Nhịp đập Thị trường 30/05: Lại đạp trụ cuối phiên
Nhịp đập Thị trường 30/05: Lại đạp trụ cuối phiên
Diễn biến trên HOSE phiên chiều đảo ngược so với phiên sáng, thật đúng với thời tiết Sài Gòn. VN-Index lùi dần về tham chiếu nhưng vẫn giữ được sắc xanh, và đến đợt ATC thì bị đạp mạnh, chuyển sang đỏ với mức giảm -0.23%. Quan sát đợt ATC, 1 số mã vốn hóa lớn bất bị xả cung như VIC, HPG, MSN… và vào phút chót do không có lực cầu nhảy vào cân đối lại, nên những cổ phiếu này đã giảm mạnh, tác động lớn lên cả VN30-Index và VN-Index.
Trong số những mã trụ sàn HOSE bị “đạp giá” cuối ATC, có lẽ HPG và MSN là 2 mã giá giảm có nguyên nhân đến từ khối ngoại. Ở HPG, lượng bán ròng là khoảng 564,000 cp và ở MSN, lượng bán ròng là hơn 100,000 cp.
VJC nằm trong số những cổ phiếu được khối ngoại bán ròng khủng hôm nay, lượng bán ròng gần 5.5 triệu cp trong đó 5.6 triệu cp bán lại cho đối tác trong nước qua giao dịch thỏa thuận, chính vì vậy mà giao dịch này không tác động lên giá cổ phiếu. Ngoài VJC, một số mã khác bị bán ròng nhiều như HBC, HPG, DLG, VHM, DIG… Ở chiều ngược lại, chứng chi quỹ E1VFVN30 được mua hơn 5 triệu cp, tiếp theo là ITA, HVN…
Diễn biến trên HNX và UPCoM vẫn khá ảm đạm so với phiên sáng, dù chỉ số HNX-Index cũng tăng trên tham chiếu đầu giờ chiều. Điểm sáng chung ở 2 chỉ số này là đều tăng nhẹ vào phút cuối (khi VN-Index thì giảm mạnh). HNX-Index cuối phiên quay lại đúng tham chiếu, còn UPCoM-Index thì chỉ còn giảm 0.03%. Một số Large Cap sàn HNX đã chuyển màu từ đỏ sang xanh như SHB, VCG, một số khác tăng mạnh hơn như NTP. MSR tuy không còn tăng mạnh như phiên sáng, nhưng cũng đóng cửa ở mức tăng 6.8%.
Dù một số mã chuyển màu trong phiên chiều như MBB hay BID, nhưng nhìn chung nhóm ngân hàng vẫn có một ngày giao dịch khá tích cực. Duy nhất ACB là gây thất vọng khi lầm lũi mãi dưới tham chiếu cả ngày.
Tương tự ngân hàng, BĐS dân dụng cũng có kết quả cuối phiên tích cực. Dù VIC, VHM giảm giá hay NTL bất ngờ giảm tới 6%, nhưng nhiều mã vốn hóa nhỏ hơn vẫn tăng giá được như DIG, KDH, NLG, SCR, PDR…
HBC tưởng rằng được hỗ trợ với những thông tin được cập nhật qua buổi analyst meeting chiều qua, nhưng không ngờ đến chiều giá cổ phiếu này vẫn giảm 0.3%. Khối ngoại bán ròng khớp lệnh tới 1,664,000 cp là điểm đáng chú ý nhất ở đây.
Nhóm dầu khí lại nhuốm đỏ trong phiên chiều khi GAS giảm mạnh hơn, PVD, BSR, POW lùi về tham chiếu và nhiều mã khác chuyển sang đỏ như PVS, PVT…
Giá cao su thế giới trong tháng gần đây đã tăng 15% và có lẽ nhà đầu tư đang quay sang ngó cổ phiếu này. Chiều nay nhìn chung nhóm cao su sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ, trong đó HRC tăng hơn 4%.
Yếu tố bất ngờ được duy trì đến cuối phiên sáng
Sau khi bất ngờ vượt tham chiếu lúc gần 10h sáng, VN-Index đã giữ nguyên được sắc xanh cho đến lúc nghỉ trưa, và hiện đứng tại 974.28 điểm, tăng nhẹ 0.28%. Chỉ số nhóm VN30 tăng mạnh gấp đôi chỉ số chính sàn HOSE, và tất nhiên là yếu tố chính tạo nên sự lạc quan cho hơn 1 nửa thời gian giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, bất ngờ là 1 chỉ số phụ của 2 nhóm Mid Cap và Small Cap sàn HOSE vẫn đỏ trong suốt thời gian sáng này.
Chỉ còn 4 mã “xui xẻo” giảm giá trong nhóm VN30, gồm SBT, HPG, GAS và VHM. So với đầu phiên sáng, số mã tăng giá đã tăng rất mạnh, trong đó có những cái tên ấn tượng như NVL, REE, CTD, SAB…
Diễn biến trên HNX có vẻ khó nhằn hơn ở HOSE, chỉ số chính sàn này dành suốt thời gian ngụp bên dưới tham chiếu, và cuối phiên sáng nay thì cũng quay lên được 105.33 điểm, tăng… 0.01 điểm. Chỉ số nhóm HNX30 chạy nhanh hơn chỉ số chính, nhưng HNX-Index rõ ràng chịu sự chi phối lớn nhất từ nhóm largecap.
MSR tăng 12.5% với câu chuyện quặng “hiếm” của mình, nhưng không giúp được cho chỉ số chính sàn UPCoM. UPCoM-Index vẫn luôn ở bên dưới tham chiếu, và đến cuối phiên sáng vẫn giảm tới 0.29%, mức gần như thấp nhất trong phiên. Một số largecap giảm giá đáng kể của sàn này có thể kể đến như SDI, VGT, LPB hay DNH…
Diễn biến nhóm ngân hàng (nhóm lớn thứ 2 thị trường lẫn HOSE) càng tích cực về cuối phiên. Hiện chỉ có 4 mã giảm giá là ACB, BAB, LPB và NVB.
Tương tự ngân hàng là dầu khí. Giá dầu thế giới giảm từ cuối tháng 5 đến nay có lẽ không tác động nhiều lên nhóm này, vì ngoài một số yếu tố mang tính độc quyền, còn có 1 yếu tố là độ trễ, tức là một số mã sẽ được hưởng lợi muộn từ đợt tăng giá dầu hồi đầu năm. Sáng nay GAS giảm nhẹ 100 đ/cp, nhưng PVD, PVS, PVT, BSR, POW đều tăng giá nhẹ.
Do VN-Index được nâng đỡ chủ yếu do Large Cap, 2 chỉ số Mid Cap và Small Cap vẫn đỏ nên nhiều nhóm ngành nhỏ hơn vẫn có sự phân hóa hoặc nghiêng về sắc đỏ, ví dụ như dệt may, sắt thép, thủy sản…
Nhìn từ góc độ giá cổ phiếu, HSG và NKG có vẻ như “chả liên quan gì” đến thông tin mới nhất về việc Bộ Công Thương sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm. Theo Bộ Công thương, biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, với mức thuế từ 2.46% đến 35.58%.
10h30: Bất ngờ đảo ngược tình thế
Diễn biến VN-Index sớm xấu đi sau ATO, chỉ số từng lùi về đến 967.2 điểm, nhưng bất ngờ tăng vọt trở lại, lên trên tham chiếu và hiện dao động tại 972-973 điểm. Công lớn đưa chỉ số hồi phục bất ngờ có lẽ đến từ một số Large Cap như NVL, SAB, CTG, MSN… Vấn đề hiện nay là tình thế đảo ngược có tính … bất ngờ này liệu có “bền vững” hay không?
Nhóm VN30 cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ chỉ số. trong nhóm này, số cổ phiếu tăng giá đã lên đến 16, đảo ngược tình thế so với đầu phiên. VIC vẫn tăng nhẹ 0.5% từ đầu phiên, nhưng nhiều mã khác đã đổi màu từ đỏ sang xanh như CTG, SAB, NVL…
HNX-Index và UPCoM-Index chưa theo kịp thị trường. 2 chỉ số này vẫn đang đỏ quạch, dù HNX-Index cũng từng có lúc leo lên trên tham chiếu. Những đại gia của sàn HNX vẫn giữ nguyên sắc đỏ có thể kể đến như ACB, VCG, VCS…
Nhóm ngân hàng đang có niềm vui trở lại với sắc xanh hiện diện nhiều hơn ở đa số cổ phiếu. chỉ có mỗi 2 mã đỏ là ACB và NVB.
Diễn biến trên nhóm dầu khí có vẻ tương tự như ngân hàng. Nhiều mã như PVD, PVS, PVB đã tăng giá trở lại, GAS đứng giá dù trước đó giảm. PVX vẫn giữ mức tăng tới hơn 8%.
Một số nhóm ngành vẫn tràn ngập sắc đỏ như dệt may, thủy sản, sản xuất điện, sắt thép…
Mở cửa: Đỏ theo thế giới
VN-Index mở cửa giảm nhẹ khoảng 0.5 điểm, có lẽ chịu áp lực từ nửa kia trái đất (diễn biến chứng khoán Mỹ). Mức giảm này tuy không đáng kể, nhưng tình hình có vẻ sẽ còn xấu hơn. Số cổ phiếu giảm giá trong nhóm VN30 đang tăng dần. Quan trọng là hàng loạt các mã vốn hóa lớn nhất nhì nhóm này, cũng là lớn nhất nhì thị trường, đang đỏ: VJC, SAB, NVL, GAS…
Giá dầu thế giới đang đi ngang trong 5 phiên gần đây, sau khi bất ngờ sụt mạnh giữa tuần trước. Tuy vậy rủi ro giảm giá tiếp không phải không có, trước mối lo ngại kinh tế TQ giảm tốc và diễn biến tiêu cực từ cuộc “chiến” với Mỹ. Sáng nay nhóm cổ phiếu dầu khi đang có sự phân hóa. GAS, BSR, OIL giảm giá nhẹ sau ATO, 3 đại gia khác PVD, PVS, POW đứng yên. Riêng PVX tăng 8% nhưng đơn giản là do thị giá quá thấp nên bước giá lại đâm ra rất lớn.
Thông tin iShare MSCI Frontier 100 ETF giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục có lẽ cũng tác động xấu lên tâm lý nhà đầu tư, kể cả những ai đang đánh cược đúng các mã được đưa vào như PVD, VJC hay POW. Mở đầu phiên sáng nay VJC và POW đều giảm giá nhẹ, riêng PVD đứng giá nhưng lệnh bán đang “dày” hơn lệnh mua.
Chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM cũng chịu ảnh hưởng từ thế giới. Một loạt đại gia HNX như ACB, VCG, VCS, SHB… đều đang giảm giá nhẹ quanh 1%. Trên UPCoM, dù FOX và BSR tăng giá mạnh nhưng ngạc nhiên là cũng không “cứu” được chỉ số sàn này.
Diễn biến nhóm ngân hàng đang xấu, nhưng 2 nhóm lớn khá là dầu khí và BĐS dân dụng lại có vẻ sáng hơn 1 chút. Nói cách khác là đang có phân hóa, nhưng số mã tăng giá cũng không ít.
Diễn biến chung của TTCK khiến cơn sóng mới nổi ở nhóm thủy sản có nguy sơ bị tan sớm. Vốn được coi là hưởng lợi từ thông tin Trung Quốc mở cửa “rộng rãi” cho ngành, sáng nay cổ phiếu thủy sản lại gặp tình trạng tảo đỏ nở hoa. VHC, ANV, ACL đều đang giảm giá nhẹ, riêng IDI mở cửa xanh nhưng mức tăng rất yếu.
VMN sẽ trả cổ tức tiền mặt 15%, tuy nhiên tính theo thị giá thì chưa đến… 1%, có lẽ chính vì vậy mà tin này chả đỡ giá cho cổ phiếu.
HBC bất ngờ đi ngược thị trường nhờ tin hoàn nhập dự phòng. Hôm qua tại Hà Nội, HBC đã có cuộc gặp gỡ analyst meeting, đích thân Chủ tịch HBC đã gặp mặt và chia sẻ thông tin nói trên. Ông Hải cũng bổ sung thêm về việc hoàn tất phát hành cp cho Hyundai Elevator.
FILI