Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản, khẩu vị của nhà đầu tư lộ rõ
Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản, khẩu vị của nhà đầu tư lộ rõ
Trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản qua góp vốn, mua cổ phần hơn 562 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ 2018 và tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2017. Doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn, tài chính mạnh và uy tín thương hiệu đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cao kỷ lục
Tuần qua, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) đã ký kết thành công thỏa thuận hợp tác với Samty Corporation (Nhật Bản) - một tập đoàn bất động sản có gần 40 năm hình thành phát triển. Theo đó, Samty và một trong số các công ty bất động sản hàng đầu Nhật Bản sẽ đầu tư 22.5 triệu USD vào Phát Đạt. Khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ một phần vốn đầu tư của PDR để phát triển một số dự án do Phát Đạt làm chủ đầu tư.
Sự kiện hợp tác của Phát Đạt và Samty góp phần xác lập xu hướng các nhà phát triển bất động sản nước ngoài đang đổ vốn vào bất động sản Việt Nam qua kênh góp vốn, mua cổ phần.
Báo cáo mới nhất mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ đầu năm đến ngày 20/04/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước vào lĩnh vực bất động sản lớn thứ hai, chỉ sau vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đạt hơn 1.1 tỷ USD, tăng 36.3% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại TP.HCM, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đạt 164.5 triệu USD, tăng hơn 139% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ tính riêng kỳ 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh bất động sản cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đạt mức cao nhất từ năm 2015 tới nay.
Làn sóng các nhà phát triển bất động sản nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong 3 năm trở lại đây đa dạng hơn, không chỉ là đăng ký đầu tư vào dự án mới, tăng thêm vốn vào dự án hiện hữu mà còn góp vốn, mua cổ phần. Hình thức góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh mẽ từ đầu năm 2019, tính riêng 4 tháng, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản qua góp vốn, mua cổ phần hơn 562 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ 2018 và tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2017.
Giới phân tích cho rằng, dòng vốn ngoại vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do nhu cầu thị trường tăng cao đến từ tăng trưởng kinh tế ổn định và làn sóng các công ty đa quốc gia chuyển dịch nhà máy của họ về Việt Nam. Thêm vào đó, hình thức hợp tác thông qua góp vốn, mua cổ phần sẽ vượt trội vì có thể giúp các nhà đầu tư ngoại nhanh chóng tiếp cận được quỹ đất sạch đã sẵn sàng để phát triển dự án.
Ông Yasuhiro Ogawa, Giám đốc điều hành của Samty đánh giá: “Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh. Samty hy vọng sẽ nắm bắt được tiềm năng của nó và cơ hội tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản. Samty đánh giá cao sự ổn định của Việt Nam và tính cách làm việc chăm chỉ của người Việt.”
Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản), ông Yamaguchi Masakazu, trong bài phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do Báo Thanh Niên tổ chức tháng 4/2019, đánh giá: “Nhu cầu mua bất động sản để ở tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền.” Bên cạnh đó, đại diện Quỹ Creed Group lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam, tin tưởng trong khoảng 30 năm sắp tới, Việt Nam sẽ có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, nhờ đó nhu cầu nhà ở, du lịch… của người dân sẽ tăng lên mạnh mẽ.
“Khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại khi góp vốn vào doanh nghiệp bất động sản?
Điều gì ở các doanh nghiệp bất động sản Việt đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại? Nhìn vào các thương vụ đầu tư thành công của nhà đầu tư Nhật Bản cho thấy, các doanh nghiệp có vị thế cao trong ngành, có bề dày kinh nghiệm, chuyên nghiệp và am hiểu thị trường dễ dàng “nên duyên” nhanh chóng với các nhà đầu tư ngoại.
Các doanh nghiệp bất động sản có những đặc điểm nói trên phần lớn đều sở hữu quỹ đất sạch lớn, có tài chính lành mạnh, dự án có quy mô lớn; sở hữu hệ thống quản trị doanh nghiệp chuẩn mực cũng như giữ được các cam kết với đối tác về lợi nhuận, thời gian triển khai, thời gian bán hàng…
Trên thực tế, các doanh nghiệp hút vốn đầu tư của Nhật Bản thành công đang là doanh nghiệp có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu dưới 0.2 lần, thậm chí là không có nợ vay vào cuối năm 2018 như trường hợp của Phát Đạt.
Tương tự, về quỹ đất, Phát Đạt là doanh nghiệp nằm trong Top các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có quỹ đất lớn nhất và đang tích cực gia tăng quỹ đất để đảm bảo cho phát triển mạnh trong 5-10 năm tới. Tính đến cuối năm 2018, quỹ đất của Phát Đạt gần 427 ha, trong đó quỹ đất tự phát triển 386 ha, quỹ đất liên kết phát triển gần 41 ha, phần lớn trong đó đã có đầy đủ pháp lý và vị trí đắc địa tại TP.HCM, Bình Định, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng…sẵn sàng để phát triển các sản phẩm nhà ở, văn phòng cho thuê, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng…
Ngoài vốn doanh nghiệp Việt được gì khi “kết duyên” với đối tác ngoại?
Trong 3 năm trở lại đây, một loạt dự án bất động sản liên doanh với Nhật Bản và Hàn Quốc khi được công bố đã hút khách từ khâu bán hàng, được đánh giá có chất lượng vượt trội, tạo tiếng vang cho chủ đầu tư dự án khi đưa vào sử dụng.
Một khi nhà đầu tư ngoại đồng hành với doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, ngoài sự hậu thuẫn về vốn để doanh nghiệp phát triển quỹ đất sạch lớn, nhanh gọn; với kinh nghiệm phát triển bất động sản ở các nước tiên tiến, đối tác ngoại sẽ giúp phía Việt Nam tạo ra những sản phẩm bất động sản hiện đại, chất lượng vượt trội, đúng cam kết về thời gian triển khai… mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng qua đó tăng giá trị cho các cổ đông.
Hơn nữa, khách hàng mua sản phẩm bất động sản có sự tham gia của đối tác ngoại thường được hỗ trợ khá tốt về điều kiện thanh toán, phương thức thanh toán cạnh tranh nên dễ dàng được tiêu thụ và tăng vòng quay vốn.
Việc hợp tác quốc tế cũng hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động trên thị trường; hỗ trợ về đào tạo và trao đổi kiến thức trong những lĩnh vực ưu tiên phù hợp với chiến lược phát triển của nhau.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch PDR cho rằng: “Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của PDR không chỉ nằm ở quỹ đất, tình hình tài chính khỏe mạnh… mà còn dựa trên nguyên tắc kinh doanh là tôn trọng cam kết và nỗ lực thực hiện cam kết đó ở mức cao nhất trong mọi hợp tác. Thông qua việc hợp tác với Samty, doanh nghiệp nâng cao giá trị và vị thế trên cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài.”
fili