‘Nền kinh tế cầu vồng' đến 300 tỉ đô ở Trung Quốc
‘Nền kinh tế cầu vồng' đến 300 tỉ đô ở Trung Quốc
Nền kinh tế phục vụ cho cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đang nở rộ tại Trung Quốc. Tổng giá trị của khu vực kinh tế này ước tính đạt 300 tỉ USD/năm, đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau châu Âu và Mỹ.
Người tham gia một sự kiện về đêm trong tuần lễ ShanghaiPRIDE, diễn ra tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
|
Sự phát triển của cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đang mở ra một thị trường béo bở cho các doanh nghiệp nhảy vào.
Một bài viết của hãng tin Bloomberg ngày 19-6 gọi tên nó là "nền kinh tế cầu vồng".
Cơ hội đầu tư mới
Theo hãng tư vấn LGBT Capital, cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đang có sức mua là 541 tỉ USD. Tổng giá trị của khu vực kinh tế này ước tính đạt 300 tỉ USD/năm, đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau châu Âu và Mỹ.
Một nửa số người tham gia một khảo sát do trang hẹn hò Blued và tổ chức quyền đồng tính Danlan thực hiện cho rằng sự ủng hộ của doanh nghiệp đối với các chính sách LGBT sẽ ảnh hưởng tới việc họ có mua hàng từ doanh nghiệp đó hay không.
"Các doanh nghiệp đã can đảm hơn, nhưng họ còn có thể và sẽ làm nhiều hơn nữa, một khi họ dần quen thuộc với thị trường này", ông Darius Longarino, giảng viên chuyên nghiên cứu về LGBT tại Trung Quốc của ĐH Yale (Mỹ), cho biết.
Tuy không có luật cấm LGBT, Bắc Kinh cũng không đưa ra luật chống kỳ thị giới tính và Trung Quốc vẫn không chấp nhận hôn nhân đồng giới.
Giữa thực trạng nhạy cảm này, các doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng hơn.
Tuần lễ ShanghaiPRIDE, diễn ra tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
|
Vào đầu năm nay, chuỗi cà phê Starbucks đã tung ra loại cốc đựng và ly giữ nhiệt 7 sắc cầu vồng, in thông điệp "Love is love - Tình yêu là tình yêu" và không hề đả động tới chủ đề LGBT.
Năm 2015, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã phối hợp cùng Blued tổ chức một cuộc thi, nhằm đưa 7 cặp đôi đồng tính tới Hollywood tổ chức đám cưới, sau khi Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Các nhãn hàng lớn như Bayer, Coach, Diesel, Old Navy, and Shake Shack năm nay đều tài trợ cho tuần lễ ShanghaiPRIDE, sự kiện dành cho cộng đồng LGBT tổ chức hàng năm tại Thượng Hải.
Tại TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, các công ty nhỏ sản xuất mọi thứ với tông màu cầu vồng, từ ốp điện thoại cho đến bao cao su.
Tuy vậy, sự thành công này vẫn có giới hạn của nó.
Lằn ranh đỏ
Gaydorado là một game điện thoại cho người chơi nhập vai thành cư dân của một thành phố thân thiện với người đồng tính. Trò chơi này có tổng cộng 20.000 người chơi tích cực mỗi ngày.
Theo Bloomberg, những người này sẵn sàng bỏ ra hàng triệu nhân dân tệ mỗi tháng để mua vật phẩm trong game.
Tuy nhiên, Gaydorado vẫn không được Bắc Kinh cấp phép phát hành tại thị trường nội địa. Người chơi Trung Quốc phải lợi dụng các lỗ hổng kỹ thuật để đăng nhập vào nó.
Các doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn đang tìm cách tiếp cận phù hợp, đặc biệt là khi thái độ của Bắc Kinh về vấn đề này vẫn thay đổi liên tục.
Khi Trung Quốc tổ chứng Olympics Mùa hè 2008, hãng tin Tân Hoa Xã liền đi một tuyến bài quảng bá địa điểm vui chơi Destination là "Club đồng tính nổi tiếng nhất Bắc Kinh".
Tuy nhiên, vào 2017, Rela, một ứng dụng hẹn hò nổi tiếng dành cho đồng tính nữ, đã bị cấm sau khi đứng ra tài trợ cho một sự kiện tại Thượng Hải về quyền LGBT. Ứng dụng này một thời gian sau lại được tiếp tục hoạt động.
Trung Quốc đã ngừng tội phạm hóa đồng tính vào năm 1997, cũng như xóa từ "đồng tính" ra khỏi danh sách các căn bệnh rối loại thần kinh vào năm 2001. Dù vậy, đề tài về cộng đồng LGBT tại đây vẫn còn khá nhạy cảm.
NGUYÊN HẠNH