Xuất thân nghèo khó và hành trình đầy gian truân để lên chức Chủ tịch ECB (Kỳ 2)
Xuất thân nghèo khó và hành trình đầy gian truân để lên chức Chủ tịch ECB (Kỳ 2)
Khi tiếng chuông điện thoại reo lên vào sáng ngày 24/06/2011, ông Mario Draghi chẳng hề hình dung ra những thách thức ở phía trước. “Mario, mọi chuyện xong rồi”, vị Chủ tịch ECB đương nhiệm, Jean-Claude Trichet, bình thản cho biết. Ông đang gọi từ Brussels – nơi Hội đồng châu Âu vừa ký vào đơn bổ nhiệm ông Draghi làm Chủ tịch ECB đời thứ ba.
Chủ tịch ECB Mario Draghi
|
Ngay cả trước khi ông Draghi chuyển sang văn phòng cao chót vót ở tòa nhà Eurotower tại Frankfurt, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã bước sang giai đoạn mới và “tâm bão” đang là Ý và Tây Ban Nha. Trái phiếu và cổ phiếu rớt giá không phanh, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cũng “bốc hơi”, buộc ECB phải can thiệp và mua trái phiếu Chính phủ để mang lại sự an ủi tạm thời. Trong một bài phát biểu ở Rome vào ngày 13/07/2011, người sắp nhậm chức Chủ tịch ECB trong vòng 5 tháng nữa vừa định hình nên phong cách chính quyền của ông: “Giờ là lúc thích hợp để chắc chắn về những quy trình giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc gia bằng cách định nghĩa rõ ràng các mục tiêu chính trị, các công cụ và nguồn lực”.
Đây đã là một trận chiến khó khăn kể từ đó, nhưng như ông Draghi chia sẻ tại đêm chia tay của ông Trichet vào tháng 10 năm đó: “Những người bạn nói với tôi là tôi hiếm khi lẫn tránh những nhiệm vụ bất khả thi”.
Sinh ra và lớn lên ở Rome trong thời kỳ hậu chiến tranh, ông Draghi đã học được cách xử lý những tình huống khó nhằn khi còn khá trẻ. Cha mẹ ông lần lượt qua đời (chỉ cách nhau vài tháng) khi ông mới 15 tuổi (cha ông là một banker và mẹ ông là một dược sĩ). Rời xa vòng tay của cha mẹ quả thật là bão tố. Ông phải tự thân nuôi nấng 2 đứa em. Tại thời điểm đó, ông đi học ở Istituto Massimo, một trường trung học phổ thông đã từng nuôi dưỡng ra nhiều nhân tài của Ý. Học theo thầy hiệu trưởng Cha Franco Rozzi – một giảng viên triết học luôn luôn hỏi “Tại sao” mỗi khi học sinh đưa ra một câu trả lời và điều đó đã để lại dấu ấn trong lòng ông Draghi. “Tại sao” trở thành câu hỏi mà ông thường đặt ra cho nhân viên trong những năm tháng sau này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sapienza ở Rome với bằng cử nhân kinh tế trong những năm 1970, ông Draghi tiếp tục sự nghiệp học tập ở MIT. Lấy được bằng tiến sĩ, ông lại trở về quê nhà để theo đuổi sự nghiệp học thuật cho đến khi Thủ tướng khi đó là Giulio Andreotti bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Tài chính Ý trong năm 1991. Trong 10 năm làm Bộ trưởng Tài chính – một vai trò đòi hỏi phải cân bằng cẩn thận giữa chính trị và kỹ trị, ông Draghi đã kinh qua 11 chính quyền. Với ý chí kiên định hiếm thấy giữa dòng chảy chính trị bất ổn ở Ý, ông đã thực hiện cải tổ Bộ Tài chính, dẫn đầu một trong những làn sóng tư nhân hóa lớn nhất tại Ý, kiểm soát núi nợ khổng lồ của quốc gia và là người góp phần đảm bảo Ý là một trong những thành viên sáng lập của đồng Euro trong năm 1999. Super Mario – biệt danh của ông – cũng được ra đời từ thuở ấy nhờ sự lãnh đạo tài tình và khôn khéo của ông dưới vai trò Chủ tịch ECB.
Trong năm 2002, khoảng 1 năm sau khi Silvio Berlusconi trở thành Thủ tướng Ý nhiệm kỳ thứ hai, ông Draghi đã chuyển tới Luân Đôn để gia nhập vào Goldman Sachs dưới vai trò là Tổng Giám đốc. Thế nhưng, vào năm 2005, ông bắt đầu lặng lẽ dò hỏi ý kiến của mọi người để trở lại lĩnh vực dịch vụ công. Năm kế đó, trong những năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Berlusconi, Tổng thống Carlo Azeglio Ciampi đã triệu gọi ông Draghi trở về quê nhà để giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý (BoI).
Ông Draghi mang lại nét hiện đại tới Palazzo Koch – nơi đặt trụ sở của BoI vào cuối thế kỷ 19 – với những chiếc BlackBerry trên bàn làm việc. Cùng với đó, ông cũng mang phong cách quản lý riêng vào nơi làm việc: Ủy quyền từ xa. “Ông Draghi ở đâu? Ở chỗ khác” trở thành trò đùa ở nơi công sở. Sau khi ông Draghi rời BoI, các nhà làm luật đã chỉ trích NHTW vì đã bắt tội ngân hàng Banca Monte dei Paschi di Siena SpA sau khi phát hiện ra nhiều điểm bất thường về kế toán trong các cuộc điều tra diễn ra khi ông còn là Thống đốc BoI . Chính quyền Ý đã chi ra rất nhiều tiền để giải cứu Ngân hàng Monte dei Paschi khi vụ bê bối trên được làm rõ. Khi được hỏi về sự giám sát ngân hàng Monte dei Paschi, ông Draghi – người không bị cáo buộc – cho rằng “Ngân hàng này đã làm mọi thứ mà họ nên làm”.
Khi Ngoại trưởng Ý, Franco Frattini, bắt đầu vận động hành lang công khai để ông Draghi thay thế ông Trichet ở ECB trong năm 2009, có vẻ như vị trí này đã được định sẵn sẽ tới tay ông Axel Weber – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức. Sau tất cả, vẫn chưa có người Đức nào giữ vai trò chính sách quan trọng của châu Âu kể từ khi ông Walter Hallstein trở thành Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) trong giai đoạn 1958-1967.
Nếu muốn trở thành người lãnh đạo ECB, ông Draghi buộc phải vượt qua một số chướng ngại vật. Với vai trò là Thống đốc của một ngân hàng trung ương, ông ấy có một ghế trong Hội đồng Thống đốc ECB. Các đồng nghiệp trong Hội đồng này cảm thấy bực mình trước thái độ “Tôi chỉ giải quyết những vấn đề quan trọng, đừng làm phiền tôi với những chi tiết nhỏ nhặt” của ông Draghi. Họ cho rằng, thiếu đi sự nhẫn nại cần thiết cùng với thói quen hay nghỉ giữa giờ trong lúc họp để làm việc riêng của ông Draghi, rõ ràng là ông chưa có sức ảnh hưởng cần thiết để được cân nhắc làm người đại diện cho nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trở về quê nhà, ông Draghi và Bộ trưởng Tài chính của ông Berlusconi – Giulio Tremonti – hiếm khi trò chuyện với nhau vì Ý lúc ấy đang chìm trong khủng hoảng. Ông Tremonti đổ lỗi cho phe kỹ trị như ông Draghi vì cho phép nền kinh tế đi trật khỏi đường ray. Ông Draghi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi phải nhắc nhở Tremonti và các chính trị gia khác rằng tái cấu trúc kinh tế hay không thì đều tùy thuộc vào họ, ám chỉ trước về cách mà ông sẽ đối phó với các chính quyền với vai trò Chủ tịch ECB. Các chính trị gia Ý phẫn nộ khi ông Draghi cùng với ông Trichet ký vào lá thư yêu cầu cải cách sâu rộng ở Ý nếu muốn có sự trợ giúp từ ECB.
Sau đó, trong tháng 2/2011, Weber đệ đơn từ chức và rút khỏi Ngân hàng Trung ương Đức vì phản đối chương trình mua tài sản. Trước diễn biến đó, ông Draghi nhận thấy cơ hội đã tới. Trong các cuộc phỏng vấn và bài phát biểu, ông Draghi phải chắc rằng công chúng Đức nhận thấy được sự tận tâm của ông với việc giữ ổn định về giá và thận trọng về tài chính. Bị thuyết phục bởi những đức tính của ông, bà Merkel quay sang ủng hộ Draghi khi cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch của Hội đồng châu Âu còn 6 tuần nữa mới diễn ra. Bà hy vọng ông sẽ lãnh đạo ECB cùng với Ngân hàng Trung ương Đức – chính sách tiền tệ thắt chặt của nước này là xương sống của ECB khi tổ chức này được thành lập trong năm 1998. “Ông ấy rất gần với những ý tưởng của chúng tôi về văn hóa ổn định và chính sách kinh tế vững chắc”, Thủ tướng Đức nhận định tại thời điểm đó.
* Đón xem kỳ 3: Màn chào sân ấn tượng
FiLi