Chính phủ lần đầu 'họp không giấy tờ', biểu quyết điện tử
Chính phủ lần đầu 'họp không giấy tờ', biểu quyết điện tử
Hệ thống e-Cabinet được Chính phủ áp dụng với mục tiêu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp, sử dụng 100% văn bản điện tử.
Sáng 24/6, phát biểu tại lễ khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, mục tiêu của hệ thống này là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử hiện đại, minh bạch, giảm thời gian và tăng hiệu quả trong xử lý công việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, e-Cabinet sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ, với đầy đủ các chức năng như: Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ...
Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khai trương hệ thống e-Cabinet. Ảnh: VGP.
|
Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước; cùng thời gian này đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).
"Chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn. Tuy nhiên chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo ông, lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng, thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến.
Thủ tướng lưu ý, e-Cabinet cần được tiếp tục phát triển "mang bản sắc Việt Nam" thay vì áp dụng máy móc mô hình nước ngoài. Ông lấy ví dụ, các thành viên Chính phủ không tham dự họp trực tiếp vẫn có thể biểu quyết qua e-Cabinet, nhưng "chúng ta không khuyến khích sự vắng mặt".
Hệ thống này do Viettel đầu tư và cho thuê lại dịch vụ dưới sự đặt hàng của Văn phòng Chính phủ. Đại diện đơn vị thiết kế và vận hành hệ thống, quyền Chủ tịch Tập đoàn Lê Đăng Dũng chia sẻ tại buổi lễ: "Viettel cam kết đồng hành với VPCP, Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo hệ thống vận hành nhanh, chính xác, an toàn và hiệu quả".
với nội dung xem xét dự thảo nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định hình thức định danh và xác thực điện tử. Phiên họp có mặt 21/27 thành viên Chính phủ, vắng 6 người.
Toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự thảo đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet.
"Các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, thể hiện sự đồng thuận cao và đến nay không còn ý kiến khác nhau", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Chính phủ đã biểu quyết bằng hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, 4 người biểu quyết qua mạng).
Sau đó, Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng ký ban hành nghị quyết nêu trên bằng thiết bị di động. Toàn bộ phiên họp chỉ diễn ra trong hơn 10 phút.
Các thành viên Chính phủ biểu quyết bằng hệ thống e-Cabinet. Ảnh: VGP.
|
Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ được giao tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống e-Cabinet; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ để đảm bảo an ninh hệ thống.
Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ để phù hợp với phương thức làm việc trên môi trường điện tử; sau thời gian thử nghiệm, cần đánh giá toàn diện về hệ thống e-Cabinet.
Viết Tuân