức tư vấn và làm đại lý phát hành trái phiếu còn NH S. có vai trò phân phối, hỗ trợ khách hàng xác nhận các chứng từ liên quan đến giao dịch trái phiếu. Đặc biệt, khi khách hàng cần vốn, buộc phải bán trái phiếu thì NH S. sẽ giới thiệu người mua hoặc khách hàng có thể thế chấp trái phiếu cho NH… Vị lãnh đạo này cho biết thêm NH không bảo lãnh chi trả thay cho Công ty V.T.P mà chỉ hợp tác bán trái phiếu để nhận hoa hồng từ công ty này.
Tổng giám đốc một NH ở TP HCM cho rằng trong bối cảnh NH Nhà nước thắt chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế cho vay bất động sản, giảm dần tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn từ 40% xuống 30%..., một số DN tuy được xem là ông chủ của NH nhưng không thể vay hàng trăm tỉ đồng vì dư nợ cho vay của NH đó chỉ được phép tăng trưởng từ 6%-8%. Từ đó, DN và NH hợp tác phát hành trái phiếu để DN trực tiếp vay vốn từ người dân với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi song vẫn thấp hơn so với lãi suất mà NH cho DN vay.
Ông Bùi Quang Tín đánh giá kênh đầu tư này tiềm ẩn rủi ro, nếu chẳng may DN phát hành trái phiếu mất khả năng chi trả thì người mua sẽ "ôm sô". Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng NH rất thấp nên không NH nào dám bảo lãnh cho DN chi trả vốn và lãi suất trái phiếu. Chưa kể, nếu hoạt động của DN phát hành trái phiếu gặp trục trặc thì NH bảo lãnh cũng lãnh đủ.
Muốn an toàn thì gửi tiết kiệm Theo tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín, gửi tiết kiệm lãi suất thấp hơn lãi suất trái phiếu nhưng độ an toàn cao. Vì sau khi huy động tiền gửi của người dân, NH luôn bảo đảm khả năng chi trả qua việc mua bảo hiểm tiền gửi, trích lập dự phòng rủi ro... Thậm chí, trong trường hợp NH thua lỗ thì tiền gửi của người dân vẫn không mất. Điều này được minh chứng khi tiền gửi từ nhiều năm trước của người dân hiện vẫn được 3 NH 0 đồng chi trả đầy đủ. |
THY THƠ