PLX: Lợi nhuận và giá xăng đều bước, liệu có hiện diện nỗi lo “quỹ bình ổn giá”?
PLX: Lợi nhuận và giá xăng đều bước, liệu có hiện diện nỗi lo “quỹ bình ổn giá”?
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2019, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX) lãi ròng gần 1,201 tỷ đồng, tăng trưởng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Ở một diễn biến khác, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng cũng đã tăng gần 5,000 đồng/lít.
Doanh thu thuần của PLX sụt giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt gần 41,961 tỷ đồng trong quý 1/2019. Tuy vậy, biên lãi gộp quý này của Tập đoàn tăng lên mức 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ khoảng 7% của quý 1/2018.
Sự cải thiện lớn của biên lợi nhuận gộp chính là lý giải cho kết quả lãi ròng tích cực của PLX, mặc cho mức tăng 15% (tương ứng gần 297 tỷ đồng) của chi phí bán hàng so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả quý khởi đầu 2019, PLX báo lãi ròng gần 1,201 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước đến gần 34%. Quý 1/2019 cũng là quý kinh doanh mà Tập đoàn này đạt lợi nhuận ròng cao nhất kể từ ngày cổ phiếu được niêm yết, và cũng là thành tích lợi nhuận cao thứ hai của PLX sau nhiều năm (kể từ quý 1/2013 theo số liệu có được, xếp sau khoản lãi ròng hơn 1,700 tỷ của quý 4/2016).
Nguồn: VietstockFinance
|
Đi kèm với mức lợi nhuận hoành tráng của PLX, diễn biến giá xăng trong những tháng đầu năm 2019 cũng khiến người ta “sốt cả phổi”. Cụ thể, tính đến kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 02/05/2019, giá xăng đã tăng gần 5,000 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và RON95, so với đầu năm.
Một nỗi lo mang tên “quỹ bình ổn giá”?
Về tình hình tài chính doanh nghiệp trong quý 1/2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PLX ghi nhận dương hơn 1,205 tỷ đồng chủ yếu nhờ việc tăng mạnh các khoản phải trả; trong khi cùng kỳ năm trước dòng tiền này âm đến hơn 3,853 tỷ đồng. Vào thời điểm 31/03/2019, khoản phải trả người bán ngắn hạn của PLX ở mức gần 15,020 tỷ đồng, tăng gần 2,530 tỷ đồng so với đầu năm.
Một điểm đáng chú ý là khoản mục quỹ bình ổn giá tại bảng cân đối của Tập đoàn chỉ còn gần 89 tỷ đồng, trong khi mới chỉ đầu năm nay con số này là gần 1,931 tỷ đồng. Theo chia sẻ của thành viên Ban lãnh đạo PLX trên báo Tuổi Trẻ, tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng ngày 17/04/2019, quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp này đã âm tới 240 tỷ đồng. Mới đây nhất, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/04, phía PLX cũng cập nhật thông tin rằng quỹ này đã âm tới 500 tỷ đồng. Theo quy định của thông tư 39, trường hợp phải bù đắp phần quỹ âm trong kỳ điều hành tiếp theo, PLX có thể vay ngân hàng, dùng nguồn tiền tự có hoặc kết hợp cả hai.
Đối với nguồn tiền tự có, vào cuối quý 1/2019, PLX vẫn còn nắm giữ gần 16,027 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (gần như toàn bộ là tiền mặt và tiền gửi), chiếm gần 27% tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn.
Tuy vậy, dẫn lời Nguyên Chủ tịch PLX – ông Bùi Ngọc Bảo (theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ), kết quả kinh doanh quý 1 của Tập đoàn dù lãi nhưng do phải trích quỹ 500 tỷ đồng khiến cho doanh nghiệp gặp “rủi ro cực kỳ lớn”. Và theo đó, tình trạng bội chi quỹ liên tục và không thể có nguồn để hoàn lại các khoản vay làm cho ngân hàng có thể ngừng không cho vay.
Việc trích quỹ bình ổn giá có đang khiến PLX gặp "rủi ro".
|
Xét BCTC hợp nhất doanh nghiệp, tính đến hết quý 1/2019, PLX ghi nhận tổng lượng vay và nợ thuê tài chính là gần 13,870 tỷ đồng (90% là nợ ngắn hạn), bằng xấp xỉ 55% vốn chủ sở hữu, 23% tổng nguồn vốn và thấp hơn cả lượng tiền mặt, tiền gửi của Tập đoàn.
Tại thời điểm 31/03/2019, thêm một số khoản mục tại bảng cân đối có thay đổi so với đầu kỳ cần lưu ý là: Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng 18% lên gần 8,273 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng gần 12% lên xấp xỉ 11,516 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng 73% lên gần 15,020 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm khoảng 6.5% xuống còn 12,485 tỷ đồng.
FILI