Thôi bức xúc về giá điện, cách nào?
Thôi bức xúc về giá điện, cách nào?
Chấp nhận lý giải của ngành điện về việc tăng giá gây bức xúc vừa qua nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc lựa chọn thời điểm tăng giá và thông tin đến người dân của ngành điện là "chưa đẹp" và cần có giải pháp phù hợp.
Có ý kiến cho thị trường điện chưa minh bạch có phần do độc quyền truyền tải điện - Ảnh: C.V.KÌNH
|
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia nói rằng họ đã thông cảm hơn với ngành điện sau khi nghe phó thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công thương, chủ tịch EVN giải thích nhưng vẫn đề nghị EVN phải chia lại các bậc khung giá điện, bên cạnh thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
* Đại biểu NGUYỄN ANH TRÍ (Hà Nội):
Không sai, nhưng có dở!
Ngành điện không sai, nhưng dở ở chỗ tăng giá đúng vào thời điểm nắng nóng gay gắt trong khi truyền thông về giá điện chưa tốt. Khi bức xúc rộ lên, ngành điện mới giải thích, lại có những phát ngôn không chuẩn khiến tình hình thêm phức tạp.
Ngành điện cũng có cái không may mắn. Những năm trước tháng 3 không nóng gắt như năm nay, thậm chí còn xảy ra "rét nàng Bân". Nhiều hộ đã quen với khoản chi tiền điện, khi nắng nóng phải dùng nhiều điện cộng với tăng giá nữa khiến không ít người "giật mình".
Tôi nghĩ EVN không "gian lận" nhưng chưa nói cho dân hiểu, muốn vậy mọi thứ phải minh bạch. Về bản chất mà nói thì giá điện đã tăng khoảng 8,35%. Nhưng người dân chỉ quan tâm giá tổng của hóa đơn, chứ ít khi nhìn vào số kWh đã xài để tính ra tiền điện cũng như giá của từng bậc thang. EVN có cố gắng giải thích nhưng cách giải thích "khó gần" lại xa lạ, thiếu sự gần gũi, phổ quát. Chưa kể lẽ ra EVN phải tuyên truyền thật mạnh mẽ, cặn kẽ từ trước, chứ không đợi có chuyện mới giải thích.
* Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM):
Khung giá điện nên chỉ còn 3 bậc
Vừa rồi có tranh luận là ngành điện có tính đúng? Tôi thấy ngành điện tính đúng. Có điều ngành điện phải nghiên cứu lại bậc thang. Tôi đề xuất thu 6 bậc hiện nay còn 3 bậc cho phù hợp với mức sống trung bình của người dân đô thị. Cụ thể, ghép bậc 1 và 2 thành bậc 1, giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 3 và 4 ghép thành bậc 2 và trả tiền như bậc 2 hiện tại, rồi bậc 5 và 6 hiện tại ghép thành bậc 3 với giá bậc 3 hiện tại.
Đúng là trong giá điện, như phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói, phải cân đối để còn thu hút đầu tư nhằm phát triển nguồn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện khoảng 10% mỗi năm. Đây là bài toán vĩ mô mà Chính phủ phải tính. Nhưng tăng giá điện lại liên quan đến người dân. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, thậm chí phải đầu tư công, nghiên cứu và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo để đảm bảo nhu cầu sử dụng điện.
* Đại biểu LÊ THANH VÂN (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách):
Còn độc quyền truyền tải điện
Lộ trình tăng giá điện có thể chưa phù hợp với từng giai đoạn. Lâu nay giá điện bị nén quá lâu, đến khi cần theo kịp thị trường thế giới thì bung ra như lò xo với độ bật rất mạnh. Cần làm rõ vì sao có lộ trình không phù hợp này, dư luận chờ câu trả lời từ Chính phủ.
Cũng từ sự việc này, Chính phủ cần đẩy nhanh lộ trình hình thành thị trường cạnh tranh toàn diện trong ngành điện. Thực tế sản xuất điện đã "mở cửa", có sự cạnh tranh nhưng rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư bởi EVN vẫn độc quyền về truyền tải.
Giá điện bị nén như lò xo là do những cơ chế dung dưỡng cho độc quyền điện duy trì khá lâu. Nếu chúng ta sớm nhận ra thực trạng và tạo ra thị trường cạnh tranh về sản xuất, truyền tải điện, có lẽ bây giờ tình hình đã khác. Xóa bỏ độc quyền trong truyền tải điện để các nhà đầu tư thấy có lãi sẽ nhảy vào, khi đó cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều cùng hưởng lợi.
* Đại biểu NGỌ DUY HIỂU (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):
Bài học về cung cấp thông tin
Tôi là đại biểu Quốc hội cũng chỉ biết thông tin trên báo, đài đến khi có báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội với chia sẻ của phó thủ tướng Vương Đình Huệ, khi đó thông tin mới toàn diện. Đây là bài học chung cho tất cả cơ quan quản lý trước khi đưa ra những chính sách tác động lớn đến người dân. Càng đụng đến quyền lợi người dân càng phải chủ động chứng minh vừa rõ ràng vừa dễ hiểu, càng dễ hiểu dân mới chia sẻ.
Bên cạnh thông tin từ đơn vị liên quan trực tiếp cũng cần có thông tin từ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và những cơ quan quản lý khác, thậm chí phát biểu của những đại biểu Quốc hội am hiểu về lĩnh vực sẽ nhận được sự đồng tình, chia sẻ của người dân hơn.
Quốc hội còn phiên chất vấn, đây là cơ hội để đại biểu có những thông tin đầy đủ hơn. Những trao đổi, tranh luận công khai này là cần thiết để vấn đề được sáng tỏ, bởi mong muốn của người dân không gì khác là sự minh bạch.
* Ông TRẦN ĐÌNH LONG (phó chủ tịch Hội Điện lực VN):
Muốn có hợp lý phải khắc phục điểm yếu
Khái niệm minh bạch là tương đối. Vì giá điện là chuỗi mà có nhiều khâu hợp lại, thường cơ quan chức năng chỉ kiểm tra và công bố với người dân ở khâu cuối cùng. Như báo cáo về giá điện, cơ quan quản lý và ngành điện thường báo cáo 4 thành phần là phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ với các số liệu báo cáo rõ ràng.
Báo cáo của Bộ Công thương, Chính phủ về giá điện phần nào giải đáp được. Nhưng yêu cầu minh bạch của người dân có lẽ cao hơn, tức là phải làm rõ tính minh bạch thế nào trong 4 thành phần ấy, thực sự kiểm tra cũng rất khó. Bởi những đầu vào như than, dầu, mua sắm thiết bị để kiểm tra minh bạch rất phức tạp, đòi hỏi thời gian.
Việc Thanh tra Chính phủ bắt đầu kiểm tra về giá điện là cần thiết. Bên cạnh những nội dung mà cơ quan này đã nêu cũng cần tập trung đánh giá được hiệu quả của ngành điện, những điểm yếu để cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả ngành điện...
Thực tế ngành điện đã có cố gắng lớn để đảm bảo điện cho đất nước, áp dụng công nghệ mới, đưa mức tổn thất điện thuộc loại thấp trong khu vực. Nhưng có những khâu cần phải cải thiện như năng suất lao động của các đơn vị trong ngành, vấn đề tiếp tục hiện đại hóa một số khâu trong sản xuất, quản lý... Có thế mới có được giá điện hợp lý.
* Ông NGÔ ĐỨC LÂM (chuyên gia năng lượng): "Soi" từ tổng doanh thu bán điện Giá điện bình quân là giá được Thủ tướng Chính phủ quy định, mức tăng vừa rồi là 8,36%. Vì thế, dù khung giá thế nào thì mức tăng tổng doanh thu điện sinh hoạt cũng phải tương ứng với mức tăng giá điện bình quân 8,36%. Nếu tốc độ tăng tổng doanh thu điện sinh hoạt cao hơn mức tăng giá điện bình quân là có vấn đề. Thanh tra Chính phủ khi kiểm tra việc tăng giá điện nên đi vào vấn đề này và chỉ ra chỗ chưa đúng, từ đó tìm ra giải pháp xử lý. |
Giá điện - đòi hỏi công khai * Định kỳ cuối năm, các thông tin về giá thành sản xuất kinh doanh điện, hoạt động tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Bộ Công thương, EVN công bố sau khi có kết quả kiểm toán độc lập của cơ quan kiểm toán, kết quả đánh giá của đoàn kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện gồm Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Hội Điện lực, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. * Gần đây, trước bức xúc về tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường, Bộ Công thương đã lập ba đoàn kiểm tra tại 5 tổng công ty điện lực thuộc EVN. Báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng ngày 17-5 cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ghi chỉ số côngtơ... cơ bản đúng quy định. * Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 21-5 khẳng định Chính phủ cân nhắc kỹ nhiều yếu tố khi điều chỉnh giá điện, tránh tác động GDP và lạm phát. * Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 24-5 Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra giá điện. * Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng để đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra về điều chỉnh giá bán lẻ điện và tài chính của EVN. Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết sẵn sàng cho việc kiểm toán giá điện để đảm bảo công khai, minh bạch. N.An |
N.An - L.Kiên - T.Long - T.B.Dũng