Màn chào sân ấn tượng của Mario Draghi (Kỳ 3)
Màn chào sân ấn tượng của Mario Draghi (Kỳ 3)
“Màn chào sân” của ông Draghi với vai trò Chủ tịch ECB không thể nào ấn tượng hơn. Chưa gì, ông đã thực hiện hai đợt giảm lãi suất trong vòng 2 tháng, đảo ngược hoàn toàn quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ vừa mới diễn ra trước đó trong năm này. Hàng loạt khoản cho vay mới đã bơm 1 ngàn tỷ Euro (tương đương 1.14 tỷ USD) vào các thị trường đang khô cằn về thanh khoản, nhấn mạnh tới quyết tâm thực hiện vai trò trong việc khơi dậy một nền kinh tế vừa bước vào suy thoái trong quý 4 năm đó.
Thế nhưng, ông Draghi nói với Quốc hội châu Âu vào ngày 01/12/2011, bất kỳ biện pháp kích thích bổ sung nào cũng phải phụ thuộc vào việc có kế hoạch thống nhất ngân sách (fiscal compact) giữa các Chính phủ hay không. Cuối cùng, ông Draghi cũng thuyết phục được các Chính phủ. Chỉ trong vòng 1 tuần, Hội đồng châu Âu (EC) đồng ý thắt chặt các quy định chống thâm hụt và đẩy mạnh quá trình khởi động Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) – một quỹ cứu trợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, những gì ông Draghi muốn đâu chỉ dừng lại ở đó. Thay vì tăng cường mua trái phiếu, ông lại tạm ngưng chương trình.
Tỏ ra cứng rắn nhất có thể, ông Draghi nhận thấy ám hiệu từ ông Trichet – người đưa ra một vài lời khuyên cho ông Draghi trong suốt quá trình chuyển giao giữa các chính quyền. “Tôi nhấn mạnh rất nhiều tới mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia”, ông Trichet hồi tưởng lại. “Tôi nói với anh ấy, ‘Anh buộc phải biết, lúc nào cũng vậy, các chính quyền đưa ra cam kết nhưng họ chẳng thực hiện nó’. Đó là một trong nhiều thông điệp mà tôi gửi gắm tới anh ấy”.
Những kiến thức kinh tế, sự am hiểu về thị trường và khả năng nhạy bén về chính trị – vốn được mài giũa kể từ những ngày còn phục vụ Bộ Tài chính Ý – đã hỗ trợ ông rất nhiều trong việc thành lập mối quan hệ với bà Merkel và các nhà lãnh đạo quốc gia khác. Thế nhưng, từ lúc đầu, phong cách không can dự (hands-off) của ông khiến nhiều quan chức châu Âu cảm thấy khó chịu vì họ đã quen với cách quản lý đến từng chi tiết (micromanagement) của ông Trichet. Các cuộc họp giao ban thường xuyên và kéo dài hàng giờ từ thời ông Trichet bỗng biến mất khỏi lịch trình hàng ngày và các phiên catch-up với ECB directors general cũng vậy. Cách của ông Draghi: Nếu có câu hỏi thì tôi sẽ hỏi.
Sau lời cam kết sẽ làm bằng mọi cách ở Lancaster House, ông Draghi trở về Frankfurt và chỉ đạo các nhân viên biến các kế hoạch nửa vời (half-formed) thành những chương trình khả thi. Một số người đứng đầu của các chính quyền và ngân hàng trung ương có thể buộc tội ông Draghi vì không có chiến lược hoàn chỉnh ngay từ lúc đầu, nhưng với Christian Noyer thì không. Ông Noyer từng là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) và là một phần của nhóm nội bộ của ông Draghi (inner circle). Ông Draghi biết những gì ông ấy đang làm, Noyer cho biết. Nhận định về ông Draghi, Noyer cho rằng: “Ông ấy phụ thuộc vào khả năng của hệ thống để sáng chế ra nó. Theo tôi, đó là trực giác của một thiên tài”.
Tại buổi họp định kỳ 1 tuần sau đó, các thành viên Hội đồng Thống đốc ECB suy nghĩ nát óc đến tận khuya trước khi tất cả (ngoại trừ 1 người) nhất trí là họ “có thể thực hiện ngay nghiệp vụ thị trường mở ở một quy mô phù hợp” để cứu vãn đồng Euro. “Chúng tôi không quá bất đồng trong cách đánh giá về tình hình đang kịch tính như thế nào”, Weidmann nhớ lại. “Sự khác biệt liên quan tới câu hỏi ai sẽ là người phụ trách và ai có thể khắc phục vấn đề này một cách lâu dài. Chẳng ai phủ nhận là cuộc khủng hoảng đã quá sâu”.
Ngay cả là thế, chẳng có gì ngoài sự nhất trí là dấu hiệu rắc rối trong nội bộ Hội đồng và một manh mối cho thấy mối quan ngại của Đức có khả năng làm lung lay lộ trình của ECB trong tương lai. Trong những năm kế đó, ông Draghi và ông Weidmann sẽ xung đột nhiều lần về những chính sách phi chính thống. Phá vỡ truyền thống, ông Weidman sẽ đi quá xa để đứng cạnh bên những người sau này thách thức ECB tại tòa án, cáo buộc ECB vì đã vượt quá quyền hạn. Chưa bao giờ bất đồng trong nội bộ ECB lại sâu sắc như thế này.
Theo thời gian, ECB sẽ buộc phải thừa nhận tại Tòa án Hiến pháp Đức rằng kế hoạch Giao dịch Tiền tệ Công khai (OMT) – được công bố vào tháng 9/2012 như là một chương trình mua trái phiếu không giới hạn – thực sự có một vài giới hạn. Thế nhưng, đấy chỉ là một bước nhượng bộ nho nhỏ của ECB. Khi vụ này khép lại trong năm 2015, tòa án cao nhất của EU sẽ xác nhận một lần và mãi mãi rằng ECB đã hành động trong quyền hạn và họ được tự do chọn lựa cách thức để đảm bảo về ổn định giá và một đồng tiền vững chắc.
Mối quan hệ giữa ông Draghi với công chúng và giới lãnh đạo nước Đức sẽ là một điểm nhấn trong suốt nhiệm kỳ của ông. Đối mặt với làn sóng chỉ trích gần như liên tục rằng các chính sách của ông đang gây khó khăn cho người tiết kiệm, làm giàu cho những người giàu có và làm trầm trọng hơn sự bất ổn về chính trị ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông Draghi – người đàn ông kín tiếng và chưa bao giờ chia sẻ chuyện đời tư cho kẻ khác – muốn làm dịu đi những con sóng dữ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Die Zeit của Đức, ông nói về lịch sử gia đình. Ông trao đổi với những nhà phê bình thẳng thắn nhất về ông và cử một số người thân cận nhất thuyết phục những người mà ông chẳng thể thuyết phục được, như Bộ trưởng Tài chính nổi tiếng khó xiêu lòng của nước Đức tại thời điểm đó, Wolfgang Schäuble. Cả hai thường xuyên đấu đá nhau đằng sau bức màn và không tiếc lời khuyên nhủ về cách làm việc của nhau. Schäuble có thể quấy rầy ông Draghi như những người khác.
Dù vậy, ông Draghi vẫn giữ khuôn mặt lạnh như tiền. Là một người kiệm lời, ông cũng rất kén chọn người đi cùng và giữ ý kiến cho riêng mình. Giới phê bình trong hàng ngũ của ông phàn nàn rằng những cuộc trao đổi và tranh luận nghiêm túc không còn là một phần của quá trình ra quyết định của ECB, thay vào đó là những đề xuất đã được chọn lọc từ trước từ nội bộ của ông Draghi.
Ví dụ điển hình nhất là sự phát triển của chương trình mua tài sản quy mô lớn của ECB. Trong tháng 4/2014, với cách nói chung chung, ông Draghi tạo ra tiền đề cho gói nới lỏng định lượng (QE) trong một bài phát biểu ở Amsterdam. Một số nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương lo ngại, đây là khởi đầu của sáng kiến tự làm một mình (go-it-alone) để thông qua các chính sách đầy tranh cãi. Nhưng giờ đây, nó chỉ là những lời nói xáo rỗng.
Bốn tháng sau, ông Draghi có mặt tại hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Jackson Hole, Wyo. Sau khi trò chuyện với các nhân viên của ông trong buổi sáng, ông xuất hiện để nói với thế giới rằng triển vọng lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã trở nên xấu đi – một điều vô cùng bất ngờ mà ông đã nói ở Amsterdam sẽ kích hoạt gói QE.
Cho rằng số phận của đồng Euro đang lung lay trước khả năng giảm phát và cuộc suy thoái thứ ba trong 1 thập kỷ, ông Draghi bắt đầu triển khai kế hoạch. Những cố vấn đáng tin nhất trong thế giới tài chính đang chứng thực niềm tin của ông rằng: Đã đến lúc để ECB mở rộng bảng cân đối kế toán. Ở Đức, triển vọng mua trái phiếu ở quy mô lớn đã làm nảy sinh làn sóng chỉ trích, nhưng sự kiên nhẫn của ông Draghi trước sự bất bình của ông Weidmann và công chúng đang dần mất đi. Ông hay trao đổi với bà Merkel và cảm thấy chắc rằng bà ấy sẽ không ngáng đường ông.
Đối mặt với sự phản đối bên trong nội bộ Hội đồng Thống đốc ECB, ông Draghi sẵn lòng thỏa hiệp miễn là mục tiêu của ông – một chương trình mua tài sản có sức ảnh hưởng lớn – không bị hủy hoại. Và vì vậy, Hội đồng đã nhất trí rằng mất mát xảy ra ở đâu thì quốc gia đó gánh chịu chứ không được chia sẻ ra các quốc gia khác. Trong tháng 1/2015, 6 năm sau vòng QE đầu tiên của Fed, ECB cam kết thực hiện chương trình mua tài sản – vốn sẽ làm số dư trên bảng cân đối kế toán tăng lên 2.6 ngàn tỷ Euro tại thời điểm kết thúc vào cuối năm 2018. “ECB chủ động nới lỏng chính sách”, Angel Ubide, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Citadel LLC, cho hay. “Khi thực hiện, họ thực hiện bằng mọi cách”.
Chiến dịch hoạt động mà ông Draghi thể hiện trong câu chuyện về QE không phải lúc nào cũng là cách thức phản ứng của ông dưới vai trò là Chủ tịch ECB. Khi Hy Lạp – quốc gia châm ngòi cho khủng hoảng nợ của châu Âu trong năm 2009 – lại trở thành tâm điểm chú ý trong năm 2015 và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) đã làm nguy cơ vụn vỡ của đồng Euro trở thành rủi ro thực sự, ông kêu gọi đưa ra một giải pháp về chính trị. Ông sử dụng tính linh hoạt của các quy định ECB để giữ dòng thanh khoản khẩn cấp chảy vào các ngân hàng châu Âu. Chặn đứng dòng chảy này sẽ khiến Hy Lạp rời xa khu vực đồng tiền chung châu Âu và đó là một quyết định mà ông Draghi không thể vui lòng chấp nhận.
“Ông Draghi có cái nhìn đúng đắn về vai trò của các chính quyền và các ngân hàng trung ương”, Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, cho hay. “Ông ấy tin tưởng vào sức mạnh của việc tranh luận và sức mạnh của làm đúng việc (doing the right thing). Chúng tôi chưa từng tin rằng đồng Euro sẽ sụp đổ”.
Sự nghiệp của ông Draghi tại ECB đã được gầy dựng dựa trên tiền đề đó và di sản mà ông để lại cũng vậy. Tác động của 3 chữ “whatever it takes” đã vượt khỏi phạm vi châu Âu. “Ba chữ này đã truyền cảm hứng để tôi nghĩ về những cách tốt hơn”, cựu Chủ tịch Fed, Janet Yellen, nhận định. “Chúng tôi cảm thấy hừng hực khí thế bởi lời nói của ông Draghi. ‘Tôi đảm bảo là chúng tôi đang sử dụng toàn bộ khả năng để ngăn chặn đồng Euro vụn vỡ’. Tôi không chắc Mario biết được ông ấy là nguồn cảm hứng để thiết kế nên gói QE3 của Fed. Chương trình mua trái phiếu không giới hạn chính là ‘whatever it takes’ của chúng tôi”.
Ông Draghi có thể cũng không biết ông ấy có tai mắt của Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Ông Obama thường xuyên hỏi tôi là ông Mario đang nghĩ gì; đánh giá của ông Mario rất có sức ảnh hưởng”, Jack Lew – Trưởng tham mưu của ông Obama cho tới năm 2013 và là Bộ trưởng Tài chính Mỹ tại thời điểm đó – cho hay. “Đôi khi chẳng cần phải liên lạc trực tiếp thì mới có một mối quan hệ”. Nathan Sheets, từng là quan chức Fed và từng là người phụ trách các vấn đề quốc tế trong Bộ Tài chính, chẳng một chút nghi ngờ về vị trí của ông Draghi trong lịch sử. “Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ông Draghi chính là người đã cứu rỗi đồng Euro”, ông cho hay. “Đây quả là một di sản khá vĩ đại”.
Những thành tựu của ông Draghi về mặt kinh tế sẽ là một điều khiến bất kỳ nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương nào cũng phải ghen tị: Khu vực đồng tiền chung châu Âu – hiện bao gồm 19 quốc gia thành viên – đang tận hưởng tăng trưởng kinh tế mạnh trên diện rộng; hơn 9 triệu việc làm được tạo ra kể từ năm 2013 và tăng trưởng tiền lương bắt đầu giúp người dân lấy lại những gì đã mất trong suốt cuộc khủng hoảng. Hơn nữa, đồng Euro vẫn tồn tại, Hy Lạp vẫn là một phần của khu vực đồng tiền chung châu Âu và khu vực này được đánh giá là ổn định hơn thời kỳ trước khủng hoảng.
Ông Draghi thường nói rằng đồng Euro vẫn còn tồn tại mãi. Đồng Euro, như ông thường nói, là không thể sụp đổ. Nhưng có thật như thế không? Hoặc liệu nó cũng sụp đổ như cơ chế tỷ giá Bretton Woods tại một thời điểm nào đó, khi các quốc gia châu Âu quyết định rằng các thay đổi kinh tế, tài chính và xã hội đòi hỏi một trật tự tiền tệ khác. “Không thể bảo vệ cho đồng Euro mãi mãi”, Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo ở Munich, cho hay. “Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang là liên minh tiền tệ của các quốc gia có chủ quyền – những quốc gia có quyền rời khỏi khu vực tại bất kỳ thời điểm nào và có thể sẽ là vậy. Chủ tịch của một ngân hàng trung ương không thể ngăn cản điều đó diễn ra. Đó là một sự mong manh nhất định còn tồn tại mãi”.
Về phần ông Draghi, trong một giấc mơ hoang đường nhất, ông cũng không thể cho rằng đồng Euro sẽ tan vỡ. Sinh ra và lớn lên trong cái bóng của Thế chiến II và đã làm mọi cách để bảo vệ đồng Euro, ông không thể mường tượng ra cảnh tượng việc giải thể của một dự án mà ông tin là đã giúp mang lại hòa bình cho khu vực.
Cái ngày sau khi ông đứng ở bục phát biểu tại Lancaster House, những kịch bản “ác mộng” về đồng Euro dường như chưa bao giờ tồn tại trong tâm trí ông Draghi. Ông và vợ, bà Maria Serenella Cappello, ngồi lặng thinh ở Sân vận động Olympic chờ đợi lễ khai mạc của Thế vận hội năm 2012. Chẳng ai chú ý đến họ cả.
Bà Lagarde – ngồi gần đó – đưa tay chỉ tới gia đình ông Draghi và bị choáng ngợp bởi khung cảnh khi ấy. Họ mới thoải mái làm sao, như thể họ chẳng lo về điều gì trên thế giới này. Như bà đã nói nhiều năm sau đó: “Ông ấy vừa lay chuyển cả thị trường, cứu rỗi đồng Euro và rồi lại giả vờ như mình chẳng biết điều gì”.
FiLi