“Mùa khô” trên sàn chứng bao giờ mới qua?
“Mùa khô” trên sàn chứng bao giờ mới qua?
Đã có nhiều kỳ vọng từ các thành viên tham gia thị trường rằng thanh khoản sàn chứng năm 2019 sẽ đạt từ mức 6,000 tỷ đồng/phiên. Tuy vậy, diễn biến thị trường những tháng đầu năm 2019 lại không được như vậy, điều gì đang xảy ra với dòng tiền trên thị trường?
“Mùa khô” trên sàn chứng khoán
Trước bối cảnh thanh khoản có dấu hiệu đi xuống vào cuối năm 2018, thị trường vẫn có nhiều kỳ vọng dòng tiền sẽ vẫn duy trì ở mức tốt trong năm 2019. Chẳng hạn, CTCK SSI lên kế hoạch dựa trên dự đoán thanh khoản thị trường đạt 6,000 tỷ đồng mỗi phiên, CTCK TP.HCM (HSC) dự đoán giá trị mỗi phiên đạt 6,500 tỷ đồng hay CTCK Rồng Việt (VDS) dự báo thanh khoản mỗi phiên đạt 6,200 - 6,500 tỷ đồng trong năm nay.
Kỳ vọng là vậy, song thực tế diễn ra lại không được như dự báo. Tính tới giữa tháng 5/2019, giá trị giao dịch bình quân trên hai sàn lớn chỉ đạt hơn 3,900 tỷ đồng/phiên.
Ngay quý đầu năm 2019, thanh khoản thị trường đã rơi vào cảnh ”khô hạn”, về mức thấp kỷ lục trong hơn năm qua. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân trên hai sàn HOSE và HNX trong quý 1 chỉ đạt hơn 135 triệu cp/phiên, tương ứng giá trị giao dịch đạt chưa tới 3,000 tỷ đồng/phiên.
Đành rằng, so sánh mức thanh khoản này với thanh khoản hơn 8,300 tỷ đồng/phiên của thị trường cùng thời điểm năm 2018 là khập khiễng. Nhưng so với kỳ vọng, thanh khoản thị trường thời điểm này quả thực xuống quá thấp. Quả đáng lo ngại!
Nguồn: VietstockFinance
|
Các tháng sau đó (tháng 4 và tháng 5), thanh khoản có phục hồi nhưng vẫn trong tình cảnh “cạn kiệt”. Cùng thời điểm này, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại căng thẳng trở lại như một lời nhắc nhở rằng bầu trời phía trước vẫn u tối.
Nếu xét vài trường hợp cổ phiếu riêng biệt, sự sụt giảm của thanh khoản lại càng rõ rệt. Theo thống kê của Vietstock, 5 tháng đầu năm 2019, nhiều mã vẫn duy trì được vị trí thanh khoản hàng đầu thị trường. So với cùng kỳ năm trước thì thanh khoản của các mã này đều sụt giảm rõ rệt. Chẳng hạn như trường hợp của SHB: 5 tháng đầu năm 2019, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này chỉ đạt hơn 4.3 triệu cp/phiên, giảm tới hơn 76% so với cùng kỳ năm trước. Một số trường hợp khác từng được mệnh danh là “vua thanh khoản” như FLC, CTG, PVS… cũng chịu ảnh tương tự.
Một số cổ phiếu thanh khoản tốt trên hai sàn HOSE, HNX trong các đầu năm
|
Trong báo cáo của một số quỹ đầu tư hoặc công ty chứng khoán (CTCK), tình trạng thanh khoản cạn kiệt cũng được đề cập. Gần đây nhất, quỹ PYN Elite nhận định “giá trị giao dịch hàng ngày giảm bớt phân nửa trong 4 tháng đầu năm 2019. Thanh khoản thấp bất thường và chúng tôi kỳ vọng thanh khoản sẽ phục hồi trở lại”.
Thanh khoản sẽ hồi phục?
Liên quan tới vấn đề này, người viết đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) nhận xét, tình trạng kém thanh khoản đến từ diễn biến kém tích cực của thị trường. Nguyên nhân là từ tình hình thị trường thế giới, nhà đầu tư ngoại bán ròng. Mặc dù, vẫn có một số thông tin tích cực từ đầu năm tới nay như một số thương vụ lớn từ Hàn Quốc, song thị trường nhìn chung diễn biến tiêu cực. Theo đó, nếu thanh khoản thị trường tiếp tục kéo dài tình trạng này thì xu hướng xấu sẽ còn tiếp diễn.
Một trong những dấu hiệu của việc thanh khoản thấp là nhiều doanh nghiệp lên sàn từ năm 2018 tới này. Tuy nhiên, với lượng cung cổ phiếu lớn như vậy, thanh khoản thị trường vẫn không tăng tương ứng.
Nói về động lực giúp cải thiện thanh khoản, ông Khánh cho rằng trước mắt trong nước cần có chính sách để giảm tác động tiêu cực của diễn biến chiến tranh thương mại. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cần có nhiều chính sách hạn chế rủi ro từ bên ngoài tác động tới doanh nghiệp. Từ đó, với việc doanh nghiệp tăng trưởng ổn định, dòng vốn nước ngoài mới quay trở lại.
Ông Khánh cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài theo dõi thị trường trong lúc này, nắm giữ tỷ trong tiền mặt cao.
Về phần mình, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam lý giải việc thanh khoản sụt giảm trong tháng 4 một phần là do lực chốt lời đối với nhiều cổ phiếu. Bên cạnh đó, dòng tiền dịch chuyển do tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi một số rủi ro như chiến tranh thương mại, đà sụt giảm của thị trường thế giới.
Ông Minh dự báo, thanh khoản thị trường sẽ được hồi phục trong thời gian tới. Một phần là vì dòng tiền trên thị trường vẫn đang ở lại với những cổ phiếu tăng giá tốt trong giai đoạn vừa qua. Mặt khác, nhiều cổ phiếu đã giảm về mức hợp lý đủ để thu hút dòng tiền trở lại.
Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng sẽ trở lại thị trường nhờ vào đợt đảo danh mục của các quỹ ETF.
Trong giai đoạn này, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư chú ý đến một số nhóm cổ phiếu như dầu khí, bất động sản, xây dựng. Thêm vào đó, hiệp định EVFTA có khả năng sẽ được ký kết sớm sẽ tác động tích cực tới nhóm thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp.
FILI