Phó Thủ tướng: Đề xuất kiểm toán chuyên đề về giá điện
Phó Thủ tướng: Đề xuất kiểm toán chuyên đề về giá điện
Nói về lý do điều chỉnh giá điện trong tháng Ba, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng mạnh vào tháng Một, tháng Hai thường sẽ giảm trong tháng Ba.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có những lý giải trên nghị trường Quốc hội chiều 30/5 về cơ sở điều chỉnh giá điện và thời điểm quyết định tăng giá.
Đầu vào tăng hơn 20.000 tỷ đồng
Theo Phó Thủ tướng, điện là vật tư chiến lược, an ninh điện là cân đối lớn, trọng yếu cùa nền kinh tế. "Để tăng 1,5% GDP thì điện ít nhất phải tăng 1,5%. Năm 2019, trên cơ sở GDP kịch bản là 6,8% thì điện phải tăng 11,23%," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Vì thế, theo ông, việc điều hành giá điện phải đạt được hai mục tiêu, một là kiểm soát lạm phát, hai là phải có mức giá hợp lý để kêu gọi đầu tư cho ngành điện.
Giải thích kỹ hơn về cơ sở điều chỉnh giá điện, Phó Thủ tướng cho biết, trên cơ sở rà soát cơ cấu nguồn điện, tổng đầu vào năm 2019 ngành điện dự kiến tăng khoảng 20.032 tỷ đồng.
Trong số trên, theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh giá than hai đợt làm ảnh hưởng 5.412 tỷ đồng. Phó Thủ tướng giải thích, hiện than khai thác ở độ sâu 300m so với mực nước biển nên chi phí lớn.
Ngoài ra, trong số hơn 20.000 tỷ đồng trên, Phó Thủ tướng chỉ ra, yếu tố đầu vào khác là giá khí trong bao tiêu tăng theo giá thị trường (theo Nghị quyết Quốc hội từ năm 2014 hiện mới thực hiện) là 5.852 tỷ đồng. Một khoản lớn khác là chênh lệch tỷ giá lên tới 5.042 tỷ đồng,...
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để bù đắp các khoản trên và đảm bảo lợi nhuận ngành điện tối thiểu 3%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá lần lượt là: 7,31%; 8,36% và 9,06%.
Trên cơ sở trên, theo Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã thảo luận và chọn phương án 8,36%.
Vì sao điều chỉnh vào tháng Ba?
Nói về lý do điều chỉnh giá điện trong tháng Ba, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng mạnh vào tháng Một, tháng Hai thường sẽ giảm trong tháng Ba.
"Trong 10 lần điều chỉnh giá điện thì 4 lần điều chỉnh vào tháng Ba," Phó Thủ tướng thống kê.
Với nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng đột biến, Phó Thủ tướng dẫn báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, việc này xuất phát từ ba nguyên nhân. Một là tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Hai là kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng Tư là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng Ba. Cuối cùng, nguyên nhân do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng bởi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.
Theo Phó Thủ tướng, kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, cách tính của EVN chưa có sai phạm.
Tuy vậy, thời gian tới, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và EVN tiết giảm chi phí thường xuyên.
Ngoài ra, EVN và Bộ Công Thương cũng được chỉ đạo sớm nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung biểu giá điện hợp lý, bảo vệ người thu nhập thấp. Việc sửa đổi cũng cần đảm bảo phù hợp với nhu cầu các hộ dân, đặc biệt là trong điều kiện số lượng hộ sử dụng điện trên 200kWh ngày càng tăng.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm nếu có.
"Chúng tôi đã đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào năm 2019 kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính và chuyên đề về giá điện," Phó Thủ tướng lên tiếng.
Nhóm PV