Sau làn sóng bán tháo 487 tỷ USD, nhà đầu tư không vội bắt đáy chứng khoán Trung Quốc
Sau làn sóng bán tháo 487 tỷ USD, nhà đầu tư không vội bắt đáy chứng khoán Trung Quốc
Nhà đầu tư chẳng hề vội vã bắt đáy chứng khoán Trung Quốc sau làn sóng bán tháo mạnh nhất trong hơn 3 năm, trong đó 487 tỷ USD vốn hóa bốc hơi.
Tính tới lúc 14h39 ngày thứ Ba (07/05 – giờ Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite tăng 0.8% sau khi mất 5.6% hôm thứ Hai (06/05). Đà giảm này đã thổi bay 487 tỷ USD vốn hóa khỏi thị trường Trung Quốc. Đó là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu (10/05) trong tuần này vì tiến độ đàm phán thương mại quá chậm. Sau đó, vào cuối ngày thứ Hai (06/05), nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ, Robert Lighthizer, đã xác nhận về kế hoạch nâng thuế.
Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã xóa bớt đà giảm và cổ phiếu ở Thượng Hải hồi phục đôi chút vào cuối phiên ngày thứ Ba (07/05) sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ viếng thăm Mỹ để tham gia đàm phán thương mại vào ngày 09-10/05/2019 theo lời mời của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Giá trị giao dịch trên sàn Thượng Hải thấp hơn mức trung bình 30 ngày khoảng 27% tại thời điểm này. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ bao gồm các cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu nằm trong số các lĩnh vực tăng mạnh nhất trong chỉ số CSI 300.
“Thị trường đang rung lắc tại thời điểm này”, Yu Yingbo, Giám đốc đầu tư tại Shenzhen Qianhai United Fortune Fund Management Co, cho hay. “Bất ổn vẫn còn quá nhiều. Ông Trump đã tận dụng một yếu tố mà chính quyền Trung Quốc khó mà kiểm soát”.
Nhóm cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc – vốn là đối tượng bị tác động mạnh vì cuộc chiến thương mại – tất nhiên bị giáng đòn nặng nề trong ngày thứ Hai (06/05). Tâm lý lạc quan về khả năng Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận thương mại đã giúp thị trường cổ phiếu Thượng Hải trở thành thị trường nóng nhất trên thế giới trong năm nay, nhưng mọi thứ đã thay đổi trong tuần này. Chỉ số Shanghai Composite không thể duy trì trên các ngưỡng hỗ trợ khi nhà đầu tư bắt đầu tháo gỡ các vị thế đặt cược vào khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng chậm chạp và Bắc Kinh định giảm bớt quy mô kích thích.
Các hãng truyền thông có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc dường như không đề cập tới cú đổ đèo của chứng khoán trong hôm thứ Hai (06/05). Một bài báo trên China Securities Journal – một trong những tờ nhật báo tài chính phổ biến nhất ở Trung Quốc – cho rằng thị trường con bò sẽ tiếp tục. Chỉ có duy nhất một tờ báo tiếng Trung Quốc nói về căng thẳng thương mại leo thang trên trang nhất.
Chỉ số Shanghai Composite dao động ở mức 2,929 điểm, thấp hơn mức tâm lý quan trọng 3,000 điểm – vốn đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ trong tháng trước. Hai cổ phiếu PetroChina Co. và Industrial & Commercial Bank of China Ltd. nằm trong số những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới chỉ số Shanghai Composite. Được biết, vào cuối phiên ngày thứ Hai (06/05), hai cổ phiếu này chứng kiến biến động mạnh và nhiều nhà đầu tư đoán rằng các quỹ quốc gia Trung Quốc đã nhảy vào để hỗ trợ cho thị trường.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises tiến 0.4% ở Hồng Kông, trong khi chỉ số Hang Seng cộng 0.6%. Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài có lúc giảm 0.38% xuống 6.7989 đổi 1 USD, trước khi xóa bớt đà giảm.
Xác suất Mỹ và Trung Quốc không tiến tới một thỏa thuận thương mại ít nhất là 30% tại thời điểm này, các chuyên viên phân tích Jefferies Financial Group Inc cho biết trong ngày thứ Hai (06/05). Điều nguy hiểm ở đây là cả hai bên đều tin rằng vị thế đàm phán của họ đều được cải thiện và có thể ít sẵn lòng thỏa hiệp hơn.
“Thị trường sẽ không đi theo một xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn”, Zhang Gang, Chiến lược gia tại Central China Securities ở Thượng Hải, cho hay. “Chắc chắn sẽ có vài sự biến động và đổi hướng trong thời gian tới, trước khi cả hai bên tiến tới một thỏa thuận mà mọi người đều muốn thấy. Thị trường có thể bị tác động trong ngắn hạn”.
FiLi