Tại sao chứng khoán Mỹ không giảm mạnh trong phiên 06/05 dù ông Trump đe dọa nâng thuế?
Tại sao chứng khoán Mỹ không giảm mạnh trong phiên 06/05 dù ông Trump đe dọa nâng thuế?
Lời đe dọa nâng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là một chiến thuật đàm phán và các chuyên viên phân tích cho rằng kết quả khả dĩ nhất vẫn là một thỏa thuận để tránh cuộc chiến thương mại toàn diện.
Sau làn sóng bán tháo đầu phiên ngày thứ Hai (06/05), chứng khoán Mỹ dần dần gượng dậy và phục hồi gần như toàn bộ những gì đã mất sau khi xuất hiện thông tin phái đoàn Trung Quốc vẫn sẽ tới Mỹ như kế hoạch lúc đầu.
Trong ngày Chủ nhật (05/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mức thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ nâng lên 25% vào ngày thứ Sáu tuần tới (10/05), mặc dù Mỹ liên tục ca ngợi những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại trong vài tuần gần đây.
Mức thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hiện đang áp ở mức 10%. Lúc đầu, ông Trump đã đe dọa nâng thuế đối với hàng rào thuế quan này vào đầu năm 2019, nhưng đã trì hoãn sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý đàm phán thương mại.
Bên cạnh đó, ông Trump dọa áp thuế bổ sung 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “trong thời gian ngắn”.
Các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn sẽ tới Washington để đàm phán thương mại trong tuần này và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng sẽ tham dự. Trên thực tế, trước khi thị trường khép phiên ngày thứ Hai (06/05), nhà đầu tư vẫn chưa rõ về việc ông Lưu có tham gia cuộc đàm phán tuần này hay không. Và các chuyên viên phân tích nhận thấy đây là một tín hiệu tích cực về các cuộc đàm phán.
Chứng khoán Mỹ ban đầu nhuốm sắc đỏ sau khi ông Trump tweet hôm Chủ nhật (05/05) rằng mức thuế 10% hiện tại đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên 25% vào ngày thứ Sáu (10/05). Trong đó, Dow Jones giảm hơn 470 điểm vào lúc khởi đầu phiên, nhưng sau đó xóa bớt đà giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones chỉ giảm 66.47 điểm xuống 26,438.48 điểm, chỉ số S&P 500 lùi 0.4% xuống 2,932.47 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.5% còn 8,123.29 điểm.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều giảm hơn 1% trước khi hồi phục trở lại. Phần lớn đà tăng 17% của S&P 500 trong năm nay đều xuất phát từ tâm lý lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại và sự quay ngoắt sang quan điểm “bồ câu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Phản ứng của thị trường âu cũng là hợp lý. Họ đang cố gắng hiểu chúng ta đang ở đâu trong các cuộc đàm phán. Liệu đây có phải là một bước lùi? Tôi không nghĩ vậy. Đây chỉ là làm bộ thôi”, Patrick Palfrey, Chiến lược gia cổ phiếu Mỹ cấp cao tại Credit Suisse, nhận định. “Xét cho cùng, ông Trump cũng muốn đảm bảo Mỹ có được thỏa thuận tốt nhất có thể và ông muốn đảm bảo ông có thể thực hiện điều đó”.
Các chuyên viên phân tích cho rằng việc tiến tới thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó nền kinh tế Trung Quốc chỉ mới bắt đầu ổn định sau khi tung ra nhiều gói kích thích tài khóa và tiền tệ. Nền kinh tế Mỹ cũng cho thấy những tín hiệu phục hồi trong thời gian gần đây và báo cáo việc làm cực mạnh trong tháng 4/2019 củng cố cho quan điểm nền kinh tế vẫn chưa gần suy thoái như nhiều nhà đầu tư tin tưởng trước đó.
“Chiến thuật đàm phán của Tổng thống Mỹ có thể là bất thương, nhưng khả năng tiến tới một thỏa thuận vẫn cao hơn là không có gì”, Tobias Levkovich, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Citigroup, cho hay. Levkovich cho biết đàm phán lần này không giống với quá trình gập ghềnh trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Mexico và Canada – vốn đã kết thúc với một thỏa thuận nhưng vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Cũng như các chuyên gia khác, Levkovich cũng đề cập tới chuyện thị trường chứng khoán Mỹ đang gần mức đỉnh cao nhất mọi thời đại và đây không phải là tin xấu đối với Tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã nhiều lần lấy thị trường chứng khoán như một trong những cách ghi điểm ưa thích trong chính sách điều hành của ông, vì vậy một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ bớt đưa ra những nhận định như thế nếu thị trường đang tụt dốc không phanh.
“Khi S&P 500 gần mức cao nhất mọi thời đại, nhưng dường như đây là một cơ hội để ông tung ra lời đe dọa trước khi bước vào các cuộc đàm phán”, ông Levkovich lưu ý.
Dan Clifton, Trưởng bộ phận chiến lược chính sách tại Strategas Research, cho biết ông Trump đang sử dụng lời đe dọa nâng thuế để đẩy nhanh tiến tình tiến tới một thỏa thuận trong tuần này. “Nếu chiến thuật trên thành công thì có thể hai bên sẽ tiến tới thỏa thuận trong ngắn hạn và tình trạng biến động hiện nay mang lại cơ hội cho nhà đầu tư”, ông lưu ý. Clifton nói thêm, sẽ khó mà triển khai nâng thuế ngay lập tức và việc mở rộng danh sách áp thuế sẽ cần nhiều tháng để triển khai.
Các chuyên gia phân tích tại Barclays cho rằng động thái kế tiếp là từ Trung Quốc. “Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào cách phản ứng của Trung Quốc”, họ viết, đồng thời lưu ý là vẫn chưa rõ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Mỹ vào ngày 08/05/2019 theo như lịch trình trước đó hay không.
“Việc vắng mặt ông Lưu ở Washington sẽ làm gia tăng rủi ro Mỹ nâng thuế vào ngày thứ Sáu (10/05), nhưng cũng có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ - qua đó ngăn chặn việc nâng thuế”, các chuyên gia kinh tế tại Barclays viết.
FiLi