Lợi ích nhóm trong 'cuộc chiến' chung cư
Lợi ích nhóm trong 'cuộc chiến' chung cư
Hiện tượng căng băng rôn trở thành một trào lưu ở các dự án, mà đằng sau đó đôi khi có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.
Một chủ đầu tư có dự án vừa bàn giao cách đây vài tháng cho biết, từ khi triển khai có một khách hàng là chủ doanh nghiệp ngỏ ý muốn làm nhà thầu cung cấp vật liệu và nội thất cho công trình. Tuy nhiên, do không đảm bảo tiêu chí của chủ đầu tư nên họ bị trượt gói thầu. Suốt thời gian sau đó, vị này thường xuyên chia sẻ với khách hàng các thông tin xuyên tạc về chủ đầu tư như năng lực tài chính, tiến độ dự án...
"Khi dự án sắp bàn giao đúng tiến độ thì khách hàng hết lần này đến lần khác xúi giục cư dân gửi đơn khiếu nại về chất lượng công trình với những lỗi như màu sơn, hình ảnh không giống tài liệu bán hàng... Gần đây, anh ta đưa ra điều kiện cho họ tham gia gói thầu vào một dự án khác mà chúng tôi đang triển khai", vị đại diện chủ đầu tư cho hay.
Cư dân tổ chức căng băng rôn tại một dự án ở Hà Nội. Ảnh: Cư dân cung cấp
|
Vài tuần trước, sắp đến hạn tòa nhà phải tổ chức hội nghị nhà chung cư của dự án, khách hàng này đề nghị chủ đầu tư bỏ phiếu ủng hộ (số phiếu của những căn hộ và diện tích vẫn do chủ đầu tư sở hữu) để họ được tham gia vào ban quản trị.
Ông chia sẻ thêm, vị này tập hợp một nhóm số ít cư dân thường xuyên gửi đơn kiện tới các cơ quan báo chí hoặc thường xuyên đăng tải các video căng băng rôn, gây ảnh hưởng uy tín của chủ đầu tư.
"Và anh ấy cũng nói nếu không được tạo điều kiện cho những đề nghị trên thì họ sẽ thường xuyên tổ chức căng băng rôn. Chúng tôi rất bế tắc trong việc xử lý với trường hợp khách hàng này", ông này nói.
Câu chuyện "lợi ích nhóm" trong các tranh chấp ở các dự án chung cư không phải hiếm. Cư dân một dự án đi vào bàn giao 2 năm nay cho hay, trước khi chung cư có ban quản trị, một nhóm cư dân rất năng nổ tham gia vào việc đấu tranh quyền lợi chung. Họ lập một nhóm thảo luận trên mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ các thông tin tố cáo chủ đầu tư và bày tỏ quan điểm luôn đứng về phía cư dân.
"Khi đó họ thường xuyên tổ chức căng băng rôn ở sảnh toà nhà, thậm chí kéo lên tận trụ sở của chủ đầu tư. Đơn thư khiếu nại cũng thường xuyên được gửi đến chính quyền, các cơ quan báo, đài", cư dân này nói, đồng thời cho biết thêm bởi sự "nhiệt tình" đó nên khi hội nghị nhà chung cư được tiến hành cách đây nửa năm, các thành viên này tham gia ứng cử thì được bầu ngay vào ban quản trị, nhận bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, những thành viên trong ban quản trị không còn nhiệt tình tham gia các hoạt động trong toà nhà. Trên nhóm cộng đồng cư dân, những người có ý kiến trái chiều lập tức bị xoá tài khoản khỏi nhóm. Mọi ý kiến của cư dân bị đặt ở chế độ kiểm duyệt.
"Giờ đây họ nói rằng cư dân có ý kiến gì thì gửi văn bản, họ không có thời gian trả lời và giải quyết các vấn đề vụn vặt. Những cư dân tranh luận trên nhóm không cùng quan điểm đều bị xoá tài khoản khỏi nhóm", một cư dân nói. Anh này cũng cho biết, các thành viên trong ban quản trị còn thường xuyên cho các đơn vị kinh doanh, quảng cáo vào toà nhà để phát tờ rơi, bán thông tin cá nhân của cư dân.
Hiện ở một số dự án sắp bàn giao, tình trạng căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư ngày càng diễn ra với tần suất nhiều hơn, từ chung cư bình dân cho đến cao cấp. Một chủ đầu tư đã đưa vào vận hành nhiều dự án tại Hà Nội và TP.HCM cho biết, tranh chấp thường xảy ra sau khi ban quản lý toà nhà thông báo hết thời gian miễn phí dịch vụ (thường miễn vài tháng khi mới bàn giao) và bắt đầu thu phí. Và mỗi khi xảy ra các bất đồng, một số cư dân thường kích động những thành viên khác xuống đường căng băng rôn, chụp ảnh nhằm gây áp lực về mặt truyền thông. Một số cư dân còn chọn thời điểm chủ đầu tư đang triển khai bán hàng ở một dự án khác và đến đúng văn phòng kinh doanh đó để căng băng rôn.
"Có những người tự nhận ban đại diện cư dân nhưng thực tế chỉ là một nhóm nhỏ, còn đa số cư dân không có bất đồng hoặc cũng giải quyết với chủ đầu tư trên tinh thần xây dựng. Đôi khi trong những cuộc đấu tranh như vậy, thay vì đòi quyền lợi chung thì họ chỉ nhằm gây sức ép để đạt được thoả thuận của mình. Ví dụ có người đề nghị chúng tôi giảm số tiền phải nộp vào đợt cuối khi nhận nhà hoặc yêu cầu chủ đầu tư mua lại căn hộ với giá chênh cao", lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TP.HCM nhận định có xuất hiện dấu hiệu nhóm lợi ích khi cố tình tạo nên sự lộn xộn ở các chung cư.
Thậm chí, tại một số dự án, có đối tượng móc nối với thành phần xã hội đen, khống chế cộng đồng dân cư ở đó để được bầu vào ban quản trị, nhằm thao túng và trục lợi các quỹ. Trong số đó, số tiền lớn nhất được những nhóm lợi ích này "ngắm" đến đều tập trung vào quỹ bảo trì ở mỗi chung cư lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, ông cho rằng cũng không loại trừ những trường hợp đấu tranh vì mục đích cá nhân khác mà khó có thể biết được.
Nguyễn Hà