Kinh doanh ì ạch trong quý 1, giá cổ phiếu cao su chạy theo giá vàng trắng
Kinh doanh ì ạch trong quý 1, giá cổ phiếu cao su chạy theo giá vàng trắng
Đối với nhóm doanh nghiệp cao su thiên nhiên, dù thành tích của hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa có nhiều biến chuyển rõ nét, thị giá cổ phiếu của nhóm này vẫn khởi sắc kể từ đầu 2019. Còn doanh nghiệp săm lốp, áp lực cạnh tranh cùng xu hướng bất lợi của giá cả nguyên liệu khiến lợi nhuận ngày càng tiêu biến.
Suy giảm lợi nhuận đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi
Tính đến ngày 22/04/2019, có 10 doanh nghiệp cao su thiên nhiên có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 1/2019. Và phần lớn các doanh nghiệp này đón nhận kết quả lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ 2018.
Chỉ có 3 doanh nghiệp mà lãi ròng tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là IRC, DRI và PHR với các mức tăng lần lượt là 175%, 103% và 13%. Tuy vậy, thành tích của IRC chẳng mấy đáng kể khi xét đến quy mô của doanh nghiệp này.
Kết quả kinh doanh trong quý 1/2019 của doanh nghiệp cao su thiên nhiên
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong nhóm đầu ngành, PHR là doanh nghiệp duy nhất có kết quả kinh doanh tăng trưởng. Con số lãi ròng trên trăm tỷ đồng của PHR trong quý 1/2019 được đóng góp gần phân nửa bởi thu nhập từ thanh lý tài sản cố định và tiền bồi thường thực hiện dự án VSIP. Tại Đại hội thường niên 2019 tổ chức hồi cuối tháng 3, Ban lãnh đạo PHR cũng có lời rằng: “Lộ trình bàn giao đất cho VSIP và Nam Tân Uyên, Công ty sẽ cân đối diện tích bàn giao cụ thể nhằm đảm bảo lợi nhuận sau thuế 2019 – 2021 bình quân không dưới 1,000 tỷ đồng.”
Về phần các doanh nghiệp cao su còn lại, suy giảm lợi nhuận là bức tranh chung.
Tựu trung, hầu hết các doanh nghiệp đều có thành tích doanh thu và lợi nhuận chuyển biến theo cùng chiều, chỉ có 2 doanh nghiệp là RTB và HRC dù vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực về mặt doanh số nhưng ngậm ngùi đối với lãi ròng. Đáng chú ý là HRC, trong quý 1/2019, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng đến 92% nhưng lợi nhuận thì vẫn tiêu biến.
Xuất khẩu tăng cả lượng lẫn chất, thị trường Trung Quốc xuất hiện chỉ báo khó khăn
Trong cả năm 2018, giá cao su duy trì ở mức thấp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhóm doanh nghiệp cao su. Nhiều đơn vị phải chủ động tăng diện tích thanh lý vườn cây không chỉ để phục vụ tái canh mà còn giúp cân đối nguồn thu.
Từ cuối năm 2018, giá cao su bắt đầu bật tăng, cùng với đó hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su ước đạt 347,000 tấn, tương ứng giá trị 457 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Diến biến giá cao su trong giai đoạn 6 tháng gần nhất tính đến 29/04/2019
Nguồn: Bloomberg
|
Trung Quốc, Ấn độ và Hàn Quốc là những thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019. Về phía thị trường Trung Quốc, theo thống kê của Cơ quan Hải quan nước này trong 3 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 1.57 triệu tấn cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, trị giá 2.32 tỷ USD, giảm gần 5% về lượng và giảm hơn 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đối với việc kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo dự báo của giới chuyên gia, giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi tình hình kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chững lại.
Trên thị trường chứng khoán, dù kết quả kinh doanh hiện tại vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ ràng thì trước những thông tin tích cực từ hoạt động xuất khẩu cùng việc giá cao su “trèo cao”, thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cao su khởi sắc. Tuy vậy, kể từ tháng 3 khi giá cao su bắt đầu chững lại, kỳ vọng của thị trường cũng dần nguội lạnh và chặn đứng đà tăng của nhóm cổ phiếu cao su.
Nhóm cổ phiếu cao su khởi sắc đầu năm 2019
Nguồn: VietstockFinance
|
Doanh nghiệp săm lốp: Doanh số vẫn tăng nhưng lợi nhuận teo tóp
Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm từ cao su, đặc điểm chung là doanh thu của nhóm này đều tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại đi lùi so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh quý 1/2019 của nhóm doanh nghiệp săm lốp và BRC
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoại trừ BRC, với sản phẩm chính là băng tải cao su và dây courroie, có lợi nhuận ròng quý 1/2019 không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ. Lãi ròng của nhóm doanh nghiệp săm lốp CSM, DRC và SRC đều suy giảm; trên thực tế, giá trị lợi nhuận của những đơn vị này không đáng kể nếu so sánh với quy mô từng doanh nghiệp.
So sánh kết quả kinh doanh của 2 ông lớn ngành săm lốp, dù có biên lãi gộp (12%) cao hơn đáng kể so với đối thủ (9.7% của DRC), lãi ròng của CSM trong quý 1/2019 vẫn thấp hơn “nhiều” so với con số mà DRC kiếm được. Sự khác biệt đến từ việc các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp của DRC đều thấp hơn so với CSM.
Theo một báo cáo phân tích của CTCK FPT (FPTS), các thị trường truyền thống (săm lốp xe đạp, săm lốp xe máy) đã chạm mức bão hòa. Riêng thị trường săm lốp ô tô còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng áp lực cạnh tranh trong nước lại rất gay gắt. Việc các doanh nghiệp FDI (Bridgestone, Kumho Tire,…) đẩy mạnh tiêu thụ cùng với áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ Trung Quốc gây khó khăn cho đầu ra của các doanh nghiệp nội địa như CSM, DRC.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp săm lốp cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi chiều hướng của giá cao su thiên nhiên và giá dầu (nguyên vật liệu của săm lốp đều có nguồn gốc là phế phẩm dầu mỏ). Về giá của 2 loại hàng hóa này, Ngân hàng Thế Giới (Worldbank) đều đưa ra dự báo theo xu hướng tăng.
Nguồn: Worldbank, FPTS tổng hợp
|
FILI