Trung Quốc sẽ đáp trả động thái nâng thuế của Mỹ bằng cách nào?

10/05/2019 15:05
10-05-2019 15:05:31+07:00

Trung Quốc sẽ đáp trả động thái nâng thuế của Mỹ bằng cách nào?

Trung Quốc đang sở hữu một “kho vũ khí” để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, bao gồm cả kho trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng Nhân dân tệ. Thế nhưng, nếu sử dụng những công cụ này thì họ cũng phải trả giá.

Ngay sau khi Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào lúc 0h01 ngày thứ Sáu (10/05 – giờ Mỹ), Bộ Thương mại Trung Quốc đã lập tức phản ứng, cho biết sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả với động thái của Mỹ. Tuy vậy, họ không đề cập cụ thể các biện pháp đáp trả, nhưng cho biết họ “hối tiếc sâu sắc” vì Mỹ nâng thuế.

* Sau khi Mỹ nâng thuế, Trung Quốc lập tức tuyên bố sẽ đáp trả

Thế nhưng, việc đáp trả bằng cách áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Mỹ không phải là động thái khả dĩ nhất, Brad Setser, từng là quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện đang là thành viên cấp cao về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Nước ngoài, cho hay.

Sau đây, Bloomberg cũng dẫn ra những “vũ khí” mà Trung Quốc có thể sử dụng để đáp trả lại Mỹ:

Phá giá đồng Nhân dân tệ

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp tác động của các hàng rào thuế quan Mỹ lên nền kinh tế Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài suy yếu 5.5% so với đồng USD trong năm 2018, thu hút ánh nhìn của ông Trump và làm dấy lên suy đoán Trung Quốc cố tình làm suy yếu đồng nội tệ. Mặc dù giảm tới 1.3% trong tuần này, nhưng đồng Nhân dân tệ đã tăng trở lại trong ngày thứ Sáu (10/05) sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) thiết lập mức tỷ giá trung tâm hàng ngày ở mức mạnh hơn dự báo.

Tuy nhiên, những ký ức đau thương của Trung Quốc về vụ phá giá đồng Nhân dân tệ trong năm 2015 có thể khiến Trung Quốc không muốn lặp lại tình cảnh đó, Tao Wang, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại UBS Group AG, nhận định. Trong năm 2015, việc Trung Quốc phá giá tiền tệ đã khiến dòng vốn tháo chạy ra khỏi nước này.

“Trung Quốc không muốn xảy ra tình trạng thoái vốn chỉ vì phá giá tiền tệ - vốn thường làm giảm niềm tin ở trong nước”, bà Tao Wang chia sẻ. “Thêm vào đó, đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ trong năm 2018 cũng khiến chính quyền Trump cảm thấy bực tức và dẫn tới việc nâng thuế quan”.

Tiền tệ hiện đang là vấn đề tâm điểm trong các cuộc đàm phán thương mại hiện nay. Mỹ muốn có một thỏa thuận ổn định đồng Nhân dân tệ như là một phần của thỏa thuận thương mại cuối cùng, dựa trên nguồn tin thân cận.

Bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ

Trung Quốc sở hữu 1.1 ngàn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Đây có thể là một “vũ khí” mạnh mẽ mà Trung Quốc dùng để đáp trả lại Mỹ. Thị trường trái phiếu lâm vào thế hỗn loạn trong năm 2018 khi xuất hiện thông tin các quan chức Trung Quốc đề xuất giảm nhịp độ hoặc ngừng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự không còn phương án lựa chọn hợp lý nào khác để trữ 3.1 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại hối của họ - lớn nhất trên thế giới. Cũng vì thế, việc Trung Quốc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng khó mà xảy ra, theo Ed Al-Hussainy của Columbia Threadneedle Investments. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ, điều này có thể khiến giá trái phiếu này tụt dốc, đồng thời đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn, nhưng lại làm giảm giá trị của lượng nợ của Mỹ mà các nước khác đang nắm giữ. Cho tới nay, giá trái phiếu vẫn đang trên đà leo dốc.

“Bất kỳ động thái nào làm gia tăng lợi suất Mỹ cũng sẽ làm giảm giá trị của lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà các nước khác đang nắm giữ và có thể châm ngòi cho đà tăng của đồng USD”, vị Chiến lược gia này cho hay. “Rủi ro về ổn định tài chính và thị trường ngoại hối của chính sách này có thể nhiều hơn lợi ích mang lại”.

Nhắm tới đậu nành

Trung Quốc – quốc gia mua đậu nành Mỹ nhiều nhất thế giới – đã áp thêm thuế 25% lên đậu nành nhập khẩu từ Mỹ. Phần lớn lượng đậu nành đều xuất phát từ các bang nằm ở vùng Trung Tây nước Mỹ - những bang đã bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Trước khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung chuyển biến xấu, Trung Quốc đã mua mạnh đậu nành từ Mỹ. Nhưng với tình cảnh hiện nay, Trung Quốc khó lòng mua mạnh đậu nành từ Mỹ. Mặc dù khó lòng phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ, nhưng việc không mua đậu nành từ Mỹ có vẻ là phương án tương đối dễ dàng, Setser cho hay.

“Có một số điều mà Trung Quốc có thể dễ dàng thực hiện”, bao gồm cả không mua đậu nành từ Mỹ, ông nói.

Các hợp đồng tương lai đậu nành đã giảm 11% kể từ ngày 10/04/2019.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Trái ngược với thị trường, Fitch dự báo Fed sẽ giảm lãi suất từ từ

Theo một ghi chú của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra "nhẹ nhàng" trong bối cảnh áp lực lạm...

Ông Trump từ chối tranh luận lần hai với bà Harris

Trong một diễn biến mới nhất của cuộc đua vào Nhà Trắng 2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã từ chối đề xuất tranh luận lần thứ hai với đối thủ đảng Dân chủ, Phó...

NHTW châu Âu tiếp tục hạ lãi suất

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm trong ngày 12/09, đánh dấu lần cắt giảm thứ hai trong năm nay.

Chính phủ Mỹ lại đối diện nguy cơ đóng cửa do vấn đề ngân sách

Ngân sách chính phủ dự kiến hết hạn vào cuối tháng Chín và Quốc hội Mỹ sẽ cần một dự luật tạm thời được gọi là "nghị quyết tiếp tục" (CR) để giữ cho các hoạt động...

Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Mỹ

Chi phí đi vay thấp hơn đã thúc đẩy chỉ số đơn xin mua nhà do Hiệp hội Ngân hàng thế chấp của Mỹ theo dõi tăng 1,8%, lên mức cao nhất trong gần hai tháng.

Trump và Harris đấu khẩu nảy lửa về chính sách thương mại với Trung Quốc

Donald Trump và Kamala Harris đã tranh cãi gay gắt về chính sách Trung Quốc trong cuộc tranh luận Tổng thống do ABC News tổ chức vào sáng ngày 11/09 (giờ Việt Nam).

Lạm phát Mỹ xuống thấp nhất kể từ năm 2021, mở đường cho đợt hạ lãi suất của Fed

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng yếu nhất kể từ tháng 2/2021, tạo tiền đề để Fed hạ lãi suất trong tuần tới.

Trung Quốc đối mặt vòng xoáy giảm phát: Liệu có lặp lại "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản?

Bóng ma giảm phát đang bao trùm nền kinh tế Trung Quốc, gợi nhớ về "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản. Dữ liệu mới nhất cho thấy tình trạng này đang trở nên trầm trọng...

Fed giảm lãi suất, đồng USD vẫn có thể mạnh lên?

Trong bối cảnh Fed đang chuẩn bị cho một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều chuyên gia cho rằng đồng USD có thể suy yếu. Tuy vậy, một nhà phân tích từ...

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo toàn cầu

Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vị thế thống lĩnh của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98