Căng thẳng thương mại leo thang, chứng khoán Trung Quốc nhuốm đỏ
Căng thẳng thương mại leo thang, chứng khoán Trung Quốc nhuốm đỏ
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Hai (03/06) giữa lúc nhà đầu tư càng ngày càng lo về tình hình thương mại toàn cầu.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai (03/06), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục suy giảm, trong đó chỉ số Shanghai Composite lùi 0.3% xuống 2,890.08 điểm và Shenzhen Component hạ 0.74% xuống 8,856.99 điểm. Shenzhen Composite giảm 1.043% xuống 1,515.89 điểm.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 0.03% xuống 26,893.86 điểm. Cổ phiếu HSBC niêm yết ở Hồng Kông sụt 1.01%, còn AIA hạ 1.56%.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0.92% xuống 20,410.88 điểm khi cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Fanucs rớt 3.3%, còn chỉ số Topix lùi 0.88% và khép phiên tại mức 1,498.96 điểm. Cổ phiếu của ông lớn Softbank Group sụt 6.22% sau khi tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin Công ty đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc huy động tiền trong đợt gọi vốn mới nhất.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cộng 1.28% lên 2,067.85 điểm khi cổ phiếu của ông lớn Samsung Electronics và SK Hynix tăng tương ứng 3.06% và 1.99%.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 hạ 1.19% xuống 6,320.5 điểm khi hầu hết các lĩnh vực đều giảm.
Một chiến lược gia mô tả môi trường hiện tại là “rất khó khăn” và “rất khó ra quyết định”.
“Đây là lúc để nghĩ về nơi bạn có thể kiếm được tỷ suất sinh lợi một cách chắc ăn. Nên chơi phòng thủ trên thị trường cổ phiếu tại thời điểm này”, Jonathan Garner, Giám đốc quản lý và trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Á và thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, nói với CNBC trong ngày thứ Hai (03/06).
Chỉ số PMI Trung Quốc
Trong ngày thứ Hai (03/06), dữ liệu PMI từ Caixin cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc tốt hơn dự báo trong tháng 5/2019.
Chỉ số PMI sản xuất tháng 5/2019 từ Caixin/Markit đạt 50.2, cao hơn dự báo 50 từ các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò từ Reuters và bằng với chỉ số PMI tháng 4/2019. Được biết, chỉ số PMI trên 50 ám chỉ sự mở rộng, còn dưới mức này ám chỉ sự thu hẹp.
Chỉ số PMI sản xuất chính thức trong tháng 5/2019 đạt mức 49.4, thấp hơn dự báo 49.9 của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất tháng 4/2019 là 50.1. Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức trong tháng 5/2019 là 54.3 – không đổi so với tháng 4/2019.
James Cheo, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường Đông Nam Á tại HSBC Private Banking, nói với CNBC rằng tăng trưởng nội địa, nhất là về dịch vụ và doanh số bán xe hơi, vẫn đang “đứng khá vững”. “Công bằng mà nói, mảng sản xuất thì chậm lại đôi chút. Thế nhưng, tôi nghĩ kinh tế nội địa vẫn còn khá tốt”, ông nói.
Tâm lý lo ngại bao trùm
Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (31/05), khi nhà đầu tư e ngại về lời đe dọa bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế mới lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc đang xấu đi, qua đó có nguy cơ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 354.84 điểm xuống 24,815.04 điểm, chỉ số S&P 500 lùi 1.3% xuống 2,752.06 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 1.5% còn 7,453.15 điểm. S&P 500 khép lại tháng 5 sụt 6.6% do biến động tăng vọt sau khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sụp đổ và những màn đáp trả từ cả 2 phía ngày càng tồi tệ trong tháng 5.
“Lần ném bom mới nhất vào thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump… có thể trở thành mối đe dọa ngắn hạn, vốn đã được nhanh chóng xoa dịu bởi những nhận định về an ninh biên giới, nhưng dù sao điều này cũng dường như gây tổn hại ở một số cấp độ”, Krishna Guha, Giám đốc bộ phận chiến lược ngân hàng trung ương và chính sách toàn cầu của Evercore ISI, cho hay.
Đà sụt giảm trong ngày thứ Sáu đã góp phần vào đà lao dốc của chứng khoán trong tuần và trong tháng qua. Dow Jones mất 3% trong tuần này và đánh dấu 6 tuần sụt giảm liên tiếp – chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2011. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Theo đó, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 2.6% và 2.4% trong tuần qua.
* Trung Quốc đổ lỗi Mỹ những gì về chiến tranh thương mại?
* Trung Quốc: Không muốn tranh giành vị trí đứng đầu của Mỹ
* Trung Quốc dọa thêm hàng loạt công ty Mỹ vào danh sách đen
FiLi