Tháng 4/2020 có thể khởi công các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía đông
Tháng 4/2020 có thể khởi công các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía đông
Trường hợp quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải xử lý và có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan thì có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020.
Dự kiến của Bộ Giao thông vận tải là sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án thành phần dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông khoảng đầu tháng 10/2019.
|
Dự báo trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đưa ra tại báo cáo mới được gửi đến Quốc hội.
Theo nghị quyết của Quốc hội, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách). Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Theo báo cáo, kể từ thời điểm Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (tháng 11/2017) sau 11 tháng Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện toàn bộ các thủ tục theo quy định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần.
Đối chiếu với trình tự, thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật đối với dự án quan trọng quốc gia và thời gian thực hiện một số dự án tương tự thì thời gian tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã được rút ngắn khoảng 3-5 tháng.
Về thiết kế kỹ thuật, dự toán, Bộ trưởng Thể cho biết, đối với 3 dự án đầu tư công, sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 5 và tháng 6/2019. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc thù nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến hoàn thành phê duyệt tháng 11/2019.
Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến đến cuối tháng 9/2019 sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán toàn bộ 8 dự án thành phần.
Về giải phóng mặt bằng, tiến độ nêu tại báo cáo là đến nay, hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn bộ 11 dự án thành phần đã hoàn thành, chủ đầu tư đã tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng tại hiện trường được khoảng 93% và bàn giao được khoảng 88% cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương.
Dự kiến, trong tháng 5/2019 sẽ cơ bản bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến lựa chọn nhà thầu, Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo của các chủ đầu tư (bên mời thầu), đến hết ngày 16/5/2019 đã bán được 81 bộ hồ sơ mời sơ tuyển/34 nhà đầu tư trong nước và quốc tế (trong nước 24 nhà đầu tư, Trung Quốc 6 nhà đầu tư, Nhật bản 2 nhà đầu tư, Hàn Quốc 1 nhà đầu tư, Pháp 1 nhà đầu tư).
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP khoảng đầu tháng 9/2019.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bước sơ tuyển sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư có điểm xếp hạng cao nhất vào vòng đấu thầu.
Dự kiến của Bộ là sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án thành phần khoảng đầu tháng 10/2019. Đăng tải thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 10/2019.
Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thời điểm đóng thầu khoảng tháng 01/2020. Bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ mời thầu trong vòng 30 ngày. Bộ sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 3/2019. Đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng khoảng tháng 4/2020.
Như vậy, trường hợp quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải làm rõ, xử lý và có sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành liên quan thì có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020, Bộ trưởng Thể tính toán.
Hà Vũ