Hàng ngàn doanh nghiệp mỏi mòn chờ luật

16/05/2019 13:40
16-05-2019 13:40:16+07:00

Hàng ngàn doanh nghiệp mỏi mòn chờ luật

Hàng ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn với quy định khống chế chi phí lãi vay 20% theo Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết gần 2 năm nay nhưng vẫn mỏi mòn chờ... luật.

Áp trần chi phí lãi vay gây khó khăn cho hàng ngàn doanh nghiệp nội. Ảnh: Phạm Hùng

Doanh nghiệp thua lỗ, ngân sách giảm thu

Cụ thể, cuối tháng 2.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập DN với các DN có quan hệ liên kết.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Nghĩa là, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Quy định này khiến hàng loạt công ty gặp khó khăn lớn, nhiều DN bị chặn đứng việc phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh. Vì thế, trong năm 2018, hàng loạt DN như Tập đoàn điện lực VN, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN, Tổng công ty lắp máy, Tổng công ty xi măng VN... đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chức năng về những điểm chưa hợp lý của Nghị định 20.

Sau hàng loạt kiến nghị của DN, cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã bổ sung nội dung liên quan vào luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý thuế. Thế nhưng, suốt từ đó đến nay, các DN vẫn mỏi mòn chờ đợi.

Đến cuối tháng 4 vừa rồi, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán VN (VASB) tiếp tục có công văn gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác xử lý các kiến nghị của DN về quy định chưa hợp lý của Nghị định 20. Theo VASB, các công ty chứng khoán là DN đặc thù được cấp phép hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ. Để có nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ, DN cần vay từ các tổ chức tín dụng. Do chưa có hướng dẫn, nên các cục thuế địa phương cho rằng “tổng chi phí lãi vay” bị khống chế là toàn bộ chi phí lãi vay của DN với tất cả các đối tượng liên kết và độc lập. Cách hiểu như vậy không công bằng, gây nhiều khó khăn cũng không khuyến khích DN mở rộng kinh doanh, khiến DN bị giảm lợi nhuận. Những quy định không rõ ràng, không nắm bắt được bản chất của chi phí lãi vay, đánh đồng các giao dịch kinh doanh... vô hình trung cản trở DN. Thậm chí một số DN có thể thua lỗ kéo dài, mất nguồn thu thuế lâu dài cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp nội bị vạ lây

Theo báo cáo tài chính năm 2017 - 2018 của hơn 770 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, gần 560 DN bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20. Cụ thể, năm 2017 có 259 DN bị tác động bởi khống chế chi phí lãi vay là 7.995 tỉ đồng, trong đó 28 DN có chi phí lãi vay, khấu hao trong kỳ (EBITDA) nhỏ hơn 0 với số chi phí lãi vay không được khấu trừ là 430 tỉ đồng. Năm 2018, có đến 294 DN bị tác động với mức 8.351 tỉ đồng, trong đó 38 DN có EBITDA nhỏ hơn 0 với số chi phí lãi vay không được khấu trừ là 676 tỉ đồng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty may Sài Gòn 3 - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết phần lớn các DN làm sản xuất có tỷ lệ nợ ở mức khá cao bởi đặc thù của ngành là gia công, DN phải vay tiền để mua vật liệu sản xuất, lắp đặt dây chuyền mới, máy móc… Thế nên, mức vay của DN nói chung đều vượt trần 20%, đó là chưa tính khoản đầu tư mở rộng. Ông nói: “Với dệt may, mở rộng đầu tư lúc này là lỗ chổng vó. Siết chuyển giá với DN ngoại lại vô tình làm khó DN nội”.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng nói thẳng mức vay của các DN nói chung đa phần vượt mức trần 20%. DN càng đầu tư càng chịu thiệt. Hiện, nguồn vốn lưu động cho các ngành sản xuất điện, thép, xi măng... rất lớn, phải lên đến trên 50%, nên mức trần 20% là thiếu thực tế. Áp dụng theo điều 8 của Nghị định 20, các DN hoạt động theo mô hình mẹ - con sẽ phải phát sinh thêm số thuế phải nộp lên đến hàng trăm tỉ đồng khi không được khấu trừ để tính thuế.

Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, phân tích không phải DN nào cũng có cơ hội thực hiện chuyển giá. Chỉ có DN nước ngoài nhập nguyên liệu trong cùng hệ thống mới có cơ hội khai khống, nâng giá, chuyển giá. Khi đó, công ty con trong nước thua lỗ khỏi đóng thuế thu nhập DN trong khi công ty mẹ ở nước ngoài lãi khủng. Hoặc phần lợi nhuận của công ty con của tập đoàn nếu được chuyển về công ty mẹ cũng không phải trả chi phí lãi vay. Còn DN trong nước với mô hình công ty mẹ - công ty con thì thuế thu nhập DN đều như nhau, phần lợi nhuận của công ty con nếu chuyển cho công ty mẹ cũng đóng thuế. Thế nên “gom” cách quản lý áp trần 20% này cho cả công ty lớn ngoại và nội không hợp lý.

Nguyên Nga & Thanh Xuân

Thanh Niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 đạt hơn 1.537 triệu tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:...

Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ...

Trong quý 1/2024, số DN tạm ngừng kinh doanh nhiều hơn 14.1 ngàn so với số DN đăng ký thành lập mới

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong...

Du lịch hàng không đón tin vui: Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mức trước dịch

Lượng khách quốc tế đổ về Việt Nam đã vượt mốc trước đại dịch COVID-19, đạt hơn 4.6 triệu lượt người trong quý 1/2024.

Việt Nam xuất siêu 8.08 tỷ USD trong quý 1/2024 nhưng chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI

Trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35.6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý...

Hơn 80% doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng quý 2 sẽ ổn định hoặc tốt hơn quý 1

Dữ liệu mới công bố mang lại cái nhìn tích cực hơn về nền kinh tế trong quý 2/2024. Theo đó, hơn 80% doanh nghiệp trong ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công...

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2024 ước đạt gần 614 ngàn tỷ đồng

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1/2024 theo giá hiện hành tăng 5.2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu...

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2024 tăng 6.18% so với cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6.18% so với cùng kỳ năm...

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn làm Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Nguyên Vụ Trưởng Vụ tổ chức cán bộ Tổng Cục Hải quan, giữ chức Cục Trưởng Cục Hải quan TP HCM từ ngày 2-4.

Giám đốc Sở Tài chính được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Hòa Bình được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98