Cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội vẫn mở cho doanh nghiệp nội?
Cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội vẫn mở cho doanh nghiệp nội?
Bộ GTVT cho rằng đang có những hiểu nhầm nhất định liên quan đến các tiêu chí tham gia đấu thầu khiến nhà đầu tư trong nước ngần ngại khi tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam.
|
Lo tiêu chí “ngặt nghèo”
"Chúng tôi đang làm rõ các tiêu chí của bài thầu, ví dụ nhà đầu tư liên danh, có năng lực thì sẽ được tính gộp chứ không tính riêng lẻ từng doanh nghiệp". Ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT |
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT, các ban quản lý dự án (QLDA) đã phát hành được 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam. Trong số đó có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc...
“Tới 10.7 khi chốt hồ sơ mới có số liệu chính xác các nhà đầu tư tham gia đấu thầu, có thể sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài lấy hồ sơ trên mạng thông qua trang web của Bộ GTVT, và sẽ nộp hồ sơ trước khi hạn kết thúc cùng chi phí mua hồ sơ thầu”, ông Huy cho biết.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã mua hồ sơ sơ tuyển chủ yếu vẫn là những cái tên quen thuộc đến từ các DN đã tham gia các dự án BOT, cao tốc trước đây, mà chưa xuất hiện những “đại gia” là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có tiềm lực tài chính mạnh. “Có thể họ đã làm bài thầu sẵn nhưng chưa nộp hồ sơ, hoặc cử ra một nhà đầu tư khác trong liên danh mua hồ sơ. Đấu thầu các dự án quốc tế cao tốc Bắc - Nam rất cạnh tranh, nên các nhà đầu tư cũng phải “giấu bài”, ông Huy thông tin.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện Bộ GTVT, một số nhà đầu tư quốc tế từ châu Âu, Nhật, Hàn Quốc không mấy “nhiệt tình” do lo ngại chưa có cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh doanh thu của Chính phủ tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Vì thế, số lượng hồ sơ nộp tham gia thầu trong thực tế có thể tăng hoặc giảm, tùy vào mức độ quan tâm thực sự của các nhà đầu tư.
Trên thực tế, không chỉ nhà đầu tư quốc tế lo ngại, mà nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đang có nhiều băn khoăn trước thời điểm đấu thầu chính thức dự án cao tốc Bắc - Nam. Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho hay DN này đã mua hồ sơ sơ tuyển một số dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam. “Nhiều tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư còn rất bất cập, khiến cơ hội cho nhà đầu tư trong nước tham gia rất hạn hẹp. Đơn cử như yêu cầu về năng lực tài chính là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 20%, cao hơn quy định của Nghị định 63. Với quy định này, nhà đầu tư phải góp 1.700 - 3.000 tỉ đồng, các DN trong nước khó đáp ứng được dù đã làm nhiều công trình”, ông Thế nói. Chưa kể, các tiêu chí về kinh nghiệm quá chặt chẽ, như yêu cầu DN phải thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư bằng 50%, có kinh nghiệm trực tiếp thi công một dự án có giá trị tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án đang xét... “DN trong nước liên danh cũng không thể đáp ứng được do không được tính cộng năng lực kinh nghiệm”, ông Thế cho biết.
Còn theo ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Thành Trancosin, nhà đầu tư mong muốn cơ chế chia sẻ rủi ro tốt nhất cho cả nhà nước và nhà đầu tư. “Nhưng quan trọng nhất là cơ chế minh bạch, sòng phẳng giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư”, ông Khôi nói.
Liên kết tạo nguồn lực
Việc khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước cũng đã được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong suốt thời gian qua. Song với các DN đầu tư lĩnh vực hạ tầng, giao thông vừa và nhỏ, rất khó để xoay xở đủ 20% vốn đối ứng cho các dự án có hiệu suất đầu tư vài chục ngàn tỉ đồng. Các DN lớn, đủ tiềm lực lại không mấy mặn mà vì hiện nay, BOT không còn là “miếng bánh ngon”.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Nho Hoàng (Hà Nội) đã đặt vấn đề vì sao chia thành 8 gói thầu mà không chia thành 80 gói thầu? Nếu chia nhỏ các gói thầu thì các DN VN với quy mô vốn nhỏ sẽ có khả năng tham gia được. Tuy nhiên, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright nhận định việc chia nhỏ các gói thầu sẽ khiến dự án trở nên manh mún, càng phát sinh thêm nhiều vấn đề trong quá trình triển khai, quản lý.
Theo ông Du, vấn đề lớn nhất đối với các DN trong nước dẫn đến rủi ro thất bại khi đối đầu với các DN nước ngoài là sự thiếu liên kết, hợp tác. “Luật Đấu thầu đối với các dự án công - tư (PPP) có cho phép thành lập liên doanh nhưng hầu hết các DN nội hiện nay không ai chịu nghe ai, manh mún, không thể cùng tạo ra những DN lớn. Muốn có được nhà thầu mạnh, đủ sức đấu chọi lại với các DN ngoại để tự chủ trong việc thi công, xây dựng các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, bắt buộc phải có sự liên kết, hợp tác, thỏa thuận, gộp năng lực thi công của nhiều DN, tạo nên những liên doanh lớn”, ông Du nhấn mạnh.
Dưới góc độ cơ quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam, theo ông Nguyễn Viết Huy, đang có những hiểu nhầm trong tiêu chí hồ sơ sơ tuyển tham gia dự án. “Nếu yêu cầu kinh nghiệm độc lập ở từng nhà đầu tư thì DN trong nước khó đáp ứng được. Chúng tôi đang làm rõ các tiêu chí của bài thầu, ví dụ nhà đầu tư liên danh, có năng lực thì sẽ được tính gộp chứ không tính riêng lẻ từng DN”, ông Huy nói và cho rằng, với việc làm rõ này, cơ hội sẽ rất rộng cho DN trong nước.
Hà Mai