Mặc dù tăng gần 100 điểm trong phiên, Dow Jones vẫn giảm 5 tuần liên tiếp
Mặc dù tăng gần 100 điểm trong phiên, Dow Jones vẫn giảm 5 tuần liên tiếp
Đây là chuỗi lao dốc dài nhất của Dow Jones từ năm 2011
Tuần qua, Dow Jones mất 0.7%, S&P 500 giảm 1.2% và Nasdaq Composite sụt 2.3%
Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Sáu (24/05), nhưng vẫn suy giảm trong tuần qua khi nhà đầu tư lo ngại thương chiến Mỹ - Trung đang làm tổn thương tăng trưởng kinh tế, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 95.22 điểm lên 25,585.69 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 0.1% lên 2,826.06 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.1% lên 7,637.01 điểm. Các chỉ số chứng khoán phục hồi nhẹ từ đà giảm mạnh hôm thứ Năm (23/05) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào chiều ngày thứ Năm rằng cuộc chiến thương mại đang diễn ra có thể kết thúc nhanh chóng.
“Chúng tôi vẫn nghĩ các nhà đàm phán sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng rõ ràng nó sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn nhiều so với những gì mà các nhà đầu tư đã nghĩ cách đây vài tuần”, Kate Warne, Chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones, cho hay. “Tuy nhiên, bất cứ tia hy vọng nào cho thấy tiến trình đang được thực hiện sẽ giúp chứng khoán phục hồi”.
Dẫu vậy, đà tăng trong ngày thứ Sáu không đủ để xóa hết đà sụt giảm trong tuần. Dow Jones mất 0.7% trong tuần này và giảm 5 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2011. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.2% và 2.3% trong tuần qua, đều ghi nhận tuần suy giảm thứ 3 liên tiếp, chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 12/2018. Chứng khoán giảm điểm trong tuần qua tại thời điểm các nhà đầu tư đang ngày càng tin rằng thương chiến Mỹ - Trung sẽ kéo dài hơn dự báo và có thể làm tổn hại đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ sụt 2.1% trong tháng trước giữa lúc kim ngạch xuất khẩu giảm và dự trữ tồn kho tăng. Đây là dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy những vết vụn vỡ trong nền kinh tế khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia vào một cuộc chiến thương mại. Hôm thứ Năm (23/05), IHS Markit cho biết hoạt động sản xuất tại Mỹ rớt xuống đáy 9 năm.
Giá dầu thô sụt 6.6% trong tuần này khi nỗi lo thương mại tràn sang các thị trường khác. Nhà đầu tư cũng đổ xô vào trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tuần này. Vào ngày thứ Năm (23/05), lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017.
Năng lượng và công nghệ là những lĩnh vực có thành quả tồi tệ nhất trong tuần này. Cụ thể, lĩnh vực năng lượng mất 3.4%, còn lĩnh vực công nghệ lùi 2.8%.
Các nhà sản xuất con chip dẫn đầu đà sụt giảm của lĩnh vực công nghệ trong tuần khi chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF sụt 5.6%. Cổ phiếu Qualcomm và Broadcom lần lượt lao dốc 18.8% và 11.7%, đều là những cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc quỹ ETF trong tuần này.
Nhóm cổ phiếu con chip đã chịu sức ép khi Mỹ gia tăng áp lực lên ông lớn viễn thông Trung Quốc, Huawei. Tuần trước, Chính quyền ông Trump đã khiến các công ty Mỹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hợp tác với Huawei, trước khi đưa ra lệnh tạm thời nới lỏng 90 ngày cho các công ty này.
Cổ phiếu Apple cũng góp phần vào đà giảm điểm của lĩnh vực công nghệ khi một số nhà phân tích lo ngại về sự tiếp xúc của công ty với Trung Quốc. Cổ phiếu Apple đã rớt 5.3%.
Fili