Hàn Quốc 'xuất khẩu' lao động sang... Việt Nam
Hàn Quốc 'xuất khẩu' lao động sang... Việt Nam
Cơ hội việc làm cho giới trẻ Hàn Quốc ngày càng trở nên khan hiếm tại quê nhà. Điều đó khiến số sinh viên Hàn đăng ký các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đang tăng lên.
Chú thích: Người trẻ Hàn tìm kiếm cơ hội tại một hội chợ việc làm ở Seoul, Hàn Quốc năm 2018 - Ảnh: Reuters
|
Reuters ngày 13-5 cho biết đa số các chương trình dạng này đều do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, với mong muốn giúp người trẻ Hàn tìm được công việc tốt ở khắp nơi trên thế giới. Điển hình là chương trình K-move, được thành lập để kết nối sinh viên Hàn với các doanh nghiệp ở trên khắp 70 quốc gia.
Chọn Việt Nam vì rẻ, thân thiện
Việt Nam nằm trong những điểm đến phổ biến cho sinh viên và cả những người thất nghiệp tại Hàn Quốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, người đã hợp tác với các hiệp hội thương nhân Hàn kiều (OKTA), chia sẻ rằng thông qua OKTA, chị đã làm việc với phòng quốc tế của Đại học Hannam (Hàn Quốc) và tiếp nhận các sinh viên Hàn Quốc cho nhiều vị trí như làm marketing trực tuyến, thông dịch viên...
"Tham gia hiệp hội này không chỉ đơn thuần tìm kiếm cơ hội việc làm, các bạn còn có thể mở doanh nghiệp, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Tôi được biết một số bạn mở cửa hàng hoa hay công ty thiết kế công nghiệp" - chị Hạnh, chủ chuỗi cà phê Yellow Chair Specialty Coffee, nói.
Tuổi Trẻ cũng trò chuyện với Lee Ji Hoon, sinh năm 1993, học kinh doanh quốc tế và có ý định làm việc tại Shinhan Bank Việt Nam. Lee cho biết anh tới Việt Nam theo chương trình của Young Samsung do Samsung tài trợ.
"Tôi chọn tới Việt Nam vì thấy chi phí sinh hoạt rẻ và người Việt Nam rất thân thiện. Khi còn học cấp III, trường tôi bắt buộc mỗi học sinh phải học thêm một ngoại ngữ và tôi chọn tiếng Việt. Sau này khi lớn lên, vì có nền tảng tiếng Việt sẵn, tôi chọn học thêm ở Việt Nam trong 4 tháng theo Young Samsung để tìm hiểu thêm về văn hóa" - Lee chia sẻ.
Park Hae Soo - người được hỗ trợ thông qua K-move, giám đốc kinh doanh Công ty giải pháp bán lẻ toàn cầu Mainetti - nói với Tuổi Trẻ: "Tôi nghĩ làm việc ở nước ngoài và trau dồi kinh nghiệm là điều tốt để xây dựng sự nghiệp tương lai khi tôi trở về Hàn Quốc, hoặc tới một quốc gia khác về sau".
Không giống như nhiều nơi khác, các chương trình hỗ trợ của Hàn Quốc gần như không có nhiều ràng buộc. Các sinh viên không bị yêu cầu phải trở về Hàn Quốc làm việc, hay phải làm cho các cơ quan nhà nước trong tương lai.
"Ngoài việc kết nối cơ hội việc làm, Chính phủ Hàn Quốc còn có nhiều chương trình hỗ trợ khác. Ví dụ có trường hợp một sinh viên nhận được lương tháng là 1,000 USD, trong khi sinh hoạt phí và các phần chi tiêu phát sinh khiến nhu cầu lương tối thiểu của bạn đó là 2,000 USD. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tài trợ một nửa, trong vòng 6 tháng để bạn trẻ đó có thể tự lập" - chị Hạnh thông tin thêm.
Theo chị Hạnh, khi các bạn trẻ Hàn Quốc này thành công ở Việt Nam, ổn định cuộc sống, có hợp đồng làm việc, bảo hiểm..., các bạn sẽ tiếp tục giúp đỡ bạn bè của mình. Vì một người có thể kéo theo 10 người khác, rồi họ hình thành một cộng đồng tại Việt Nam.
Sợ nghèo hơn chảy máu chất xám
Theo Reuters, riêng năm 2018, K-move đã giải quyết việc làm cho 5,583 sinh viên. Gần 1/3 trong số này đến làm việc tại Nhật Bản - nơi thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng. Điểm đến tiếp theo được nhiều sinh viên Hàn lựa chọn là Mỹ, quốc gia chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ vào tháng 4-2019.
Số liệu Reuters trích dẫn cho thấy cứ 5 người trẻ Hàn Quốc lại có 1 người thất nghiệp trong năm 2013. Con số này cao hơn hẳn mức trung bình 16% trong nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Vào năm 2018, Hàn Quốc ghi nhận lượng việc làm mới thấp kỷ lục kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với chỉ khoảng 97,000 cơ hội. Theo số liệu từ Seoul, tính tới tháng 3 - 2019, 1 trong 4 người Hàn Quốc trong nhóm tuổi 15 - 29 lại thất nghiệp chủ động hoặc vì thiếu việc làm tuyển dụng. Vấn đề là các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc hiện chỉ thuê 13% trong số nhân lực tại quốc gia này.
Hiện thực này khiến chính phủ quốc gia Đông Á phải lựa chọn cách giải quyết tức thời, thay vì nỗi lo chảy máu chất xám.
Phó viện trưởng Viện Phát triển ngân hàng châu Á Kim Chul Ju nhận định: "Chảy máu chất xám không phải là vấn đề hàng đầu của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay. Bởi họ cần gấp rút ngăn người dân của mình rơi vào cảnh nghèo đói vì không có việc làm".
5,583
Đó là số sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ở nước ngoài trong năm 2018 thông qua K-move. Con số này tăng gấp 3 lần so với thời điểm K-move mới được thành lập vào năm 2013.
Nguyên Hạnh