Tân Thuận - IPC bị Tề Trí Dũng lũng đoạn thế nào

16/05/2019 16:53
16-05-2019 16:53:58+07:00

Tân Thuận - IPC bị Tề Trí Dũng lũng đoạn thế nào

Từ doanh nghiệp được ví như "gà đẻ trứng vàng" cho TP HCM, IPC dính nhiều sai phạm gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) bị Công an TP HCM bắt giam tối 14/5 về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Việc khám xét căn biệt thự của gia đình bị can trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) cũng được thực hiện trong đêm. Động thái này được đưa ra sau gần một năm IPC lộ hàng loạt sai phạm gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách TP HCM.

Từng tham gia chương trình đào tạo 300 thạc sĩ – tiến sĩ của TP HCM, ông Dũng về công tác tại Công ty Dầu khí thành phố, Tổng công ty Bến Thành (giữ chức Tổng giám đốc). Từ tháng 5/2015, ông này được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc IPC khi mới 34 tuổi.

Lúc này Tân Thuận - IPC đang là doanh nghiệp đầu đàn của TP HCM trong việc nghiên cứu, phát triển và mời gọi hợp tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp và Đô thị. Doanh nghiệp này cũng được xem là "gà đẻ trứng vàng" của UBND TP HCM với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Ông Tề Trí Dũng phát biểu tại một cuộc họp vào năm 2017. Ảnh: Hữu Khoa

Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Tân Thuận hoạt động trên cơ sở ban đầu là Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận. Đến tháng 9/1993, IPC được thành lập theo quyết định 183 của UBND TP HCM và chuyển sang mô hình "công ty mẹ - công ty con" từ năm 2004. Từ năm 2010, IPC được phép chuyển thành Công ty TNHH MTV - doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố sở hữu 100% vốn điều lệ. Sau 5 lần đăng ký thay đổi, vốn điều lệ của IPC vào năm 2015 là hơn 2.900 tỷ đồng.

IPC có 9 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Tân Thuận (TTC), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH), Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), Công ty Cổ phần Long Hậu (LHC), Công ty Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hiệp Tân (HTC), Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) và Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung.

Công ty của UBND TP HCM thành lập Khu Chế xuất Tân Thuận với quy mô 300 ha - là khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị liên kết nước ngoài xây dựng khu đô thị "nhà giàu" Phú Mỹ Hưng (quận 7)... Với những kết quả đạt được, IPC được định danh là doanh nghiệp nòng cốt của thành phố.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của ông Tề Trí Dũng, chỉ trong hai năm IPC có hàng loạt sai phạm như: xem thường kỷ cương, kỷ luật, có dấu hiệu lợi ích nhóm; lũng đoạn tài sản nhà nước thông qua chuyển nhượng dự án, "phù phép" tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược... khiến ngân sách thành phố bị mất hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, Dũng có nhiều "động tác" giúp Công ty Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco với 54% cổ phần, IPC chỉ còn 28,8%. Thanh tra TP HCM xác định IPC thực hiện việc này theo văn bản số 495 ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.

Trụ sở Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) ở quận 7. Ảnh: Vũ Mai

Theo kết luận của Thanh tra TP HCM, tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty Exim với giá 26.100 đồng mỗi cổ phiếu. Việc này làm giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 75% xuống 44%.

Tháng 9/2016, Exim bán toàn bộ cổ phiếu trên cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 mỗi cổ phiếu. Cuối năm đó, Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và cam kết cùng phát triển 2 dự án tại 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) và Khu dân cư Rạch Chiếc trên đường Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức). Sadeco sau đó ra nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược, và được nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đồng ý.

Tháng 1/2017, Sadeco và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp, xác định mỗi cổ phiếu là hơn 36.500 đồng. Đến tháng 6/2017, khi chưa trình UBND thành phố chủ trương tăng vốn góp, Sadeco đã phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng mỗi cổ phiếu. Hành vi này của Sadeco được cho gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng ngân sách Nhà nước - căn cứ từ việc Công ty Exim bán cổ phần cho Nguyễn Kim hồi tháng 9/2016 (57.000 đồng). "Sang đầu năm 2017 nhà đất khu Nam Sài Gòn ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên thiệt hại trên thực tế là rất lớn", cơ quan thanh tra nhận định.

Sau khi thành phố đã thanh kiểm tra, tháng 8/2018, Hội đồng quản trị Công ty Sadeco tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua việc thu hồi cổ phần đã phát hành cho Công ty Nguyễn Kim. Động thái này của IPC và Sadeco bị Thanh tra thành phố cho là "xem thường kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra...". Vì vậy, tháng 10/2018 UBND TP HCM đã đình chỉ công tác đối với Dũng.

Công ty Sadeco tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Với "kịch bản" tương tự, IPC cũng phát hành cổ phiếu chiến lược tại Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước (công ty con) đang có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, IPC nắm hơn 60%. Theo kế hoạch, Hiệp Phước bán 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn gấp đôi. IPC thuê Công ty MHD thẩm định giá là 15.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Tháng 10/2016, Hiệp Phước chào bán số cổ phiếu phát hành, dành riêng cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Tuấn Lộc 20 triệu cổ phiếu, số còn lại bán cho các cổ đông hiện hữu. Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của IPC tại Hiệp Phước chỉ còn 40,5%.

Theo Thanh tra thành phố, mỗi cổ phiếu của Hiệp Phước được định giá 15.000 đồng là thấp hơn giá trị sổ sách, chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực tế tài sản, tiềm năng phát triển của công ty; không đảm bảo lợi ích cho công ty cũng như các cổ đông hiện hữu; gây thiệt hại cho ngân sách.

IPC chọn Tuấn Lộc làm nhà đầu tư chiến lược là không đúng tiêu chí do đại hội cổ đông thông qua. Phương án phát hành cổ phiếu bán cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ cho Hiệp Phước không đảm bảo hiệu quả.

Tề Trí Dũng còn có hành vi bất thường khi chỉ đạo Công ty Tân Thuận vay ngân hàng 400 tỷ đồng trong hai năm 2016-2017 để nộp lợi nhuận vào ngân sách, dù lúc này IPC kinh doanh có lợi nhuận. Hậu quả làm phát sinh khoản lãi phải trả là hơn 8 tỷ đồng. Giải trình vấn đề này, IPC cho rằng vay tiền là để "tạo quan hệ tài chính với ngân hàng".

Ngoài ra, năm 2016-2017, IPC tổ chức cho lãnh đạo công ty đi nước ngoài khi chưa được UBND thành phố cho phép; một số trường hợp đi nước ngoài vượt thời gian được cử đi, trong đó riêng ông Dũng trong 2 năm đi nước ngoài 9 lần, tổng cộng 106 ngày...

Bà Hồ Thị Thanh Phúc (trái) và Tề Trí Dũng hồi năm 2017. Ảnh: Sadeco

Thanh tra thành phố cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác tại IPC như: chỉ sử dụng một phần tòa nhà, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng (tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây là hơn 295 tỷ đồng)...

Với một loạt sai phạm nghiêm trọng, ngoài Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco) cũng bị bắt tạm giam.

Quá trình thanh tra toàn diện doanh nghiệp, Thanh tra thành phố còn phát hiện  sai phạm khác của IPC trong việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu ở giai đoạn trước năm 2006. Công an TP HCM đã vào cuộc điều tra.

Năm 2002, IPC được tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư này. Toàn bộ diện tích tái định cư được duyệt là hơn 60.000 m2, trong đó tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án Khu công nghiệp Long Hậu (do Công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư) và Khu dân cư Long Hậu.

Năm 2006, IPC ký hợp đồng hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh với nội dung Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí đầu tư ban đầu vào dự án. Đổi lại, Hồng Lĩnh tiếp tục thực hiện dự án và toàn quyền khai thác kinh doanh, và IPC được mua lại nền tái định cư với giá 630.000 đồng mỗi m2 cho toàn bộ hơn 60.000 m2 trên.

Thanh tra thành phố xác định, việc hợp tác trên thực chất là chuyển nhượng dự án trái quy định. Hồng Lĩnh chưa giao đủ đất tái định cư cho IPC, chưa hoàn thiện hạ tầng, và bán ra thị trường nhiều nền đất thương mại giá từ 700.000 đồng đến 4,5 triệu đồng mỗi m2.

Việc hợp tác này cũng không đảm bảo quyền lợi cho IPC: IPC là chủ đầu tư dự án lại phải mua nền từ Hồng Lĩnh để thực hiện tái định cư; đơn giá IPC bán tái định cư thấp hơn đơn giá mua của Hồng Lĩnh (mua 630.000 đồng/m2, bán với giá chỉ từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2)...

Công ty Long Hậu là pháp nhân độc lập, lẽ ra IPC phải bán đất theo giá thị trường. IPC thiếu trách nhiệm quản lý, kiểm soát để Long Hậu và Hồng Lĩnh chiếm dụng vốn thời gian dài, dẫn đến thiệt hại cho IPC. 

Trung Sơn

VNEXPRESS





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Doanh số tiêu thụ khả quan, lãi ròng của FMC tăng 14% trong quý 1

Trên BCTC hợp nhất quý 1/2024, sản lượng tiêu thụ của CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HOSE: FMC) ghi nhận hơn 4,607 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó thu...

Tổng Giám đốc Jens Lottner: Đón đầu phân khúc giàu có, Techcombank sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản

Sáng 20/04, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi...

Đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát, LPBank lãi quý 1/2024 hơn 2,886 tỷ đồng, tăng 84%

Theo BCTC quý 1/2024 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) lãi trước thuế hơn 2,886 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng...

ĐHĐCĐ Nam Long: Chỉ bán cái thị trường cần trong năm 2024

Lãnh đạo Nam Long xác định thị trường 2024 sẽ là thị trường sản phẩm, Công ty chỉ bán cái thị trường cần. Tuy nhiên, Công ty sẽ vẫn đối mặt với những khó khăn chung...

Lợi nhuận TDM quý 1 xuống mức thấp nhất 10 quý do hụt thu cổ tức 

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HOSE: TDM) ảm đạm với lãi sau thuế thấp nhất 10 quý trở lại đây, do trong kỳ không còn khoản cổ...

Comeco báo lãi quý 1 gấp 9 lần cùng kỳ, nắm 9 mã cổ phiếu

Theo BCTC quý 1/2024, CTCP Vật tư Xăng Dầu (Comeco, HOSE: COM) báo lãi hơn 3.7 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.

ĐHĐCĐ PXL: KCN Dầu khí Long Sơn vẫn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý

Chiều 19/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Long Sơn PIC, UPCoM: PXL) thông qua kế hoạch lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng, gấp...

DRC vượt kế hoạch lợi nhuận quý 1/2024

CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) công bố BCTC quý 1/2024 với lãi ròng tăng trưởng đến 94%, vượt 6% kế hoạch đề ra, nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm so với cùng...

BVBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2024 gấp gần 3 lần, tăng vốn lên 6,408 tỷ đồng

Ngày 19/04/2024, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, UPCoM: BVB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, tăng vốn và tiếp tục kế hoạch...

HDG đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%, đang nghiên cứu dự án tại hai tỉnh ven biển

Ngày 27/04/2024 tới, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 cũng như phương án phân phối lợi nhuận 2023.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98