Hai phương án tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

01/05/2019 18:11
01-05-2019 18:11:00+07:00

Hai phương án tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội...

Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.

Đây là dự án luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, sau đó tiếp tục được xem xét tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua.

Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C là vấn đề qua nhiều vòng thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau. Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C.

Thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

Có ý kiến đề nghị xem xét đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư để phù hợp với thực tiễn.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua, phương án được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị là điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành.

Dự thảo báo cáo giải trình xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu hai phương án án.

Phương án 1: tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, xin giữ như quy định hiện hành vì: Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện, trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và khóa 14 chỉ có 2 dự án trình Quốc hội.

Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia như luật hiện hành.

Phương án 2: tiếp thu ý kiến một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án là cần thiết, tuy nhiên mức đề xuất của Chính phủ điều chỉnh tăng lên 3,5 lần so với mức hiện hành là quá cao.

Thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 15%, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (GDP) bình quân của giai đoạn 2014-2018 tăng khoảng 6,55%/năm, so với thời điểm năm 2014, GDP năm 2018 tăng khoảng 37%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần mức quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.

Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, xin điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của dự thảo luật mới.

Đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... được quy định thống nhất trong Luật Đầu tư công hiện hành và Luật Đầu tư. Các tiêu chí dự án liên quan đến tác động môi trường, sử dụng đất rừng, đất lúa, tác động đến dân cư... nêu trên đều là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác.

Do đó, không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong dự thảo luật.

Phương án 2: với tiêu chí quy định về dự án quan trọng quốc gia đối với dự án thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn và dự án nằm trong diện tích trồng lúa nước như luật hiện hành ở mức khá hẹp (diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn 50 héc ta, đất trồng lúa với quy mô 500 héc ta) sẽ dẫn tới số lượng dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương tăng lên, kéo dài thời gian, thủ tục khi địa phương phải trình Quốc hội xem xét, quyết định các dự án này.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... là cần thiết để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, đất dân cư quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 7 của dự thảo luật cho phù hợp với thực tiễn.

Với phương án điều chỉnh, dự thảo luật mới nhất quy định:

Điều 7. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí dưới đây:

1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên;

2. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

a) Nhà máy điện hạt nhân;

b) Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;

3. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên;

4. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

5. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Nguyễn Lê

VNECONOMY





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đà Nẵng: Đề xuất gia hạn, nâng công suất cho hàng loạt mỏ đất đá

Nhằm đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt ưu tiên cho các công trình trọng điểm, UBND TP Đà Nẵng đề xuất nâng công suất, gia hạn các mỏ khoáng sản còn thời hạn...

Nhiều tập đoàn lớn của Hong Kong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, nhiều tập đoàn lớn của Hong Kong bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió ở Long An

Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500-4.000 tấn trên mỗi thiết bị; giai đoạn đầu sẽ xuất nhập các thiết bị và phụ kiện...

Việt Nam chi 1 tỷ USD bao mua gần như toàn bộ hạt điều từ quốc gia này

Campuchia trở thành quốc gia sản xuất hạt điều thô lớn thứ hai thế giới. Còn Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD để bao mua gần như toàn bộ lượng hạt điều từ quốc gia láng...

"Thủ phủ" đồ gỗ Bình Dương đạt kim ngạch xuất khẩu vượt 4,2 tỷ USD

Các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Dương cho biết những đơn hàng mới đang đổ về nhà máy, dự báo sẽ kín cả năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy...

Reuters: Ông lớn năng lượng tái tạo của Ý chuẩn bị rút khỏi Việt Nam

Theo nguồn tin từ Reuters, Enel - doanh nghiệp quốc doanh của Ý và là một trong những tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới - đang chuẩn bị rút lui khỏi thị...

Bộ Công Thương đã họp với cơ quan điều tra về 154 dự án điện mặt trời

Bộ Công Thương đã làm việc với Cơ quan an ninh điều tra (A09), Bộ Công an về rà soát 154 dự án điện mặt trời được Thanh tra Chính phủ chuyển.

Bình Định chấm dứt một dự án chăn nuôi gia cầm công nghệ cao gần 540 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định mới đây có văn bản về việc chủ trương chấm dứt hoạt động dự án chăn nuôi, sản xuất và xuất khẩu thịt, giống gia cầm công nghệ cao 4.0 Minh Dư...

Để ngành vi mạch bán dẫn cất cánh

Cuối tháng 2-2024, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã ký kết hợp tác với công ty Siemens EDA (thuộc Tập đoàn Siemens, Đức), trở thành là đối tác thứ 3 của SHTP -...

Thứ trưởng Bộ KH & ĐT: Việc sửa đổi Luật Đầu tư công đang diễn ra khẩn trương, toàn diện

Sáng 9/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi) với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98