Ông Trump kêu gọi Fed giảm bớt lãi suất 1 điểm phần trăm và thực hiện nới lỏng định lượng
Ông Trump kêu gọi Fed giảm bớt lãi suất 1 điểm phần trăm và thực hiện nới lỏng định lượng
Trong lời chỉ trích trắng trợn nhất về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Ba (30/04), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Fed hạ lãi suất bớt 1 điểm phần trăm và triển khai thêm các gói nới lỏng định lượng.
Trong một dòng tweet, Tổng thống Mỹ đột nhiên so sánh Fed với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và cho rằng nếu chính sách tiền tệ ở Mỹ nới lỏng thêm thì nền kinh tế sẽ “bay cao như tàu vũ trụ”.
"Trung Quốc đang tung ra gói kích thích to lớn cho nền kinh tế, đồng thời giữ lãi suất ở mức thấp. Fed của chúng ta lại không ngừng nâng lãi suất, mặc dù lạm phát đang rất thấp và thực hiện chương trình thắt chặt định lượng rất lớn. Chúng ta có tiềm năng để đi lên như con tàu vũ trụ nếu chúng ta hạ lãi suất, như 1 điểm phần trăm và một số gói nới lỏng định lượng. Vâng, chúng ta đang làm rất tốt ở mức tăng trưởng GDP 3.2%, nhưng với mức lạm phát thấp khó tin, chúng ta có thể lập kỷ lục về chỉ số chứng khoán, đồng thời thu hẹp Nợ Quốc gia", ông Trump viết trên Twitter.
Trong quá khứ, các quan chức Nhà Trắng, bao gồm cả ông Trump và Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow, đều khuyến nghị Fed giảm lãi suất bớt 0.5 điểm phần trăm. Các dòng tweet mới đây của ông Trump lại càng củng cố thêm cho quan điểm đó.
Fed hiện giữ phạm vi lãi suất mục tiêu ở mức 2.25-2.5%. Họ đã nâng lãi suất 9 lần kể từ tháng 12/2015, nhưng đã phát tín hiệu không nâng lãi suất trong năm 2019 tại cuộc họp tháng 3/2019 (mặc dù trước đó họ báo hiệu nâng lãi suất 2 lần trong năm nay).
Nếu Fed làm đúng theo lời của Tổng thống Mỹ, mức lãi suất quỹ liên bang Mỹ (Fed Fund rate) sẽ trở về mức của tháng 12/2017.
Việc kêu gọi Fed giảm lãi suất vẫn diễn ra khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý 1/2019. Cụ thể, GDP Mỹ tăng trưởng 3.2% trong quý 1/2019, sau khi có nhiều chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế tăng trưởng nhẹ hoặc chẳng tăng trưởng trong quý 1.
Tuy vậy, kinh tế tăng trưởng mạnh trong khi lạm phát lại khá yếu ớt. Chỉ số đo lường lạm phát yêu thích của Fed chỉ tăng trưởng 1.6% trong 12 tháng vừa qua, sau khi đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng.
Việc lạm phát tăng trưởng yếu ớt là lý do mà ông Kudlow và nhiều chuyên gia khác tin rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất mà không tạo ra rủi ro. Các ngân hàng trung ương thường thắt chặt chính sách trong một nỗ lực kiểm soát chỉ số giá khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh.
Mặc dù chẳng có gì bất thường khi các đời Tổng thống Mỹ chỉ trích về chính sách tiền tệ, nhưng họ thường âm thầm thực hiện, qua đó khiến những lời chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông Trump trở nên quá bất thường.
Cùng vời lời kêu gọi cắt giảm lãi suất, ông Trump cũng thúc giục Fed triển khai thêm các gói nới lỏng định lượng.
Fed đã thực hiện ba vòng nới lỏng định lượng trong suốt và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 trong một nỗ lực hạ lãi suất dài hạn và khuyến khích dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro cao như chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Fed đang suy ngẫm thực hiện thêm một vòng nới lỏng định lượng nữa, mặc dù các chuyên gia kinh tế tại Fed khu vực St. Louis đưa ra ý tưởng về cơ chế mua lại – một điều mà một số chuyên gia kinh tế cho là một dạng của nới lỏng định lượng.
Thị trường tài chính Mỹ dạo gần đây cũng có thành quả tốt, trong đó Dow Jones đã tăng 14% (tính từ đầu năm), sau một năm 2018 đầy thảm khốc vì nỗi lo Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
FiLi