Vấn nạn tẩy chay Apple ở Trung Quốc ngày càng dữ dội hơn
Vấn nạn tẩy chay Apple ở Trung Quốc ngày càng dữ dội hơn
Chỉ ngay khi Apple bắt đầu có tiến triển trong việc giải quyết những thách thức về nhu cầu ở Trung Quốc – thị trường quan trọng thứ hai của Apple, lệnh cấm Huawei của chính quyền Mỹ đã tạo ra hàng loạt rủi ro mới cho nhà sản xuất iPhone này.
Trong ngày thứ Năm (16/05), Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei và 68 thực thể khác vào danh sách đen, qua đó khiến Huawei gần như không thể mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Theo Chính phủ Mỹ, việc thêm Huawei vào danh sách đen là do một vụ án đang chờ xét xử, trong đó cáo buộc Huawei có dính dáng trong một vụ gian lận ngân hàng để lấy đi hàng hóa và dịch vụ Mỹ bị cấm vận tại Iran và chuyển tiền ra khỏi quốc gia này thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Huawei không nhận tội.
Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang trên đà tăng ở cả Mỹ và Trung Quốc giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang – một yếu tố sẽ gây tổn thương cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lệnh cấm này – vốn có tác động sâu rộng và phức tạp – gắn liền với cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn.
Apple có thể hứng chịu những thiệt hại ngoài ý muốn.
Tâm lý tẩy chay Apple ở Trung Quốc ngày càng tăng
BuzzFeed News đã mô tả chi tiết làn sóng tẩy chay Apple ngày càng tăng trước đó trong tháng này và tình trạng này mỗi lúc một tệ hơn. Trong ngày thứ Tư (22/05), nguồn tin từ tờ South China Morning Post (SCMP) đưa ra góc nhìn rõ hơn về tâm lý tẩy chay Apple tại Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc cảm thấy họ nên hỗ trợ các nhãn hiệu trong nước thay vì mua các sản phẩm từ các công ty nước ngoài.
“Đây là lời kêu gọi từ trái tim, tôi cần thể hiện sự ủng hộ dành cho những thương hiệu của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay”, một người tiêu dùng cho biết. “Thật xấu hổ khi rút ra chiếc iPhone từ trong túi tại thời điểm này, khi tất cả giám đốc của công ty đều xài điện thoại Huawei”, một người lao động trong ngành viễn thông cho biết.
Huawei ngày càng phát triển nhanh chóng ở thị trường Trung Quốc, nhờ danh mục điện thoại đa dạng và có nhiều mức giá để người tiêu dùng lựa chọn. Thậm chí, các đời điện thoại cao cấp của Huawei cũng bán rất chạy, còn Apple tiếp tục chứng kiến doanh số bán iPhone suy giảm. Doanh số bán Huawei trên toàn cầu đã tăng 50% trong quý 1/2019, hoàn toàn đối lập với mức giảm 30% của Apple trên toàn cầu, theo IDC. Công ty nghiên cứu thị trường IDC ước tính, doanh số bán iPhone ở Trung Quốc giảm 20% trong quý 4/2018.
Kiranjeet Kaur của IDC nói với SCMP rằng lệnh cấm Huawei sẽ chỉ làm gia tăng sự quan tâm tới Huawei – vốn dần trở thành niềm tự hào của Trung Quốc. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cảm thấy Huawei đang bị Chính phủ Mỹ nhắm tới một cách bất công.
Lợi nhuận của Apple có thể giảm mạnh
Mỹ và Trung Quốc đã đáp trả thuế quan qua lại trong cuộc chiến thương mại hiện nay. Nhà đầu tư và chuyên viên phân tích hiện lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc có thể nhắm tới Apple làm biện pháp đáp trả lại Mỹ. Rod Hall, Chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs, đưa ra một báo cáo nghiên cứu, trong đó ước tính lợi nhuận của Apple có thể rớt tới 29% trong kịch bản cực đoan là sản phẩm của Apple bị cấm ở Trung Quốc.
“Nếu Trung Quốc hạn chế sản lượng iPhone bằng bất kỳ cách nào, chúng tôi không tin Apple có khả năng chuyển phần lớn chiếc iPhone ra khỏi Trung Quốc trong một khoảng thời gian ngắn”, Rod Hall cho hay. Ông Hall đã hạ mức giá mục tiêu của Apple từ 184 USD xuống 178 USD/cp, bao gồm yếu tố rủi ro mới. HSBC cũng hạ mục tiêu giá của cổ phiếu Apple trong tuần này vì căng thẳng thương mại hiện nay.
Dĩ nhiên, Apple đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc, vì chuỗi cung ứng và các nhà sản xuất theo hợp đồng từ lâu đã tập trung ở Trung Quốc. Lệnh cấm Apple sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc một chút.
FiLi