Phố Wall tiếp đà bán tháo, Dow Jones “bốc hơi” 400 điểm
Phố Wall tiếp đà bán tháo, Dow Jones “bốc hơi” 400 điểm
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Ba (07/05) sau khi một quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ xác nhận Mỹ sẽ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào cuối tuần này.
Tính tới lúc 22h35 ngày thứ Ba (07/05 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 400 điểm, còn S&P 500 rớt 1.6% khi nhóm cổ phiếu công nghệ rớt mạnh. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 1.9%.
Các cổ phiếu nhạy cảm với thông tin thương mại Caterpillar và Boeing giảm lần lượt 2% và 2.8%. Cổ phiếu Boeing cũng rớt ngưỡng trung bình động 200 ngày (MA200) lần đầu tiên kể từ tháng 1/2019. Trong khi đó, các cổ phiếu của công ty sản xuất chip điện tử khiến nhóm cổ phiếu công nghệ tụt dốc. Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF (SMH) giảm tới 2.5% khi cổ phiếu KLA-Tencor lao dốc 6.7%. Cổ phiếu Applied Materials và NXP Semiconductors đều giảm hơn 3.5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu (10/05).
Các nhận định của ông Lighthizer sẽ “làm gia tăng khả năng nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc”, Keith Parker, Chiến lược gia tại UBS, cho biết trong một báo cáo. Một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu bớt 45 điểm cơ bản, còn GDP Trung Quốc sẽ bị giảm từ 1.2-1.5%.
Ông cũng cho biết S&P500 có thể tăng 20% hoặc giảm 20% tùy vào việc căng thẳng leo thang hay xuống thang.
Ông Lighthizer đưa ra lời xác nhận sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet trong ngày Chủ nhật (05/05) rằng sẽ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày thứ Sáu (10/05). Ông cũng đe dọa áp bổ sung thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc trong thời gian ngắn.
Những dòng tweet của ông Trump lúc đầu khiến thị trường chao đảo vào đầu phiên ngày thứ Hai (06/05). Dow Jones có lúc rớt 471 điểm, còn Nasdaq Composite sụt 2% tại mức đáy trong phiên. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại và gần như xóa sạch toàn bộ đà giảm trong phiên sau khi xuất hiện thông tin phái đoàn Trung Quốc vẫn sẽ tới Washington để đàm phán thương mại và các trader tin rằng dòng tweet của ông Trump có lẽ chỉ là một chiến thuật đàm phán.
“Tôi vẫn hy vọng hai bên tiến tới một thỏa thuận và chúng ta không thấy Mỹ nâng thuế vào ngày thứ Sáu (10/05)”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tự tại Bleakley Advisory Group, nhận định. “Nhưng rõ ràng sự không tin tưởng giữa hai bên sẽ vẫn còn đó trong nhiều năm và một số hàng rào thuế quan sẽ được giữ lại như là công cụ để triển khai thỏa thuận”.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến tham gia vào đoàn đàm phán tới Mỹ trong tuần này, qua đó làm gia tăng hy vọng tiến tới thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, ông Lưu sẽ chỉ tham gia vào cuộc đàm phán vào ngày thứ Năm và thứ Sáu (10/05). Theo lịch trình ban đầu, ông sẽ tham gia đàm phán từ ngày thứ Tư (08/05) cho tới tận ngày thứ Bảy (11/05).
Mỹ nâng thuế vì Trung Quốc không giữ đúng lời hứa
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ định nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu (10/05), cáo buộc Bắc Kinh không giữ đúng những cam kết đã đưa ra trong quá trình đàm phán.
Dù vậy, các cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục và một phái đoàn Trung Quốc sẽ tới Washington trong ngày thứ Năm và thứ Sáu (10/05), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên trong ngày thứ Hai (06/05). Giữa lúc hai bên đàm phán, chính quyền Trump định nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào lúc 0h01 ngày 10/05/2019, ông cho hay.
“Chúng tôi cảm thấy chúng tôi đang trên đường đi đến đâu đó. Trong tuần trước, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc không giữ đúng các cam kết đề ra trước đó. Theo chúng tôi, điều đó là không thể chấp nhận được”, ông Lighthizer nói, đồng thời cho biết thêm các vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, bao gồm việc liệu có giữ lại hàng rào thuế quan hay không.
Không liên lạc với phía Trung Quốc
Các quan chức Mỹ cho biết họ chưa liên lạc với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong 24 giờ qua. Ông Lưu Hạc – nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc – được cho là sẽ tham gia vào cuộc đàm phán ở Washington trong tuần này, nhưng vẫn chưa rõ là liệu ông vẫn sẽ dẫn dắt phái đoàn Trung Quốc hay không.
Nguồn tin thân cận cho biết, trong suốt cuộc đàm phán thương mại ở Bắc Kinh trong tuần trước, các quan chức Trung Quốc nói với những người đồng cấp Mỹ rằng họ sẽ không đồng ý với một thỏa thuận đòi hỏi có sự điều chỉnh luật của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã đồng ý thay đổi luật của họ như là một phần của thỏa thuận, nguồn tin này cho biết.
Sự thay đổi trên có tác động rất quan trọng tới các điều khoản của thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt những hành vi buộc công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ cho đối tác Trung Quốc.
Trước đó, ông Lighthizer cho rằng các vấn đề xoay quanh việc chuyển giao công nghệ bắt buộc đã được giải quyết và xem việc Trung Quốc đồng tình thay đổi luật như là một nỗ lực muốn tái thương lượng thỏa thuận, nguồn tin thân cận cho biết. Thế nhưng, sau khi Trung Quốc không đồng ý thay đổi luật, ông Lighthizer tỏ ra bực tức và nói lại với ông Trump.
FiLi