Triết lý của Thủ tướng: Doanh nghiệp chính là chỗ dựa của đất nước
Triết lý của Thủ tướng: Doanh nghiệp chính là chỗ dựa của đất nước
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ra một triết lý rất dân giã là, "Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa". Không phân biệt rạch ròi đâu là "cây đa", đâu là "thần", Thủ tướng khẳng định, "Doanh nghiệp tư nhân chính là chỗ dựa quan trọng để đất nước phát triển".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoạch định rõ 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế tư nhân là tổng động viên toàn dân khởi nghiệp; đồng hành, cắt giảm tối đa chi phí và nỗ lực đưa các tập đoàn kinh tế tư nhân, "đàn sếu" lớn cùng về một hướng.
|
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Chính phủ và lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy lĩnh vực này theo đúng tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương.
Sải cánh bay lên
"Có thể nói Nghị quyết 10 của Trung ương Đảng đến nay đã đi vào cuộc sống", Thủ tướng cho biết, "Nguồn lực cho khu vực này thời gian gần đây dần được khơi thông, dư nợ tín dụng của khối dân doanh liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống".
Chính phủ thời gian qua cấp tập ban hành hàng loạt chính sách, cũng như có hàng loạt hành động mở đường tối đa cho lực lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mong muốn mở ra thời kỳ mới cho doanh nhân sải cánh bay lên cùng đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoạch định rõ 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế tư nhân là tổng động viên toàn dân khởi nghiệp; đồng hành, cắt giảm tối đa chi phí và nỗ lực đưa các tập đoàn kinh tế tư nhân, "đàn sếu" lớn cùng về một hướng.
Nhưng người đứng đầu Chính phủ cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương. Thực tế, tại nhiều tỉnh, thành phố, phát triển doanh nghiệp tư nhân cũng đã được lãnh đạo địa phương coi đó như sự phát triển sống còn cho nền kinh tế địa phương mình.
Như tại quê hương của Thủ tướng, tỉnh Quảng Nam, từ khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII ban hành Nghị quyết 10, Tỉnh ủy Quảng Nam đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động. Nhiều trung tâm dịch vụ hành chính công, một cửa liên thông ra đời. Nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh, đầu tư trói buộc trước đây đã bị xóa bỏ. Các buổi gặp gỡ như "cà phê doanh nhân"; chương trình khởi nghiệp sáng tạo; ban hành các chính sách dưỡng nghiệp... được tổ chức thường nhật...
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng "thống lĩnh" sự tăng trưởng giá trị cho kinh tế của Quảng Nam. Chỉ tính riêng Khu kinh tế mở Chu Lai, đến nay đã thu hút được 118 nhà đầu tư, chủ yếu kinh tế tư nhân, đóng góp vào tổng thu ngân sách bình quân 70%/năm.
Hay như tại Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan có sáng kiến thành lập mô hình "cà phê doanh nhân", nơi các doanh nghiệp có thể đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Mô hình này đã trở nên nổi tiếng trên cả nước và được nhiều tỉnh, thành khác học tập. "Dư địa cải cách tại Đồng Tháp còn rất nhiều", ông Hoan nhìn nhận, "Tất cả các địa phương cùng phải có trách nhiệm rất cao với Trung ương trong phát triển đất nước".
Còn rất nhiều thấp thỏm
Dù sao, cũng mới chỉ được gần hai năm kể từ khi kinh tế tư nhân nhận được "Thượng phương bảo kiếm" từ Trung ương Đảng là một Nghị quyết dành riêng cho mình như vậy, nên vẫn còn rất nhiều thấp thỏm. Cũng từng là lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng luôn có sự đồng cảm sâu sắc với tâm tư này.
Thực tế, ngay khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng vào tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập "Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp", với sự tham gia của doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.
Sau hội nghị này, lần đầu tiên có một nghị quyết riêng của Chính phủ cho doanh nghiệp được ban hành mang tên Nghị quyết 35 nhấn mạnh doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ. Tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ cũng phát đi thông điệp cởi trói tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời tuyên chiến không khoan nhượng với giấy phép con, lợi ích nhóm... Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tròn một năm sau khi Chính phủ dốc lực cho sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp tư nhân, 65% doanh nghiệp tư nhân đã có lãi, cao nhất trong 5 năm, là con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra tháng 4/2017.
Nhưng ông nhận thấy chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan và khi quyết định mở hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần 2 vào trung tuần tháng 5/2017, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu cần nhìn thẳng, nói thật, không chủ quan và sớm hài lòng về những kết quả đã đạt được. Thành phần doanh nghiệp tư nhân tham dự tiếp tục "áp đảo" về số lượng tham dự. Sau hội nghị lần 2, các chỉ thị, nghị quyết dành riêng cho khối này tiếp tục được ban hành.
Luôn khẳng định, "Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang thể hiện những nỗ lực cao nhất để đưa chủ trương thành hiện thực.
Ông chỉ rõ rằng, phải xây dựng được một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, loại trừ lợi ích nhóm cục bộ, loại trừ tình trạng lạm dụng độc quyền nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, loại trừ bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp... "Nếu còn chưa làm tốt những công việc như vậy, thì chưa thể thực sự phát triển được khu vực kinh tế tư nhân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự của nền kinh tế thì trước tiên, thể chế kinh tế phải đảm bảo mọi chủ thể kinh tế đều được làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Khi và chỉ khi đạt đến điều đó mới có thể tạo lập được sự bình đẳng thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trước mọi cơ hội và mọi quy định, chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Vì thế, mở màn cho hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo "tháo ngòi nổ" cho vụ việc ở quán cà phê "Xin chào", tạo được hiệu ứng tích cực đầu tiên trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đi từ việc vi mô đến vĩ mô, từ ban hành chính sách đến kiểm tra việc thực thi chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ đã và đang thực sự mang đến cho khu vực kinh tế tư nhân niềm tin mới vào một thời kỳ phát triển mới. Đó chính là nền tảng rất quan trọng cho việc thực thi Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tôn trọng và tôn vinh"
"Từng làm lãnh đạo doanh nghiệp ở mảnh đất nghèo và giờ đây doanh nghiệp đó đã rất thành công với cái tên là Khu du lịch Furama Đà Nẵng, tôi rất thấm thía những thách thức doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt trên con đường phát triển, trong đó, thách thức lớn là nỗi e ngại phải cô đơn. Muốn nói để các doanh nghiệp yên tâm, Thủ tướng, Chính phủ không bao giờ để doanh nghiệp cô đơn.
Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được tôn vinh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
"Có công mài sắt có ngày nên kim", với quyết tâm và sự hỗ trợ ngày càng tốt hơn của Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ thành công, làm giàu cho mình và làm giàu cho đất nước. Hạnh phúc không chỉ là kiếm được nhiều tiền mà quan trọng hơn là sự lan tỏa của thành công cho toàn xã hội và cùng góp sức đưa nền kinh tế đi lên.
Đến thời điểm này, từ quyết tâm chính trị đến hành động của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân đều đã trở nên toàn diện và sâu sắc hơn bao giờ hết. Theo đó, xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng. Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân.
Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm, kinh tế tư nhân được đầu tư tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm như các nhà máy điện, các công trình hạ tầng, bệnh viện, trường học... Cố gắng đóng góp từ 50% - 60% GDP của Việt Nam là từ kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì thành công sẽ nối tiếp thành công, sẽ có thêm hàng triệu người Việt Nam có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước".
Lê Châu