Kịch bản khó khăn nhất cho tỷ giá

24/05/2019 09:01
24-05-2019 09:01:48+07:00

Kịch bản khó khăn nhất cho tỷ giá

Tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua sau những diễn biến xấu của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngày 20-5-2019, tỷ giá liên ngân hàng đã chạm ngưỡng 23.400 và là lần thứ hai trong năm nay vượt qua mức đỉnh của năm ngoái - khoảng 23.360.

Với việc căng thẳng Mỹ - Trung đang có chiều hướng xấu khi hai bên đang có động thái trả đũa mạnh mẽ thì áp lực cho tỷ giá sẽ ngày càng cao. Và khả năng tỷ giá sẽ neo trên đỉnh mới hoàn toàn có thể diễn ra.

Cặp tỷ giá song hành “Đô - Tệ” và “Đô - Đồng”

Trung Quốc vốn là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, quí 1-2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 57,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 16,2 tỉ; chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 28% tổng kim ngạch và gần 35% lượng nhập khẩu từ châu Á, đồng thời tăng 18,6% so với cùng kỳ 2018.

Trong khi đó, trong quí 1, Việt Nam chỉ xuất khẩu 7,6 tỉ đô la Mỹ sang Trung Quốc, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, Việt Nam đang âm 8,6 tỉ đô la Mỹ trong cán cân thương mại song phương với Trung Quốc, bằng khoảng 35% mức thâm hụt thương mại hai nước trong cả 2018. Những con số kể trên có thể giải thích tại sao hai cặp tỷ giá “đô - tệ” (USD/CNY) và “đô - đồng” (USD/VND) luôn có diễn biến song hành.

Nhìn biểu đồ, ta có thể thấy sự song hành cặp tỷ giá kể trên sát sao như thế nào. Biểu đồ cũng giúp ta thấy phần nào cách điều hành tỷ giá và mục tiêu của nhà điều hành. Các nhịp tăng của tỷ giá USD/CNY đều đi kèm sóng tăng của tỷ giá USD/VND, điều này được thể hiện từ giai đoạn cuối tháng 6 đến tháng 12 năm 2018 và giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên không phải nhịp giảm nào của USD/CNY cũng song hành với đà giảm từ USD/VND, giai đoạn bốn tháng đầu năm là minh chứng, khi tỷ giá USD/VND đi ngang trong khi USD/CNY liên tục giảm sâu.

Nghĩa là sự giảm giá của nhân dân tệ thường đi liền với sự giảm giá tiền đồng. Điều này là cần thiết để hạn chế sự gia tăng trong thâm hụt thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc vì hàng hóa Trung Quốc sẽ ồ ạt đổ sang Việt Nam qua đường biên giới nếu nhân dân tệ trở nên quá rẻ so với tiền đồng.

Song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn cần duy trì một tỷ lệ mất giá tiền đồng để ổn định sức mua của nội tệ, duy trì niềm tin trong công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. NHNN thường không công bố tỷ lệ này như công bố lạm phát mục tiêu, song thường được thị trường dự đoán ở mức 3% hàng năm.

Ngược lại, khi nhân dân tệ tăng giá, nó không nhất thiết đi cùng với sự lên giá của tiền đồng vì điều này hoàn toàn có lợi cho cán cân thương mại của Việt Nam khi tiền đồng sẽ rẻ hơn tương đối so với nhân dân tệ. NHNN sẽ yết giá mua đô la Mỹ để tạo sàn chặn đà giảm của tỷ giá USD/VND như đã làm trong bốn tháng đầu năm, đồng thời cũng giúp cơ quan này mua được ngoại tệ củng cố dự trữ ngoại hối.

Kịch bản khó khăn cho tỷ giá

Nguồn cung ngoại tệ cũng tiếp tục ổn định khi dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam liên tục đạt kỷ lục. Ảnh minh họa Thành Hoa

Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá Việt Nam bao gồm: cung - cầu nội tệ và ngoại tệ, động thái của NHNN và tâm lý kỳ vọng của các chủ thể lớn tham gia thị trường (chủ yếu là các ngân hàng). Thời điểm hiện tại, nguồn cung nội tệ và ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định, suốt từ khi tỷ giá tăng nóng đến thời điểm hiện tại.

Thanh khoản nội tệ đang dồi dào ngay cả khi NHNN liên tục hút ròng nội tệ thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 1 tuần với lãi suất 3%. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành đạt khoảng hơn 20.000 tỉ đồng, không phải mức lớn và kỳ hạn 1 tuần khá ngắn giúp tín phiếu đáo hạn nhanh, tiền nhanh chóng quay trở lại lưu thông, củng cố thanh khoản hệ thống.

Nguồn cung ngoại tệ cũng tiếp tục ổn định khi dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam liên tục đạt kỷ lục.

Về phía cầu nội tệ và ngoại tệ, dường như tỷ giá đang chi phối khi lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng đã tăng khoảng 10 điểm, trong khi lãi suất tiền đồng lại liên tục giảm mạnh. Dự báo tỷ giá còn tiếp tục tăng đã khiến cầu đô la Mỹ tăng cao hơn so với cầu tiền đồng và đẩy lãi suất đô la Mỹ tăng và làm giảm lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên, tựu chung lại, thanh khoản đô la Mỹ và tiền đồng vẫn ở trạng thái ổn định. Và đây có lẽ là dư địa lớn của nền kinh tế với mục tiêu kiềm chế tỷ giá.

Về phía nhà điều hành, với những phân tích bên trên, khả năng cao NHNN sẽ chưa can thiệp vào tỷ giá sớm để tỷ giá tăng song hành cùng đà tăng của tỷ giá đô - tệ, góp phần giảm áp lực cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Hơn nữa đây mới là giai đoạn đầu của đà tăng tỷ giá và nếu mức tăng tối đa của tỷ giá mà NHNN chấp nhận là 3% so với cuối năm 2018 thì tỷ giá hiện tại vẫn còn cách khá xa. Can thiệp tỷ giá có lẽ là khá sớm khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa ngã ngũ.

Tâm lý thị trường có lẽ sẽ là yếu tố chính đẩy tỷ giá tăng cao trong giai đoạn tới. Nhìn từ biểu đồ bên trên, tỷ giá đã hai lần tăng cao hơn mức đỉnh năm 2018 chỉ trong hai tuần liên tiếp. Theo yếu tố kỹ thuật, tỷ giá đã bứt khỏi mức kháng cự cứng và có xu hướng lập đỉnh mới.

Trong khi đó, tỷ giá đô - tệ đã tăng song chưa tới mức đỉnh của năm ngoái. Kịch bản tồi tệ nhất là khi chiến tranh thương mại căng thẳng hơn sẽ đẩy tỷ giá USD/CNY còn tăng hơn nữa. Cộng hưởng hai yếu tố trên sẽ tạo tâm lý đầu cơ ngoại tệ trên thị trường và có lẽ tỷ giá đô - đồng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Đây sẽ là kịch bản khó khăn nhất cho tỷ giá khi bị tâm lý thị trường chi phối đáng kể.

Dư địa cho điều hành tỷ giá

Với kịch bản kể trên, NHNN vẫn có trong tay nhiều công cụ để ổn định tỷ giá theo mục tiêu. Can thiệp của NHNN thường qua hai kênh chính là bán ngoại tệ và bơm hút nội tệ trên thị trường mở. Bán ngoại tệ là việc NHNN đã làm trong năm 2018 khi tỷ giá tăng suốt trong nửa cuối năm. Giá bán ngoại tệ khi đó sẽ tạo trần cho tỷ giá, kiềm chế đà tăng đáng kể, song tiêu tốn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, với hơn 8 tỉ đô la Mỹ mà NHNN mua được từ đầu năm (cao hơn mức 6 tỉ đô la trong cả năm ngoái) thì đây sẽ là dư địa lớn để nhà điều hành bình ổn tỷ giá.

Thị trường mở cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tỷ giá tăng nóng. Cụ thể, NHNN có thể tăng cường phát hành tín phiếu với kỳ hạn dài hơn, lãi suất cao hơn để hút bớt nội tệ và đẩy lãi suất nội tệ tăng, giảm áp lực cho tỷ giá.

Đặc biệt năm nay, NHNN có thuận lợi lớn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất, thậm chí có thể cắt giảm trong năm 2019. Do vậy áp lực tăng lãi suất tiền đồng để cân đối với lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng không còn như trong năm 2018. NHNN hoàn toàn có thể đẩy lãi suất tiền đồng tăng thêm khoảng 25-50 điểm, làm tăng phần chênh giữa lãi suất ngoại tệ và nội tệ để hạn chế đà tăng của tỷ giá, đồng thời cũng hút bớt nội tệ, hạn chế lạm phát cơ bản để củng cố cho mục tiêu lạm phát đang bị áp lực lớn từ việc tăng giá xăng, điện trong thời gian qua.

Như vậy, tỷ giá tăng mạnh là kịch bản tệ nhất nếu chiến tranh thương mại tiếp tục có diễn biến xấu. Tuy nhiên, nhà điều hành vẫn có trong tay đủ công cụ để kiềm chế tỷ giá. Song NHNN cần rất lưu ý đến thời điểm “vàng” để can thiệp tỷ giá và cân nhắc sử dụng các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn để cho thị trường biết tỷ giá mục tiêu, giúp các chủ thể trên thị trường có kế hoạch kinh doanh phù hợp, tránh tình trạng tỷ giá tăng sốc sẽ làm gia tăng rủi ro tỷ giá, ảnh hưởng đáng kể tới xu hướng dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.

Phạm Tâm Long

tbktsg





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của OCB ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên “ổn định”

Theo thông báo mới nhất từ Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s), xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB)...

Giải bài toán chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra tại ngân hàng?

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu giảm lãi suất cho vay có thể không dễ dàng được thực hiện một cách đồng loạt, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang phải đối...

Khó khăn của nhóm ngân hàng bán lẻ

Trong 8 tháng đầu năm 2024, tín dụng toàn ngành có diễn biến tích cực với dự báo mức tăng trưởng khả thi lên đến 15% cả năm. Tuy nhiên, việc phát triển tín dụng bán...

Vietbank và “cú đúp” trong ngày khai trương điểm giao dịch thứ 119 – Phòng giao dịch Vietbank Thuận An

Sáng ngày 11/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tổ chức thành công lễ khai trương điểm giao dịch thứ 119 Phòng giao dịch Vietbank Thuận An (Vietbank...

Giá USD ngân hàng và tự do quay đầu tăng mạnh

Giá USD trong nước đồng loạt tăng trở lại sau nhiều ngày hạ nhiệt. Giá USD tại các ngân hàng tăng nhanh, có ngân hàng tăng tới hơn 100 đồng. Giá USD tự do cũng tăng...

[Infographics] Toàn cảnh kết quả kinh doanh ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024

Tín dụng dần hồi phục trong tháng cuối quý 2/2024, giúp thu từ lãi vẫn là động lực chính cho lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng. Tuy nhiên, trong tình hình vĩ mô chưa...

Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của SeABank ở mức Ba3 và triển vọng Ổn định

Ngày 7/9/2024, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm năm 2024 đối với Ngân hàng TMCP...

Vietbank củng cố ba nhân tố thúc đẩy hoạt động ngân hàng

Báo cáo thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã một lần nữa khẳng định Tầm nhìn – Sứ mệnh – Giá trị cốt lõi của Ngân hàng Việt Nam...

NHNN chỉ đạo hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Giá USD suy yếu

Tuần qua (04-06/09/2024), giá USD lao dốc trên thị trường quốc tế sau khi dữ liệu việc làm trái chiều của Mỹ đã làm tăng nghi ngờ về quy mô hạ lãi suất từ Cục Dự...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98