Phó thủ tướng: "Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở tháng 5"
Phó thủ tướng: "Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở tháng 5"
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói về những biến động ngoài dự kiến trong quyết định thời điểm tăng giá điện...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
|
Chẳng có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5, cái này phải thông cảm cho Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói đến những biến động ngoài dự kiến trong quyết định thời điểm tăng giá điện.
Sáng 22/5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về báo cáo điều hành giá điện được Chính phủ gửi đến Quốc hội trước đó. Một số ý kiến cho rằng lý giải về thời điểm tăng giá tại báo cáo chưa thực sự thuyết phục.
"20/3 đâu phải mùa hè? Trước 20/3 còn chưa đến rét nàng Bân. Còn có bài thơ "Tháng 3 đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh", chưa có năm nào thời tiết lại trái như năm nay", Phó thủ tướng nói.
Lý giải tiếp theo từ Phó thủ tướng là tháng 3, theo quy luật, CPI tăng cao vào tháng 2 là tháng tết, thì tháng 3 giảm rất mạnh. Tháng 3 tăng giá điện rồi mà CPI vẫn âm. Như vậy đỡ được chuyện lạm phát kỳ vọng do tác động tâm lý. Cho nên, Chính phủ chọn tăng vào tháng 3.
Mặt khác, Phó thủ tướng cũng trình bày, Chính phủ không dự báo được việc tháng 4 nắng như đổ lửa. Trước đây, đến các bãi biển tháng 4 nhiều nơi còn rét chưa tắm được. Nhưng năm nay, trước 30/4 khoảng 10 ngày còn nắng như đổ lửa, nhưng đầu tháng 5 thì lại như mùa đông.
Năm nay hoa sữa lại nở vào tháng 5. Cái này dự báo không được. Chẳng có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5. Cái này phải thông cảm cho Chính phủ", Phó thủ tướng phát biểu.
Nói thêm về lợi nhuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Huệ cho biết Chính phủ chỉ cho phép tập đoàn này có mức lợi nhuận là 3% thôi.
"Tổng khoản chi phí đầu vào tăng thêm là 20.000 ngàn tỷ, tính toán ra thì giá thành tăng lên khoảng 8,36%. Thường trực Chính phủ đã họp đi họp lại nhiều lần. Tuy tăng giá dưới 10% là quyền của Bộ Công Thương, nhưng xét thấy Luật Điện lực cũng nói, Luật Giá nói là ảnh hưởng kinh tế vĩ mô thì Thủ tướng quyết, nên Chính phủ đã họp đi họp lại với các tập đoàn, tổng công ty và đã lựa chọn tăng 8,36% thay cho 9,26% như đề nghị của các bộ", Phó thủ tướng thông tin thêm.
Cũng liên quan đến giá điện, ở tổ thảo luận khác, đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán, có nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì ảnh hưởng phát triển kinh tế, liên quan đến đời sống người dân.
Cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn của ngành Công Thương trong báo cáo rất đầy đủ, báo cáo cũng khẳng định việc điều hành giá điện theo quy định của pháp luật, đảm bảo chỉ đạo sát sao của Thủ tướng. Tôi đồng tình với quan điểm này. Nhưng điều hành để dư luận bức xúc trong cử tri và nhân dân thì cần xem xét lại, ông Diến nói.
Một số vị đại biểu khác cũng cho rằng việc xây dựng bảng giá điện hiện có 6 bậc chưa phù hợp, vì người nghèo, người sử dụng ít thì Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện. Nhưng quan điểm của ngành điện trong sử dụng giá bậc 3, 4, 5 để điều tiết, hỗ trợ cho bậc 1, 2, tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi người kia, mà không được người bị lấy cắp trong túi đồng tình.
Những người sử dụng điện bậc 3, 4, 5 là bị "lấy cắp", họ không đồng tình nhưng ngành điện điều hành theo cách này, là bất hợp lý. Thực tiễn này gây bức xúc cho người dân, cử tri, đại biểu Diến bình luận.
HÀ VŨ