Tại sao Trung Quốc dọa rút khỏi bàn đàm phán với Mỹ?
Tại sao Trung Quốc dọa rút khỏi bàn đàm phán với Mỹ?
Tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung phản ánh sự đổ vỡ về niềm tin và bất đồng ngày càng sâu sắc mà khó có thể giải quyết nhanh chóng.
Nằm ở trung tâm của cuộc xung đột là tình trạng bế tắc trước đó về cách thức và thời điểm gỡ bỏ các hàng rào thuế quan của Mỹ - vốn là yếu tố thôi thúc Bắc Kinh dọa từ bỏ các cuộc đàm phán, dựa trên nguồn tin thân cận.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng giữ bình yên kể từ khi vòng đàm phán mới nhất kết thúc vào ngày thứ Sáu (10/05) và cho biết họ dự định tiếp tục đàm phán với hy vọng ngăn chặn đà tụt dốc trên thị trường và những thiệt hại kinh tế trên diện rộng.
Thế nhưng, đằng sau sự bình tĩnh đó là sự chia rẽ sâu sắc về những yếu tố cơ bản, trong đó các quan chức Mỹ ngày càng tin rằng những quan chức với quan điểm cứng rắn ở Bắc Kinh đang giành chiến thắng trong các cuộc bàn luận nội bộ về cải cách.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên các cuộc đàm phán, cho rằng Mỹ đang ở “đúng nơi mà chúng ta muốn đến”. Trong khi đó, hãng truyền thông Nhà nước Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ đã gây ra tình trạng bế tắc hiện tại và đề cao sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tờ People’s Daily cho biết trong một bài bình luận ở trang nhất rằng Mỹ nên chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những bước lùi trong các cuộc đàm phán vì họ đã không giữ đúng lời và áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Những bất ổn hiện tại có thể khiến thị trường tài chính thêm phần biến động. Chứng khoán châu Á suy giảm cùng nhịp với các hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ và châu Âu, đồng Nhân dân tệ và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Diễn biến mới nhất đã khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang – đây có vẻ như ngày càng giống với kịch bản tồi tệ nhất dành cho nền kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác. Trước đó, các tổ chức đã dự báo trong năm nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong ngày thứ Hai (13/05), các quan chức Mỹ dự kiến công bố kế hoạch chi tiết cho kế hoạch áp thuế 25% lên toàn bộ những mặt hàng còn lại chưa bị áp hàng rào thuế quan của Trung Quốc – với tổng giá trị khoảng 300 tỷ USD. Bắc Kinh vẫn đang tạo ra các biện pháp đáp trả trước động thái nâng thuế từ 10% lên 25% đối với hơn 5,700 mặt hàng với tổng trị giá khoảng 200 tỷ USD mỗi năm.
Trong ngày Chủ nhật (12/05), Larry Kudlow – Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump – cho rằng hai bên vẫn chưa lên kế hoạch đàm phán bổ sung, mặc dù ông nâng khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Kudlow hạ thấp tác động về kinh tế từ việc leo thang thuế quan của Mỹ và Trung Quốc, đồng thời thừa nhận rằng các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã đúng khi không đồng tình với quan điểm của ông Trump rằng Trung Quốc đang trả giá cho các hàng rào thuế quan.
Đánh mất một lượng việc làm ở Mỹ và những tác động tới tăng trưởng là một cái giá hợp lý cho việc điều chỉnh lại “hàng thập kỷ” của những hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, nhất là vì nền kinh tế Mỹ đang mạnh, ông Kudlow cho biết.
Động thái áp thuế bổ sung lên toàn bộ hàng hóa còn lại từ Trung Quốc sẽ cần phải mất vài tháng để thực hiện, ông Kudlow nói. Thế nhưng, hàng rào thuế quan vẫn là một phần trong nỗ lực thôi thúc Trung Quốc chấm dứt hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh tế khác chứ không phải là một công cụ kinh tế trong dài hạn, ông nhận định.
“Đây là một cuộc đàm phán và một phần của đàm phán là thực hiện hành động”, ông nói.
Dạo gần đây, xuất hiện một số tín hiệu cho thấy việc ưu ái sử dụng hàng rào thuế quan của ông Trump có thể gây tác dụng ngược.
Dựa trên nguồn thông tin thân cận, khi cả hai bên hướng tới một thỏa thuận – lúc đầu họ hy vọng sẽ chốt trong tuần trước, họ bỗng dưng rơi vào trạng thái bế tắc trong vài tuần gần đây vì một câu hỏi: Liệu Mỹ có chấp nhận gỡ bỏ hàng rào thuế quan để đổi lấy những động thái “chiều lòng” Mỹ của Trung Quốc hay không? Khi Mỹ khăng khăng muốn giữ hàng rào thuế quan, phía Trung Quốc đe dọa sẽ hủy bỏ các cuộc đàm phán, dựa trên nguồn thông tin thân cận.
Diễn biến trên xảy ra sau động thái rút lại các cam kết về luật đã nhất trí trước đó của Trung Quốc. Động thái rút lại cam kết đã khiến ông Trump nổi giận và ra lệnh nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong cuộc đàm phán trong tuần trước giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, họ tập trung vào những cam kết đã bị thay đổi đó, nhưng lại không mấy tiến triển, dựa trên nguồn tin thân cận.
Mất lòng tin
Cả hai bên đều mô tả các cuộc đàm phán là khá hiệu quả nhằm giữ trạng thái bình yên trên thị trường và ngăn chặn những hậu quả về kinh tế nói chung và tác động tới những thứ như đầu tư kinh doanh và tâm lý doanh nghiệp. Trớ trêu thay, những nỗ lực đó có thể làm giảm khả năng tiến tới một thỏa thuận và kéo dài cuộc chiến thuế quan, dựa trên nguồn tin thân cận. Đó là vì cả hai bên đều cảm thấy ít áp lực để tiến tới thỏa thuận khi mà cả nền kinh tế và thị trường của họ đều đang vững chắc.
Những người thân cận với các cuộc đàm phán cho biết việc tìm kiếm sự đồng thuận có thể ngày càng khó khăn khi những người có quan điểm cứng rắn ở cả hai bên đều xem bước lùi mới nhất trong các cuộc đàm phán là bằng chứng cho thấy họ không thể tin tưởng được bên còn lại.
Sau khi lịch sự đưa ra những nhận định về các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” trong ngày thứ Sáu (10/05), căng thẳng lại dâng cao vào cuối tuần trước.
Hôm thứ Bảy (11/05), ông Trump lại gây áp lực lên Trung Quốc. Tổng thống Trump cho biết sẽ là khôn ngoan khi Trung Quốc “hành động ngay lúc này” để hoàn tất thỏa thuận thương mại với Mỹ, vì nếu họ kéo dài thời gian tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ông Trump dự báo Mỹ sẽ đề xuất những điều khoản “tồi tệ hơn rất nhiều”.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Tôi nghĩ Trung Quốc cảm thấy họ bị ‘tẩn’ nhừ tử trong những cuộc đàm phán gần đây đến nỗi họ muốn chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống kế tiếp năm 2020 để xem liệu họ có may mắn và có một người thuộc Đảng Dân chủ đắc cử hay không. Trong trường hợp đó, họ sẽ tiếp tục lợi dụng nước Mỹ để thu về 500 tỷ USD/năm…
…Vấn đề duy nhất là họ biết tôi sẽ giành chiến thắng (nền kinh tế và những con số việc làm tuyệt nhất trong lịch sử, và còn nhiều hơn thế nữa) và thỏa thuận sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu họ phải đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Sẽ là khôn ngoan khi họ hành động ngay lúc này, nhưng tôi cũng thích thu khoản THUẾ LỚN!”.
Trong hàng loạt ấn phẩm được công bố vào cuối tuần trước, các hãng truyền thông Trung Quốc phản pháo rằng Mỹ đang kích động cuộc chiến thương mại – một cuộc chiến sẽ gây tổn thương tới người dân Mỹ nhiều hơn là người dân Trung Quốc.
“Nếu Mỹ muốn chơi trò kinh dị kiểu như tàu lượn siêu tốc thì họ sẽ gánh chịu hậu quả thôi”, tờ Global Times cho biết.
Quan điểm cứng rắn của ông Trump về Trung Quốc được các chính trị gia ở Washington hoan nghênh nhiệt tình. Thế nhưng, mối lo ngại về những tác động của cuộc chiến thương mại tới nền kinh tế Mỹ cũng ngày càng gia tăng.
“Chúng ta xung đột thuế quan hoặc chiến tranh thương mại càng lâu thì khả năng bước vào suy thoái cũng ngày càng cao”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rand Paul cho biết trên chương trình “This Week” trong ngày Chủ nhật (12/05).
FiLi