Những hãng công nghệ lớn của Mỹ không thể 'làm ăn' tại Trung Quốc
Những hãng công nghệ lớn của Mỹ không thể 'làm ăn' tại Trung Quốc
Google, Facebook, Twitter đã bị chính phủ Trung Quốc cấm hoạt động tại đất nước họ, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến chính sách kiểm duyệt nội dung.
Google từng kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2006 với tên miền google.cn, chấp nhận bị kiểm duyệt kết quả tìm kiếm. Google Trung Quốc xếp thứ 2 về công cụ tìm kiếm nhiều năm liền tại quốc gia đông dân nhất thế giới, sau Baidu. Năm 2010, hacker Trung Quốc đã tấn công Google và nhiều doanh nghiệp Mỹ, công ty phản ứng bằng cách "thả lỏng" kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc. Thông qua "Vạn lý trường thành trên mạng" (Great Firewall), Google Search bị chặn hoàn toàn sau đó.
|
Sau khi Google Search bị cấm, các dịch vụ như thư điện tử Gmail, mạng video YouTube, trình duyệt Chrome... và những sản phẩm khác của Google nằm trong vòng kiểm soát gắt gao của chính phủ Trung Quốc. Đến cuối 2014, những dịch vụ này bị chặn hoàn toàn. Người dùng tại đây muốn truy cập phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), nhưng hệ thống này cũng đang bị cấm.
|
Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft cũng bị chặn nhiều lần ở Trung Quốc dù tuân thủ các chính sách kiểm duyệt của chính quyền nước này. Lần gần nhất Bing không truy cập được là cuối tháng 1/2019. Theo The Verge, việc bị chặn có thể liên quan đến chỉ thị của chính phủ.
|
Tháng 7/2009, Facebook bị cấm do không đáp ứng chính sách kiểm duyệt nội dung. Mạng xã hội này tìm cách trở lại nhiều lần nhưng không thành công. Năm ngoái, công ty con của Facebook được cấp phép hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng bị rút giấy phép chỉ sau một ngày.
|
Hai dịch vụ khác thuộc sở hữu của Facebook là Instagram và WhatsApp bị chặn muộn hơn: Instagram vào tháng 9/2014 và WhatsApp tháng 9/2017.
|
Từ 2009, Twitter bắt đầu bị chặn bởi Great Firewall và người dùng Trung Quốc không có cách nào truy cập vào tiểu blog bằng mạng Internet trong nước. Các chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh cảm thấy bất an sau khi chứng kiến vai trò của truyền thông xã hội trong hai cuộc "Cách mạng xanh" tại Iran (2009) và "Mùa xuân Ảrập" (diễn ra ở các nước Bắc Phi năm 2011), do đó họ quyết định chặn Twitter.
|
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng chặn nhiều dịch vụ khác do công ty Mỹ cung cấp. DuckDuckGo, một trình duyệt tìm kiếm bảo mật, bị ngăn tại Trung Quốc vào năm 2014 do không chia sẻ dữ liệu với chính quyền. Dailymotion, Vimeo, Twitch, Netflix... cũng chịu số phận tương tự.
|
BẢO LÂM