'Thay áo mới' cho trung tâm TP.HCM
'Thay áo mới' cho trung tâm TP.HCM
Thông tin TP.HCM ra quyết định đầu tư chỉnh trang tuyến đường Lê Lợi, kết nối cùng đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ tại khu vực trung tâm khiến người dân quanh đây vô cùng phấn khởi.
|
Tại khu vực trung tâm (Q.1, TP.HCM), sau thời gian dài “đóng băng” để phục vụ thi công tuyến metro số 1, đường Lê Lợi sẽ được hồi sinh, cùng với trục đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ kết hợp mua sắm, thương mại sầm uất.
Kết nối đường Lê Lợi vào không gian đi bộ
|
Theo đó, sau khi thực hiện chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Huệ, thời gian tới TP sẽ triển khai tiếp tục trục Lê Lợi và các tuyến xung quanh như đường Pasteur, Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi. Ngoài ra, tuyến metro số 1 đang chuẩn bị bàn giao mặt bằng tại tuyến đường Lê Lợi, nên việc triển khai nghiên cứu thiết kế và đầu tư lại toàn bộ cảnh quan dọc tuyến Lê Lợi là hết sức cần thiết và cấp bách.
Công tác triển khai thực hiện qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn chỉnh không gian công viên phía trước, phía sau Nhà hát TP và không gian khu vực giao lộ giữa Lê Lợi - Nguyễn Huệ, kết hợp các yếu tố cảnh quan nước, mảng xanh, không gian tượng đài Bác, tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan. Ngay tại điểm giao giữa đường Lê Lợi với Nguyễn Huệ, các nhà quy hoạch đề xuất TP xem xét sử dụng hình thức hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật, kết hợp đài phun nước để vừa giải quyết yêu cầu điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian (tĩnh và động, chính trị, văn hóa và thương mại du lịch…), cải thiện môi trường vi khí hậu cũng như các yêu cầu về không gian khác.
Công viên phía trước Nhà hát TP cũng được chỉnh trang bổ sung tiện ích đường phố nhằm tăng tính tiện dụng cho công cộng, kết nối nhà ga metro và thuận tiện cho người dân đến tham quan cũng như tham gia các hoạt động văn hóa ngoài trời phía trước công trình Nhà hát TP. Phía sau nhà hát lập phố buôn bán quá cảnh.
Khu trung tâm thành phố sẽ được chỉnh trang thành một diện mạo mới Ảnh: Ngọc Dương
|
“Cùng với tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên trước Nhà hát TP và đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ đóng góp thêm các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân TP”, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận định.
Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu thi công vào năm 2019 với việc hoàn chỉnh định hướng chung cho thiết kế cảnh quan và không gian khu vực trung tâm. Đến năm 2020, dự án sẽ tiếp tục mở rộng và hoàn thiện khả năng kết nối không gian công cộng cho toàn bộ trục đường Lê Lợi đến quảng trường trước khu vực chợ Bến Thành.
Hồi sinh “thiên đường mua sắm”
|
Trong bối cảnh đó, thông tin TP.HCM ra quyết định đầu tư chỉnh trang tuyến đường Lê Lợi, kết nối cùng đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ tại khu vực trung tâm khiến người dân quanh đây vô cùng phấn khởi. Thực tế, công tác này đã được triển khai từ tháng 3 với việc rào chắn đường Nguyễn Huệ nhằm thi công hạng mục xây đài phun nước tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Công trình dự kiến hoàn thành trong quý 2/2019.
Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS VN, nhận định: Thời gian qua, tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ hình thành đã đem lại giá trị lớn về không gian đi bộ, không gian cộng đồng cho TP. Tuy nhiên tuyến đường này mới chỉ giải quyết vấn đề đi bộ, không có sự kết nối, liên kết, đặc biệt là chưa giải quyết được giao đoạn giao điểm với trục đường Lê Lợi - vốn đã được xác định là không gian đi bộ kết hợp các nhà ga tuyến metro, hình thành trục dịch vụ thương mại lớn từ quy hoạch trước đây. Vì thế, việc chỉnh trang đồng bộ 2 tuyến đường này, làm cơ sở hình thành quảng trường đi bộ trong tương lai là việc cần thiết.
“Chìa khóa” là không gian ngầm
Trước đó, đề xuất đường Lê Lợi là một trong những đường kết nối chính với đường Nguyễn Huệ tạo thành “siêu” phố đi bộ đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ các chuyên gia giao thông. Tất cả đều lo ngại nếu để đường Lê Lợi tiếp nối trục đường Nguyễn Huệ thành không gian đi bộ kéo dài sẽ cắt khu vực trung tâm TP làm đôi, các loại xe sẽ phải đi vòng. Trong bối cảnh TP không có hệ thống đường vành đai tốt sẽ vô hình trung đẩy áp lực xe cộ về phía các đường lân cận.
Tuy nhiên, KTS Lê Đỗ Mười cho rằng các tuyến đường lân cận cũng đã có quy hoạch tổng thể trong tương lai. Đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng... chắc chắn sẽ có thay đổi, tất cả sẽ kết nối với nhau tạo thành một hệ thống, mạng lưới hợp lý.
Về thiết kế mặt cắt đường Lê Lợi, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét ưu điểm là đơn vị tư vấn đã rút kinh nghiệm từ tuyến đường Nguyễn Huệ, chia không gian đi bộ về hai bên đường với chiều rộng lớn, tạo độ tiếp cận tốt với công trình hai bên và có quan tâm đến giao thông cho luồng xe ở giữa. Dù vậy cơ bản ý tưởng vẫn chưa làm nổi bật phần quan trọng nhất là không gian ngầm.
Theo kế hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó phần tổ chức không gian ngầm lại được thực hiện trong giai đoạn 2. Ông Sơn nhận định: Điều này là bất hợp lý vì để hình thành được một không gian đi bộ xuyên suốt trong phạm vi rộng, chìa khóa chính là không gian ngầm. Bỏ phí không gian ngầm đường Nguyễn Huệ đã là sai lầm lớn mà giờ nếu muốn sửa chữa, TP phải cày lên làm lại, rất tốn kém. Do đó đối với các tuyến Lê Lợi, Hàm Nghi, phải đặc biệt tránh vết xe đổ này.
Bên cạnh đó, muốn làm hiệu quả không gian đi bộ phải tính đến bài toán lưu thông cho phương tiện, trong đó bao gồm cả giao thông công cộng và xe cá nhân. Kể cả sau này, khi TP thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào khu vực trung tâm thì vẫn cần đảm bảo đáp ứng lượng xe cá nhân của người dân nằm trong khu vực quy hoạch. Không gian ngầm không chỉ để làm bãi xe mà còn có thể giải quyết phần dịch vụ thương mại, hầm kỹ thuật, hầm chứa nước, thậm chí trở thành hồ điều tiết… Tất cả phải được tính toán ngay từ bây giờ để lên kế hoạch thực hiện đồng bộ.
Đình Sơn