Sắc đỏ ùa về chứng khoán châu Á, nhưng không còn giảm mạnh như đầu phiên
Sắc đỏ ùa về chứng khoán châu Á, nhưng không còn giảm mạnh như đầu phiên
Chứng khoán châu Á suy giảm vào sáng ngày thứ Tư (08/05) khi các nhà đầu tư suy ngẫm về diễn biến thương mại Mỹ-Trung – vốn đã đẩy chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong đêm qua.
Tính tới lúc 10h ngày thứ Tư (08/05 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục suy giảm, khi chỉ số Shanghai Composite lùi 8.78 điểm (tương đương 0.3%) sau khi giảm hơn 1.6% vào đầu phiên.
Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 163.61 điểm (tương đương 0.56%) sau khi giảm hơn 1% hồi đầu phiên.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 339.46 điểm (tương đương 1.55%) vào phiên sáng, trong đó các cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Fast Retailing, SoftBank Group và Fanuc đồng loạt lao dốc. Chỉ số Topix lùi 1.64%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 6.49 điểm (tương đương 0.3%), trong đó cổ phiếu Samsung Electronics giảm 1%.
Chỉ số ASX 200 của Australia hạ 27.2 điểm (tương đương 0.43%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Phố Wall tụt dốc
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Ba (07/05), sau khi một quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ xác nhận rằng việc nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối tuần này, qua đó khiến nhà đầu tư thất vọng vì họ hy vọng dòng tweet đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tuần trước chỉ là một chiến lược đàm phán.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 473.39 điểm (tương đương 1.79%) xuống 25,965.09 điểm sau khi sụt tới 648.77 điểm tại mức thấp nhất trong phiên. Đây là phiên sụt giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ ngày 03/01/2019. Chỉ số S&P 500 mất 1.65% còn 2,884.05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 1.96% xuống 7,963.76 điểm. Tất cả 30 cổ phiếu thành phần thuộc Dow Jones và 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ trong một làn sóng bán tháo.
Chỉ số biến động CBOE (VIX) – thước đo mức độ biến động ẩn 30 ngày của S&P 500 – chạm mức đỉnh mới 21.09 trong ngày thứ Ba (07/05), cao nhất kể từ ngày 22/01/2019.
Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ nâng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào ngày thứ Sáu tới (10/05).
Một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ loại bỏ 45 điểm cơ bản từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng từ 1.2% đến 1.5%, Keith Parker, một chiến lược gia tại UBS, cho hay.
Ông Lighthizer đã đưa ra nhận định của mình sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet rằng ông sẽ nâng mức thuế hiện tại từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu (10/05). Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác “ngay sau đó”.
Những dòng tweet của ông Trump đã khiến thị trường chao đảo hôm thứ Hai (06/05). Dow Jones sụt tới 471 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 2% ở một thời điểm. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã phục hồi để đóng cửa rút khỏi đáy trong phiên nhờ thông tin rằng một phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Washington để đàm phán và khi nhà đầu tư cược rằng dòng tweet của ông Trump chỉ là chiêu lừa.
Tuy nhiên, những nhận định của ông Lighthizer đã dập tắt những hy vọng đó. Làn sóng bán tháo tăng cao vào ngày thứ Ba sau khi Dow Jones phá vỡ mức thấp hôm thứ Hai (06/05).
Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, dự kiến sẽ tham gia cùng phái đoàn đàm phán tại Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, ông Lưu chỉ tham dự các cuộc đàm phán vào ngày thứ Năm và thứ Sáu (09-10/05). Ban đầu ông dự kiến sẽ tham dự các cuộc đàm phán từ thứ Tư (08/05) đến thứ Bảy (11/05).
Trong vài tháng gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều cho thấy rằng các cuộc đàm phán thương mại đang hướng tới một thỏa thuận giải quyết nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, nói với New York Times hồi tháng trước rằng các cuộc đàm phán đang ở “giai đoạn cuối cùng”.
FiLi