Thủy sinh nguy hiểm tràn vào Việt Nam
Thủy sinh nguy hiểm tràn vào Việt Nam
Dù có luật, nhưng công tác thực thi, quản lý về đa dạng sinh học, bảo tồn của chúng ta còn nhiều vấn đề...
|
Việc Bộ NN-PTNT mới đây phải phát công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương kiểm soát và ngăn chặn loài tôm hùm càng đỏ và tôm hùm đất, thuộc nhóm 100 loài thủy sinh nguy hiểm nhất thế giới xâm nhập vào VN cho thấy việc quản lý, kiểm soát các sinh vật ngoại lai còn lúng túng, lỏng lẻo.
Trong công văn hỏa tốc do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ký nêu rõ: “Đây là loài thủy sinh ngoại lai có đặc tính ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang và hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Tôm càng đỏ là loài không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại VN và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại nhưng thời gian qua, tôm càng đỏ đã được đưa vào VN để sử dụng làm thực phẩm. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản”.
Các bài học ốc bươu vàng, cá lau kiếng, rùa tai đỏ
|
Trên một số trang web đăng bán hàng này với giá 350.000 đồng/kg (khoảng 30 - 40 con) luôn quảng cáo loại tôm hùm ngoại này được nhập về từ Mỹ, Canada... Vì thế sau công văn khẩn của Bộ NN-PTNT, nhiều ý kiến lo ngại liệu không biết đã có bao nhiêu tấn tôm càng đỏ, tôm hùm đất này đã lọt vào VN? Bao nhiêu lên bàn ăn, bàn nhậu? Bao nhiêu thất thoát ra môi trường tự nhiên để trở thành mối nguy hại lớn cho ngành nông nghiệp trong tương lai gần?
Hơn 30 năm trước, xuất phát ban đầu từ việc thấy tính “nổi trội” của con ốc bươu vàng trong vấn đề sinh sản nên nhiều người đã nhập về VN để nuôi. Thế nhưng, đến khi loài ốc này “lọt” ra tự nhiên thì người ta mới tá hỏa về tác hại của nó. Sự sinh trưởng quá nhanh, sức sống mạnh của nó đã trở thành “đại dịch” đe dọa đến an ninh lương thực của VN. Sau đó không lâu, trên bản tin thời sự của các đài truyền hình địa phương ở ĐBSCL gần như lúc nào cũng có thông tin về dịch ốc bươu vàng.
Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia nông nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ nhớ lại, thời đó, gần như chỉ nói về một chủ đề duy nhất trên các chương trình khuyến nông là làm sao để phòng và trừ ốc bươu vàng hại lúa. Vào các dịp hè, thay vì được về nhà nghỉ ngơi, hàng trăm sinh viên cũng được huy động ra đồng bắt ốc bươu vàng giúp dân. “Gần như cả xã hội cùng ra đồng diệt ốc bươu vàng”, TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) nhớ lại.
Vậy nhưng, cho đến lúc này, con ốc bươu vàng vẫn chưa được diệt sạch và luôn là hiểm họa “ăn tạp” đối với các cây trồng dưới nước. Trong khi đó, con ốc bươu đồng ngày trước có trong ao hồ, sông nước của VN thì hầu như tuyệt chủng, hoặc giảm đi rất nhiều hoặc lai với ốc vàng.
Một loài động vật ngoại lai khác đang rất nguy hiểm đối với môi trường và đa dạng sinh học hiện nay theo các chuyên gia thủy hải sản là cá lau kiếng. Loại cá này cũng từng được đưa vào VN với tư cách là sinh vật cảnh. Thế nhưng, đây là loại cá ăn tạp và có thể làm thay đổi hệ sinh thái, loài cá khi nó xâm nhập và an cư tại sông hồ đó. Theo các nhà nông khu vực ĐBSCL, nay tát đìa bắt cá tự nhiên lại gặp toàn cá lau kiếng, chứ các loại cá nhỏ trước đây như cá cấn, cá mại, rô, tôm... rất ít.
Lô hàng 300 kg tôm càng đỏ nhập lậu từ Trung Quốc bị Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai bắt giữ Ảnh: Trung Dũng
|
“Cá lau kiếng ăn tạp, nó ăn hết cá con. Tát đìa hôm nào về cũng toàn thấy cá lau kiếng, không có con rô nào, mà trước đây hả, tôm, rô, giếc có mà đầy đồng”, anh Lê Văn Nhựt (Long An) cho hay.
Ngoài cá lau kiếng này, cũng nằm trong nhóm sinh vật cảnh, loại rùa tai đỏ được nhập vào VN, ban đầu nuôi cảnh, rồi thịt và nay đã sinh sôi nảy nở “khá đều” trong môi trường sông nước của cả nước. Có dạo, các nhà chuyên môn phải đặt bẫy bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm bởi sợ nó xâm nhập, gây thay đổi môi trường sống của cụ rùa đang cần được bảo tồn tại đó.
Người Trung Quốc từng lén nuôi ở ĐBSCL
|
“Người ta nuôi tôm này khá dễ dàng vì chúng chịu được phạm vi pH rộng, thời tiết lạnh và không quá nóng, độ mặn khá cao. Khi nuôi trong điều kiện quản lý chặt chẽ, người ta dùng tỷ lệ đực cái là 1:4 và với mật độ 1.500 con/ha. Nhưng nên nhớ, tôm càng đỏ nếu để lọt ra ngoài môi trường, như ốc bươu vàng, cũng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới cho ngành nông nghiệp Việt. Bởi khi lọt vào môi trường tự nhiên, chúng gây ra sự tàn phá khủng khiếp, cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm cá nhỏ. Nguy hại nhất là loại tôm này là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh là vi rút gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm”, GS Nguyễn Lân Dũng cảnh báo và cho rằng tốt nhất phải vận động người dân không ăn, nói không 100% với món ăn liên quan con tôm càng đỏ này.
Thực tế, từ năm 2013, loài tôm càng đỏ và tôm hùm đất đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển tại VN. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, người dân xã Tân Hội Trung, H.Cao Lãnh (Đồng Tháp) hoang mang khi thấy 1 - 2 người Trung Quốc mượn danh nghĩa người VN làm dự án trồng sen nhưng lại thả nuôi tôm hùm đất. Bà Sáu, người ở đây đã chứng kiến “2 càng trước chỉ cần kẹp một cái “tách” là cây lúa đứt làm đôi”.
“Lúc đó, mấy ông quản lý nông nghiệp tại địa phương đã kịp thời ngăn chặn và nói với nông dân là con tôm này nằm trong danh mục cấm nuôi của VN”, bà Sáu nhớ lại và cho biết sau đó không lâu, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã đến trại nuôi trên để buộc tát ao, thu gom và xử lý triệt để.
TS Vũ Ngọc Long - Viện Sinh thái học miền Nam tỏ ra nghi ngờ về thông tin “cơn sốt” ăn tôm hùm đất. Nhưng nếu cứ nghĩ có lợi về thực phẩm và hy vọng về tương lai xuất khẩu gì đó là điều không tưởng.
Cấm 6 năm vẫn tràn vào thị trường
Tại sao loại sinh vật đã bị vào danh sách cấm nhập từ năm 2013, song mãi đến khi có công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm soát trên cả nước, những lô hàng nhập tôm càng đỏ này mới bị chặn lại từ các cửa khẩu, biên giới phía bắc?
GS Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề: Loài này đã được đưa vào danh sách cấm nhập từ 6 năm trước, hà cớ làm sao khi làm thủ tục nhập hàng cho thương lái, hải quan không coi kỹ? Không phải lọt vài ký mà hàng tấn?
“Theo tôi, trách nhiệm cần nói đến là cơ quan hải quan các địa phương, phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, lưu giữ và buôn bán loài tôm nguy hiểm này. Bộ luật Hình sự 2015 đã ghi “Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Phải có phạt nặng thì việc tùy tiện nhập sinh vật lạ này mới giảm được”, ông nhấn mạnh.
TS Vũ Ngọc Long bổ sung, dù có luật, nhưng công tác thực thi, quản lý về đa dạng sinh học, bảo tồn của chúng ta còn nhiều vấn đề. Ngành nông nghiệp không thể không có trách nhiệm khi để sinh vật lạ xâm nhập thời gian dài mới phát hiện, ngăn chặn.
Chí Nhân