Thị trường dầu sẽ ra sao sau khi Mỹ quyết định chấm dứt thời hạn miễn trừng phạt Iran?
Thị trường dầu sẽ ra sao sau khi Mỹ quyết định chấm dứt thời hạn miễn trừng phạt Iran?
Trong ngày thứ Năm (02/05), Mỹ đã thắt chặt các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Iran, muốn giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này xuống mức 0 và tạo ra một kỷ nguyên bất ổn mới cho thị trường dầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt Iran của kỷ nguyên Barack Obama trong năm 2018, nhưng sau đó lại miễn lệnh trừng phạt đối với 8 quốc gia, cho phép họ nhập khẩu một lượng dầu giới hạn từ Iran. Tuần trước, chính quyền Mỹ khiến thị trường “thất kinh bát đảo” khi tuyên bố không gia hạn thời gian miễn lệnh trừng phạt.
Động thái đột ngột để cắt đứt dòng xuất khẩu dầu của Iran có khả năng khiến thị trường mất đi lượng dầu từ Iran – gần đây đạt mức hơn 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% lượng tiêu thụ toàn cầu. Để khỏa lấp khoảng trống đó và ngăn chặn giá nhiên liệu tăng vọt, ông Trump đã chuyển sang cậy nhờ đồng minh của ông ở Ả-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Các quốc gia mua dầu từ Iran
|
Thế nhưng, Ả-rập Xê-út vẫn không đưa ra cam kết chắc chắn và tiếp tục xem xét gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác. Điều này làm dấy lên lo ngại về một giai đoạn nguồn cung bị thắt chặt hơn và giá dầu cao hơn.
Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết trong báo cáo nghiên cứu gần đây: “Quyết định từ chối miễn trừ lệnh trừng phạt cho các nhà nhập khẩu dầu Iran vào ngày 02/05/2019 cho thấy một hành động táo bạo khi chiến lược để kiểm soát giá dầu giờ phụ thuộc phần lớn vào sự sẵn lòng tăng sản lượng dầu của Ả-rập Xê-út giữa lúc tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu diễn ra liên miên”.
Giá dầu lúc đầu tăng vọt lên đỉnh 6 tháng sau khi ông Trump tuyên bố chấm dứt thời gian miễn lệnh trừng phạt Iran, trong đó giá dầu Brent chạm mức 75.6 USD/thùng và giá dầu WTI tăng lên mức 66.6 USD/thùng. Trong ngày thứ Năm (02/05), giá dầu Brent chỉ còn 71 USD/thùng và giá dầu WTI ở mức 62 USD/thùng.
Thị trường dầu thắt chặt tạo ra rủi ro
Các chuyên viên phân tích cho rằng chỉ riêng việc thắt chặt các lệnh trừng phạt sẽ không gây ra cú sốc nguồn cung, nhưng khiến thị trường dầu dễ bị tổn thương trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung – một yếu tố sẽ đẩy chi phí nhiên liệu lên cao hơn.
Điều này một phần là vì tình trạng dư cung trên thị trường dầu dần tan biến, nguồn cung và nhu cầu đang tiến gần hơn tới trạng thái cân bằng. Một số chuyên viên phân tích thậm chí còn cho rằng thị trường đang hơi thiếu hụt nguồn cung đôi chút.
Cùng lúc đó, tình trạng gián đoạn nguồn cung và các mối đe dọa từ rủi ro mất điện đang diễn ra ở nhiều quốc gia.
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên công ty dầu mỏ Venezuela PDVSA càng khiến sản lượng dầu thô tại Venezuela tụt dốc không phanh. Ở Libya, xung đột giữa các nhà lãnh đạo đối lập cũng khiến nguồn cung dầu bị đe dọa. Nigeria – quốc gia sản xuất dầu lớn nhất châu Phi – cũng xảy ra tình trạng mất điện.
Ở châu Âu, lượng dầu được chuyển từ Nga đã bị ô nhiễm và làm gián đoạn hoạt động lọc dầu ở một số quốc gia.
Trong khi đó, OPEC và các đồng minh – bao gồm cả Nga – vẫn đang cố cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày ra khỏi thị trường.
Ả-rập Xê-út
Ông Trump đang gây áp lực lên Ả-rập Xê-út và OPEC để họ thay đổi chiến lược, nhưng nhiều chuyên viên phân tích vẫn không cho rằng liên minh OPEC+ sẽ làm theo.
OPEC+ đã nâng sản lượng trước khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran trong tháng 11/2018, nhưng sau đó lại bất ngờ khi ông Trump miễn lệnh trừng phạt cho 8 quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran. Dòng dầu từ OPEC và các lệnh trừng phạt yếu hơn dự báo đã khiến giá dầu Brent đổ đèo từ 86 USD xuống 50 USD/thùng và thúc giục các nhà sản xuất đồng ý cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2018.
Ả-rập Xê-út cần giá dầu ở quanh mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Bộ trưởng Dầu mỏ đầy quyền lực của Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, nhấn mạnh rằng Ả-rập Xê-út sẽ hành động trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Điều này báo hiệu Ả-rập Xê-út đang cân nhắc nâng nguồn cung dầu, Bill Farren-Price, Chuyên viên phân tích rủi ro địa chính trị tại RS Energy Group, nhận định.
“Ả-rập Xê-út cảm thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã thành công và họ không muốn mất đi thành quả và không muốn đánh mất đà tăng giá chỉ để theo đuổi chính sách mà nói thật là sẽ có hại cho họ, điều này đã thể hiện trong năm 2018”, ông nói.
Dù vậy, Ả-rập Xê-út đang bơm dưới mức hạn ngạch đề ra trong thỏa thuận OPEC khoảng 500,000 thùng/ngày, vì vậy nước này vẫn có thể nâng sản lượng mà vẫn đáp ứng điều kiện trong thỏa thuận OPEC+. Liên minh này sẽ họp mặt trong ngày 25-26/06/2019 để bàn về chuyện có gia hạn thỏa thuận hay không.
FiLi