Huawei liên tục gặp rắc rối, cổ phiếu của các nhà cung ứng cho Huawei rớt mạnh
Huawei liên tục gặp rắc rối, cổ phiếu của các nhà cung ứng cho Huawei rớt mạnh
Cổ phiếu của các nhà cung ứng cho ông lớn công nghệ Trung Quốc Huawei rớt mạnh trong buổi chiều ngày thứ Năm (23/05) giữa lúc rắc rối liên tục diễn ra xoay quanh Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Ở Đài Loan, ông lớn sản xuất theo hợp đồng Hon Hai Precision Industry – thường được biết tới với cái tên Foxconn – rớt hơn 3%, còn cổ phiếu của công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing sụt 3.15%. Ở Hồng Kông, Sunny Optical – nhà sản xuất mô-dun và ống kính của camera cho điện thoại thông minh – chứng kiến cổ phiếu rớt 6.46%, còn Luxshare lao dốc 6.16% ở Thâm Quyến. Cổ phiếu SK Hynix của Hàn Quốc giảm hơn 1.5%.
“Xét từng lĩnh vực, chúng tôi vẫn tránh nhóm công nghệ tại thời điểm này. Vì vậy, nếu xem xét tới các nhà sản xuất chip điện tử, xem xét tới các nhà sản xuất điện thoại, tôi nghĩ họ vẫn bị tác động rất nhiều”, Kevin Leung, Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư và quản lý tài sản tại Haitong International Securities, cho biết trên chương trình “Street Signs” của CNBC trong ngày thứ Năm (23/05).
Tuần trước, Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen về thương mại, qua đó áp giới hạn lên khả năng làm ăn với các công ty Mỹ của Huawei. Vài ngày sau đó, Mỹ đã nới lỏng ràng buộc cho Huawei trong một nỗ lực giảm thiểu sự gián đoạn cho các đối tác của ông lớn viễn thông Trung Quốc.
Trong khi đó, cổ phiếu Samsung Electronics – đối thủ cạnh tranh chính của Huawei trong phân khúc điện thoại thông minh – tăng 0.69%. Cổ phiếu này đã tăng hơn 5% trong tuần này (tính tới giờ đóng cửa ngày thứ Tư (22/05), trong đó nhà đầu tư cho rằng Samsung có thể hưởng lợi từ quyết định thêm Huawei vào danh sách đen của Mỹ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh trong ngày thứ Năm (23/05), sau khi Arm, công ty thiết kế chip Anh, tạm ngưng quan hệ kinh doanh với Huawei. Cũng giống với Apple và các nhà sản xuất chip như Qualcomm, Huawei sử dụng thiết kế của Arm để thiết kế chip xử lý lắp đặt trong những chiếc điện thoại thông minh Huawei. Ngoài ra, Huawei cũng xin giấy phép công nghệ đồ họa từ Arm.
Trước đó, Google của Alphabet đã đình chỉnh mối quan hệ kinh doanh với Huawei để tuân thủ theo quyết định thêm Huawei vào danh sách đen của Washington. Thế nhưng, sau khi Chính phủ Mỹ quyết định nới lỏng ràng buộc thương mại cho Huawei trong vòng 90 ngày, Google cho biết sẽ nối lại hoạt động với Huawei trong khoảng thời gian đó.
Lệnh nới lỏng trên cho phép Google gửi phiên bản cập nhật phần mềm cho các thiết bị của Huawei – vốn được phép sử dụng hệ điều hành Android của Google cho đến ngày 19/08/2019.
Mặc dù được nới lỏng trong 90 ngày, Huawei nói với CNBC trong ngày thứ Năm (23/05) rằng hệ điều hành Hongmeng của Huawei sẽ sẵn sàng hoạt động tại Trung Quốc vào mùa thu năm nay, nếu họ không thể sử dụng phần mềm từ Google và Microsoft. Tuy nhiên, Huawei nhấn mạnh rằng việc sử dụng hệ điều hành riêng sẽ là “kế hoạch B” và họ vẫn “gắn bó với hệ điều hành Windows của Microsoft và Android của Google”.
Các ràng buộc mà Mỹ áp lên Huawei đã thôi thúc Trung Quốc đánh giá lại mối quan hệ kinh tế với Mỹ, theo một báo cáo từ South China Morning Post (SCMP). Theo đó, Trung Quốc đang xem xét bỏ mua khí thiên nhiên từ Mỹ. Trong năm 2017, Trung Quốc chi ra 6.3 tỷ USD để mua dầu thô và khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ.
FiLi