Huawei chìm sâu vào khủng hoảng, đến lượt ARM và Panasonic tuyên bố “nghỉ chơi”
Huawei chìm sâu vào khủng hoảng, đến lượt ARM và Panasonic tuyên bố “nghỉ chơi”
Mới đây, ARM, công ty thiết kế chip có trụ sở ở Anh, đã nói với các nhân viên rằng họ phải đình chỉ hoạt động với Huawei, theo nguồn tin thân cận của BBC.
ARM đã chỉ đạo các nhân viên tạm ngừng “tất cả hợp đồng đang có hiệu lực, quyền lợi hỗ trợ và các cam kết đang chờ xử lý” với Huawei và các công ty con của Huawei nhằm tuân thủ theo động thái gần đây của Mỹ.
Thiết kế chip của ARM định hình nên nền tảng cả các vi xử lý trong hầu hết thiết bị di động trên thế giới.
Trong một bảng ghi nhớ, ARM cho biết thiết kế chip của họ có chứa “công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ”.
Kết quả là ARM cho rằng mình cũng chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm của chính quyền Donald Trump.
Trong một tuyên bố ngày thứ Tư (22/05), ARM cho biết: “ARM tuân thủ theo lệnh giới hạn mới nhất của Chính phủ Mỹ và đang trao đổi với các cơ quan của Chính phủ Mỹ để đảm bảo rằng chúng tôi vẫn tuân thủ theo lệnh cấm này”. “ARM đề cao mối quan hệ với đối tác lâu năm HiSilicon và chúng tôi hy vọng sẽ có một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này”.
Một chuyên viên phân tích cho rằng động thái trên (nếu kéo dài trong dài hạn) sẽ là một đòn “trời giáng” tới hoạt động mà Huawei khó có thể vượt qua.
Ông cho biết, lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng tới khả năng tự phát triển chíp của Huawei, phần lớn các loại chip đều dựa trên công nghệ nền tảng của ARM.
Tai họa của Huawei chưa dừng lại ở đó, Panasonic cũng đình chỉ việc chuyển giao linh kiện cho Huawei, theo nguồn tin từ CNBC.
Trong ngày thứ Năm (23/05), công ty Nhật Bản Panasonic cho biết họ đã ngừng chuyển giao một số linh kiện nhất định cho Huawei nhằm tuân thủ theo lệnh ràng buộc mà Mỹ áp lên ông lớn Trung Quốc này.
“Panasonic đã chỉ đạo các nhân viên tạm ngưng các giao dịch với Huawei và 68 công ty con có tên trong lệnh cấm của Mỹ”, Panasonic cho biết trong một tuyên bố.
Panasonic – vốn sản xuất hàng loạt link kiện cho điện thoại thông minh, xe hơi và thiết bị tự động hóa trong các nhà máy – từ chối bình luận về những linh kiện nào chịu ảnh hưởng của lệnh cấm từ Mỹ và họ sản xuất linh kiện đó ở đâu.
Những công ty đã tuyên bố "nghỉ chơi" với Huawei
|
Hôm Chủ nhật (19/05), Google cho biết họ sẽ cắt quan hệ kinh doanh với Huawei để tuân thủ theo quyết định thêm Huawei vào danh sách đen của Washington.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ cấp giấy phép 90 ngày cho các công ty điện thoại di động và nhà cung cấp mạng băng thông rộng để họ tiếp tục làm việc với Huawei. Động thái này là để duy trì mạng lưới trực tuyến hiện nay, đồng thời bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro an ninh.
Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ từ các nhà sản xuất chip điện tử cho tới Google (sau đó Google đã nối lại hoạt động) đã ngừng cung cấp các phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei Technologies, tuân thủ theo sắc lệnh của chính quyền Mỹ. Điều này có khả năng bóp nghẹt công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.
Các nhà sản xuất chip điện tử bao gồm Qualcomm Inc., Xilinx Inc. and Broadcom Inc. đều nói với các nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho Huawei cho đến khi có thông báo thêm, dựa trên nguồn tin thân cận.
Trong số 70 tỷ USD mà Huawei dành để mua linh kiện trong năm 2018, khoảng 11 tỷ USD chảy vào các công ty Mỹ như Qualcomm Inc, Intel Corp và Micron Technology Inc.
Huawei sử dụng nhiều vào các linh kiện quan trọng từ một vài nhà cung ứng khác của Mỹ để lắp ráp điện thoại thông minh cho tới thiết bị kết nối mạng. Họ phụ thuộc vào khoảng hơn 30 công ty Mỹ trong số những nhà cung ứng then chốt của họ. Một số nhà cung ứng này, bao gồm Qualcomm và Intel, đã nói với các nhân viên rằng họ sẽ không bán linh kiện cho Huawei cho đến khi có thông báo thêm, dựa trên nguồn tin của Bloomberg trong ngày thứ Hai (20/05).
Hơn 49% doanh số điện thoại thông minh của Huawei trong quý 1/2019 đến từ thị trường quốc tế bên ngoài Trung Quốc đại lục, theo Canalys. Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới theo thị phần toàn cầu trong quý 1/2019. Trước đó, Huawei đã vẽ ra tham vọng trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu trên thế giới vào năm 2020. Thế nhưng, động thái mới nhất của Google có thể là đòn đau tới tham vọng này.
FiLi