Tản mạn mùa Đại hội: Thứ “quyền lực trên giấy” của cổ đông nhỏ lẻ [Phần 2]
Tản mạn mùa Đại hội: Thứ “quyền lực trên giấy” của cổ đông nhỏ lẻ [Phần 2]
Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam ngày càng lớn khi so sánh với GDP, giá trị giao dịch mỗi ngày được tạo nên chủ yếu bởi những cá nhân đầu tư nhỏ lẻ. Thoạt nghe thì tưởng rằng quyền lực của cái giới cổ đông nhỏ này hẳn phải đang tăng lên từng ngày, thế nhưng thực tế lại không được như vậy.
Đây là bài viết theo quan điểm riêng của tác giả, nhân cái cơ may được tham dự kha khá cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên mùa này. Với những dòng tản mạn sau đây, hy vọng quý vị độc giả, quý vị cổ đông sẽ có được một góc nhìn lạ hơn về thị trường chứng khoán, hay có lẽ là thấy cả mình trong đó!
Làn sương mù của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay gần 20 năm phát triển, dù vậy không thể phủ nhận rằng làn sương mù bao quanh nó đến nay vẫn còn khá dày. Đại bộ phận người dân vẫn còn ú ớ về thị trường chứng khoán khi được hỏi. Nhưng điều gây chú ý hơn thế chính là cái thị trường này dường như vẫn là “vùng đất bí ẩn” ngay cả với không ít những người điều hành các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết.
Tại một Đại hội, người viết có dịp trò chuyện cùng vị tổng giám đốc của một doanh nghiệp đã lên sàn gần 10 năm, nhưng dường như thật khó để giải thích cho vị này một câu hỏi về cổ phiếu (không phải về việc kinh doanh của doanh nghiệp). Đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề thanh khoản cùng định giá của cổ phiếu, sau một hồi diễn giải (người viết thấy đôi lông mày của vị tổng giám đốc nọ giãn ra bèn chắc mẩm vị này đã hiểu), câu trả lời nhận được lại liên quan đến một vấn đề khác về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nói đi cũng phải nói lại, một ban lãnh đạo chỉ quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt hơn rất nhiều so với một ban lãnh đạo chỉ chăm chăm vào giá cổ phiếu. Tuy vậy, việc quá vô tâm đối với thị trường chứng khoán cũng có thể vô tình (nếu có) bỏ lỡ những cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
Câu chuyện này lại làm người viết liên tưởng đến một mâu thuẫn cố hữu tại thị trường chứng khoán Việt Nam: Người điều hành doanh nghiệp không hiểu về cổ phiếu công ty, còn không ít “cổ đông” thì lại chẳng biết gì về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Những nhà đầu tư kiệm lời…
Đại hội thường niên gần như là cơ hội duy nhất trong năm mà cổ đông có thể trực tiếp chất vấn những người thay mình quản lý tài sản. Tuy vậy, dường như cổ đông Việt Nam lại không mấy mặn mà với cơ hội mỗi năm một lần này.
Thực tế có hai nguyên do mà chủ quan người viết quan sát được. Thứ nhất là bản tính ngại nói trước đám đông của người Việt. Lưu ý một chút, tại các cuộc họp thường niên khi phần thảo luận là đứng lên đặt câu hỏi trực tiếp thì những lượt trao đổi sẽ rất thưa thớt, tuy nhiên nếu sau đó được mời viết những thắc mắc ra giấy thì rất thường xuyên việc trả lời những câu hỏi luôn vượt quá thời lượng thảo luận của Đại hội.
Nguyên do thứ hai thì đáng ngẫm hơn, đó là việc nhiều cổ đông tham dự đại hội dường như không có đủ hiểu biết về việc kinh doanh của doanh nghiệp mà họ sở hữu. Thật khó để người nào đó đặt câu hỏi về một chủ đề mà họ không biết.
Tại không ít đại hội, thậm chí ban lãnh đạo doanh nghiệp phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mà vẫn không có ai đặt câu hỏi. Khi ấy những người điều hành doanh nghiệp cuối cùng phải tự bộc bạch, tự đặt câu hỏi thay cho những “người chủ” của mình. Thật đúng là không gì khó bằng “đi làm thuê”!
Đương nhiên vẫn có số ít cổ đông tranh luận tại một vài đại hội, nhưng có lẽ họ không mong sẽ thay đổi được điều gì đáng kể khi nhận lại được sự thờ ơ từ không chỉ Ban điều hành mà còn từ chính những cổ đông cá nhân khác.
Những đại hội hiu hắt…
Mùa họp thường niên nóng sốt dưới cái nắng của mùa hè, dù vậy có chẳng ít những đại hội mà không khí vẫn “lạnh lẽo”, song không phải vì luồng hơi từ máy lạnh mà lại vì thiếu đi bóng dáng cổ đông. Tại nhiều cuộc họp mỗi năm một lần này, cổ đông thậm chí còn ít hơn cả nhân viên công ty.
Dường như người ta chỉ biết mình là người sở hữu của cổ phiếu chứ không hề ý thức rằng họ cũng chính là chủ một doanh nghiệp. Đối với người chủ thì việc quan tâm đến công ty là lẽ thường tình; còn đối với những người sở hữu chứng khoán thì thị giá cổ phiếu cứ lên là đủ, chỉ cần biết thế!
Những bước phát triển của doanh nghiệp, những động thái của các vị sếp điều hành tuy vẫn thường là những câu chuyện hay, những lời tán gẫu uyên bác bên tách cà phê hay ly bia, còn lại thì có vẻ không mang nhiều ý nghĩa. Đối với những “cổ đông” này, họ thảo luận về một công ty tại bàn nhậu hẳn còn nhiệt tình hơn là tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
… đến thứ “quyền lực trên giấy” của cổ đông Việt
Năm 2018, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt đã tương đương hơn 70% GDP, doanh nghiệp cổ phần niêm yết ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Trên thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch cổ phiếu thì được tạo nên chủ yếu bởi hoạt động của các nhà đầu tư cá nhân. Thoạt nghe thì dễ liên tưởng đến việc quyền lực của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ này đang ngày càng lớn mạnh. Nhưng không, điều nghịch lý là dường như thứ quyền lực đó chỉ mang ý nghĩa lý thuyết.
Tại không ít đại hội, ý kiến của nhiều cổ đông cá nhân không được xem xét, nhiều câu hỏi của cổ đông bị ngó lơ. Ban lãnh đạo không những lựa lời giải đáp các thắc mắc, mà còn chọn lọc cả câu nào họ muốn trả lời và câu nào thì không. Và đương nhiên hẳn cổ đông nào cũng từng nghe một câu nói quen thuộc: “Chúng tôi sẽ trả lời sau bằng văn bản.”
Nhưng thực tế, nguyên do của tình trạng “quyền lực giấy” này một phần không nhỏ lại đến từ chính sự thờ ơ của các cổ đông. Khi họ kiệm lời trong việc đóng góp ý kiến thảo luận, định hướng quá nhiều vào thị trường chứng khoán mà quên mất mình cũng là chủ doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với một thị trường chứng khoán mà người tham gia phần lớn là những cá nhân (chứ không phải tổ chức) như tại Việt Nam.
Vậy là vô hình trung, những người chủ về mặt pháp lý đã nhường lại hết quyền lực của mình cho những người làm thuê - những vị giám đốc điều hành doanh nghiệp.
* Tản mạn mùa đại hội: Khoảng cách thế hệ trong đầu tư và thú chơi chim [Phần 1]
FILI