Vinalines bị khống chế kế hoạch vốn đầu tư không quá 254 tỷ đồng
Vinalines bị khống chế kế hoạch vốn đầu tư không quá 254 tỷ đồng
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng yêu cầu Vinalines phát triển các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, có trọng điểm là cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải.
Lĩnh vực vận tải biển-cảng biển-logistics vẫn là thế mạnh của Vinalines tập trung khai thác. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
|
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bị khống chế kế hoạch vốn đầu tư tối đa không quá 254 tỷ đồng trong năm 2019 và chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Đây là một trong những nội dung tại Quyết định số 137 phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 của Công ty mẹ -Tổng công ty Hàng hải Việt Nam của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2019 cho Vinalines như sản lượng vận tải biển là 4.670 tấn, doanh thu là 1.649 tỷ đồng và có kế hoạch vốn đầu tư tối đa không quá 254 tỷ đồng.
“Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinalines phải rà soát lại toàn bộ danh mục dự kiến đầu tư năm 2019, chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị," ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.
Lý giải về việc giới hạn đầu tư này, ông Hoàng Anh nhận định, việc làm này để phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và giải ngân, bảo đảm đầu tư hiệu quả đồng thời bảo toàn và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn và tài sản.
Mặt khác, các dự án đầu tư phải triển khai thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luât; trường hợp cần bổ sung danh mục dự án thuộc thẩm quyền Ủy ban quyết định ngoài danh mục Tổng công ty đã báo cáo, yêu cầu báo cáo Ủy ban trước khi triển khai thực hiện.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng lưu ý Vinalines chấp hành đúng quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thu nộp thuế, ngân sách Nhà nước, chế độ báo cáo tài chính, báo cáo giám sát tài chính; việc thực hiện thanh kiểm tra…
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng yêu cầu Vinalines phát triển các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, có trọng điểm như tập trung vào các cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện-Hải Phòng và Cái Mép-Thị Vải; phát triển đội tàu container và tuyến vận tải dưới thương hiệu chung, xây dựng các trung tâm logistics tạo vai trò kết nối, khép kín chuỗi dịch vụ; đẩy mạnh hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp, sẵn sàng chuyển sang hoạt động với mô hình công ty cổ phần.
Được biết, Vinalines dự kiến tổ chức đại hội cổ đông, chính thức hoạt động với mô hình công ty cổ phần từ cuối tháng 6/2019 với hoạt động kinh doanh chính vẫn sẽ dựa trên 3 “chân kiềng” là cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải.
Việt Hùng